Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại bằng nhiều hình thức cả trong nước và nước ngoài, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nắm bắt kịp thời các thông tin cần thiết, tiếp cận với thị trường nước ngoài để tiêu thụ tốt sản phẩm hàng hóa xuất khẩu.
Du khách đến khu du lịch Long Thủy (xã An Phú, TP Tuy Hòa) - Ảnh: D.T.XUÂN
Ngày 26/11/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 220/SL quy định tổ chức bộ máy của Bộ Kinh tế, trong đó, thiết lập Nha Thương vụ và Nha Tiếp tế là cơ quan quản lý nhà nước đầu tiên về thương mại và từ đó đến nay, ngày 26 tháng 11 hàng năm, trở thành ngày truyền thống của ngành thương mại Việt Nam.
Trong những năm gần đây, đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước đã huy động nhiều thành phần kinh tế tham gia kinh doanh làm cho hoạt động thương mại của Phú Yên có nhiều chuyển biến tích cực, đáp ứng ngày càng tốt hơn các nhu cầu đa dạng của sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của nhân dân. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ xã hội ngày càng tăng; thời kỳ năm 2001-2005 đạt 12.000 tỷ đồng; tốc độ tăng trưởng bình quân là 12,9%/năm, trong đó: kinh tế Nhà nước chiếm 17,1%, kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân và cá thể chiếm tỷ trọng 82,9%. Năm 2006 ước đạt 3.750 tỷ đồng tăng 19%.
Hoạt động xuất nhập khẩu phát triển tích cực, thị trường được mở rộng. Tổng kim ngạch xuất khẩu 5 năm 2001-2005 đạt 185,4 triệu USD, bình quân tăng hàng năm 11,2%, trong đó hàng địa phương 170,3 triệu USD, chiếm 91,9%; riêng năm 2005 đạt 56,8 triệu USD. Kim ngạch xuất khẩu bình quân đầu người năm 2005 đạt 65,9 USD/người và ước kim ngạch xuất khẩu năm 2006 đạt 70 triệu USD, tăng 22,8%. Các mặt hàng địa phương tham gia xuất khẩu ngày càng tăng. Một số mặt hàng xuất khẩu chủ yếu tăng như: hải sản, nhân hạt điều, hàng may mặc, hàng thủ công mỹ nghệ…
Đến nay, toàn tỉnh có 3 doanh nghiệp nhà nước, 30 công ty cổ phần, 120 công ty TNHH, 209 doanh nghiệp tư nhân, 12 hợp tác xã, 8 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, 114 cửa hàng kinh doanh xăng dầu và hơn 9000 hộ kinh doanh cá thể hoạt động kinh doanh thương mại.
Hệ thống chợ đã từng bước được đầu tư, nâng cấp, xây dựng mới; đến nay trên địa bàn toàn tỉnh có: 141 chợ, trong đó có 1 chợ loại I, 6 chợ loại II và 134 chợ loại III. Công tác tổ chức và quản lý chợ được tăng cường, đưa hoạt động của chợ đi dần vào nề nếp và trở thành những đầu mối quan trọng cho việc trao đổi, lưu thông hàng hóa giữa các vùng và các địa phương, góp phần quan trọng cho việc phát triển kinh tế xã hội của từng địa bàn trong tỉnh.
Công tác quản lý nhà nước về thương mại đã được củng cố và tăng cường, đã tích cực xây dựng các quy hoạch lớn của ngành: Quy hoạch hệ thống chợ đến năm 2010; Quy hoạch thương mại đến năm 2010; Chiến lược xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ đến năm 2020 và Quy hoạch phát triển hệ thống cửa hàng xăng dầu đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020; công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại được chú trọng thường xuyên và đạt kết quả cao; công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ trong ngành được quan tâm đúng mức.
Ngoài việc thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao, các đơn vị trong ngành đã tham gia hưởng ứng tích cực và có trách nhiệm cao trong công tác xã hội từ thiện, đã nhận chăm sóc, phụng dưỡng 20 bà Mẹ Việt Nam Anh hùng, xây dựng 16 nhà tình nghĩa, đóng góp xây dựng 50 nhà theo chương trình xóa nhà tạm của tỉnh, quyên góp ủng hộ các quỹ xã hội từ thiện do các cấp phát động với tổng số tiền trên 3 tỷ đồng. Tổ chức nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao sôi nổi; tham gia nhiều hội thi, hội thao đạt kết quả cao.
Trong thời gian đến, với xu thế toàn cầu hóa nền kinh tế thế giới, Việt Nam đã chính thức gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), điều đó đặt ra nhiều cơ hội và thách thức mới. Phát huy truyền thống 60 năm, Ngành, Ngành Thương mại Phú Yên tiếp tục phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế xã hội mà Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Phú Yên lần thứ XIV đã đề ra. Toàn ngành tập trung thực hiện tốt những mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu sau đây:
- Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư kinh doanh, thúc đẩy phát triển mạnh thị trường từ thành thị đến nông thôn và miền núi, bảo đảm cung ứng đủ các mặt hàng thiết yếu và mặt hàng chính sách. Tiến hành quy hoạch, đầu tư phát triển các loại hình chợ, siêu thị, trung tâm thương mại. Ưu tiên đầu tư nâng cấp chợ trung tâm các huyện lỵ. Hoàn thành chợ Tuy Hòa, siêu thị Phú Yên. Quy hoạch mạng lưới cung ứng xăng dầu, hệ thống cửa hàng phục vụ chính sách, tổ chức tốt mạng lưới thông tin thị trường phục vụ các hoạt động kinh doanh.
- Tiếp tục củng cố và mở rộng thị trường xuất – nhập khẩu. Đầu tư chế biến xuất khẩu các mặt hàng địa phương có thế mạnh như: thủy – hải sản – nông sản thực phẩm, khoáng sản, nhóm hàng công nghiệp nhẹ, thủ công mỹ nghệ… phấn đấu đến năm 2010 đạt kim ngạch xuất khẩu hàng địa phương 130 triệu USD, giá trị xuất khẩu bình quân đầu người 142 USD.
- Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại bằng nhiều hình thức cả trong nước và nước ngoài, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nắm bắt kịp thời các thông tin cần thiết, tiếp cận với thị trường nước ngoài để tiêu thụ tốt sản phẩm hàng hóa xuất khẩu.
- Quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý và phát triển nguồn nhân lực của ngành đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.
- Tăng cường công tác quản lý nhà nước về thương mại và du lịch, đẩy mạnh công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại; đấu tranh chống sản xuất, buôn bán hàng giả và các hành vi kinh doanh trái pháp luật khác.
TRẦN QUANG NHẤT
Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Thương mại Du lịch Phú Yên