Vào dịp “Ngày Quốc tế người tiêu dùng thế giới” (15/3) năm nay, dư luận trong nước lại “nóng” với các câu chuyện thực phẩm “bẩn”, mà đỉnh điểm là vụ thu giữ gần 2,5 tấn thức ăn gia súc nghi là có chất cấm trong chăn nuôi lợn tại Đồng Nai, khiến người dân hết sức lo ngại. Cơ quan chức năng ở Đồng Nai cũng vừa phát hiện 220kg thức ăn gia súc có ghi rõ ngoài bao bì là tạo nạc, giúp lợn bung đùi, tăng nạc, giảm mỡ.
Mua hàng ở siêu thị, người tiêu dùng yên tâm hơn - Ảnh: N.TRƯỜNG
Chuyện sử dụng chất phụ gia, chất tăng trọng trong chăn nuôi không còn là chuyện mới. Nhưng điều đáng bàn ở đây là những kẽ hở trong khâu quản lý chất phụ gia. Câu chuyện sử dụng chất beta-agonists khiến lợn có thể tăng 2kg/ngày mà báo chí đăng tải mới đây khiến dư luận băn khoăn: Tại sao những loại chất độc như thế vẫn tiếp tục trôi nổi trên thị trường mà không cơ quan nào phát hiện?
Và chỉ đến khi báo chí lên tiếng, dư luận xôn xao lên án thì cơ quan chức năng mới vào cuộc điều tra. Như vậy, vấn đề đặt ra ở đây là: Trách nhiệm của các cơ quan quản lý nằm ở đâu? Làm thế nào để xử lý và ngăn chặn việc sử dụng, buôn bán trao tay chất phụ gia độc hại, và khung chế tài xử phạt cho những người vi phạm pháp luật như thế nào?
Điều đáng lo ngại là, để tạo ra những miếng thịt siêu nạc đỏ tươi này, vật nuôi được vỗ béo bằng các chất độc do nhập lậu. Và rất ít người tiêu dùng có thể nhận biết được đâu là thịt lợn thường, đâu là thịt lợn siêu nạc chứa hóa chất độc hại.
Người dân đặt câu hỏi, đến bao giờ người tiêu dùng mới thực sự được bảo vệ? Anh Hà Văn Sơn (Hà Nội) nêu ý kiến: “Các ngành chức năng vẫn còn quá chậm chạp trong việc công bố thông tin và xử lý vụ việc, quyền lợi người tiêu dùng vẫn chưa được bảo vệ kịp thời”.
Không chỉ chất phụ gia cho chăn nuôi bị buông lỏng quản lý, còn nhiều điều nguy hại nữa mà người tiêu dùng không biết phải kêu ai, kiện ai. Như xăng kém chất lượng trà trộn trên thị trường, hàng giả, thực phẩm không đảm bảo vệ sinh vẫn lọt vào thị trường nội địa, đe dọa sức khỏe người dân và ảnh hưởng tiêu cực tới xã hội, còn người tiêu dùng lại khó có thể nhận biết và tự bảo vệ mình.
Theo số liệu thống kê từ “Báo cáo thực trạng xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng và thực tiễn bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở Việt Nam” của Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương), trong số các doanh nghiệp được khảo sát có gần 18% vi phạm quy định về chất lượng, 15% vi phạm quy định về ghi nhãn, 12% vi phạm về đo lường, 10% kinh doanh hàng giả và 45% thuộc các vi phạm khác.
Tuy đã có luật, pháp lệnh và nhiều văn bản liên quan nhưng việc bảo vệ người tiêu dùng vẫn chưa thực thi hiệu quả, chưa có chế tài đủ mạnh để ngăn chặn, xử phạt, bồi thường thỏa đáng cho người tiêu dùng
Bà Nguyễn Thị Bạch Nga, Trưởng Ban Bảo vệ người tiêu dùng, Cục Quản lý cạnh tranh nêu rõ: “Để góp phần đưa Luật vào cuộc sống, cần có sự vào cuộc của các ngành chức năng như Bộ Công thương, Y tế, Công an, Hải quan… mới có thể bảo vệ người tiêu dùng. Hiện nay, lực lượng làm công tác này còn ít, nên nhiều vụ vi phạm vẫn diễn ra”.
Điều đó cho thấy rằng, cái khẩu hiệu của Ngày Quốc tế người tiêu dùng thế giới năm nay: “Tiền của chúng ta, quyền của chúng ta” với người dân Việt Nam xem ra còn ở xa lắm.
XUÂN LAN (TNVN)