Đến Hội An (Quảng Nam), du khách không chỉ được khám phá một quần thể Di sản văn hóa thế giới với những khu phố cổ yên bình, trầm mặc, mà còn có dịp thả hồn ngắm dòng sông thơ mộng và trải nghiệm cuộc sống của người dân ven sông nước. Đólà một mô hình du lịch sinh thái độc đáo, mới lạ để du khách có cơ hội trải nghiệm và khám phá văn hóa, cuộc sống người dân sông nước.
Anh Trần Văn Khoa (phải) và những du khách quốc tế trong một tour du lịch đặc biệt trên sông Hoài - Ảnh: T.QƯỚI
Sông Hoài, một nhánh hạ lưu của sông Thu Bồn đổ ra biển cửa Đại, nhánh sông không dài, chỉ chảy quanh một phần phố cổ trước khi ra biển và cũng bình thường như bao nhánh sông khác ở Việt Nam. Nhưng ở đây, sông Hoài ngoài chức năng của một nhánh sông bình thường nó còn giúp người dân xứ Quảng “hái” ra tiền bằng con đường du lịch.
Ở đây có khá nhiều “Công ty ngư dân” làm du lịch. Đó là những người dân vạn chài chính hiệu đã nhìn thấy tài nguyên du lịch từ dòng sông nên họ đã mạnh dạn chuyển nghề: Bán ghe đánh cá đầu tư thuyền du lịch, chở khách tham quan ngắm dòng sông chảy quanh phố Hội. Thế rồi những dịch vụ, chương trình hấp dẫn khác dần được hoàn thiện, hình thành những tour du lịch độc đáo: Du thuyền trên sông Hoài, một ngày làm ngư dân phố Hội, quăng chài trên sông...
Tôi có được may mắn khi tham gia một tour tổng hợp từ đầu đến cuối sông Hoài trên chiếc du thuyền của Công ty Hội An Eco tour, do chàng trai trẻ Trần Văn Khoa, một ngư dân trẻ mạnh dạn chuyển nghề và nhanh chóng thành công khẳng định thương hiệu “Eco tour”. Từ cuộc sống cơ cực của ngư dân làng chài, Trần Văn Khoa quyết tâm học hành. Sau khi tốt nghiệp đại học ngoại ngữĐàNẵng, anh không đi làm như bao thanh niên khác mà quyết tâm về quê lập nghiệp trên chính con sông quê hương mình. Eco tour - Hội An ra đời vào năm 2005 và đến nay đã trở thành thương hiệu du lịch nổi tiếng. Chàng thanh niên nghèo Trần Văn Khoa ngày nào giờ là một ông chủ lịch lãm vừa làm công tác quản lý vừa trực tiếp hướng dẫn những đoàn khách đặc biệt.
Du thuyền của Eco tour đưa chúng tôi chạy dọc sông Hoài hướng ra cửa Đại. Du khách có thể tận hưởng cảnh đẹp thiên nhiên thơ mộng hai bên bờ sông với những hàng dừa nước xanh tươi, những rớ chồ (một dụng cụ đánh bắt cá trên sông)… Sau đó, thuyền ra Cửa Đại ngược lên hướng sông Cổ Cò đi vào rừng dừa Bảy Mẫu – nơi một vùng quê cư dân sống bằng nghề sông nước.
Thấy cảnh vợ chồng ngư dân quăng lưới, Joan Tubis, một du khách Mỹ thốt lên: “Ôi! Thật tuyệt!”, rồi lấy máy ảnh chụp liên tay. Ngay sau đó, chúng tôi được chuyển sang thuyền chài và được ngư dân chỉ cách cầm lưới, quăng lưới và kéo lưới để bắt cá. Sau phút ngượng nghịu, chiếc lưới từ tay chàng Tây tung ra bung “rào” xuống mặt nước. Lưới được kéo lên, chỉ một vài chú cá mắc lưới, nhưng cũng khiến người khách phương xa thích thú.
Thuyền lại đưa chúng tôi tham quan rừng dừa nước Cẩm Thanh. Như có sự “phối hợp” nhịp nhàng, một tốp phụ nữ da rám nắng hối hả chèo những chiếc thúng chai lướt qua những hàng dừa xanh ngắt, mát rượi, miệng liên tục hô to “ô hô! ô hô!” khiến du khách trố mắt kinh ngạc. Các chị còn “biểu diễn” những động tác lắc thúng chai điêu luyện khiến du khách vô cùng thích thú.
Tiếp đó, du khách rời thuyền du lịch lên thúng chai lúc lắc - sựlúc lắc chao nghiêng trong cảm xúc dâng xen trong lòng du khách.
QUỲNH MAI