Tình trạng phá rừng phòng hộ ven biển thuộc địa bàn xã An Ninh Đông (huyện Tuy An) đã xảy ra từ nhiều năm nay, đặc biệt thời gian gần đây, khi phong trào nuôi tôm cao triều phát triển thì việc phá rừng càng gia tăng. Không chỉ người dân mà một số cán bộ, đảng viên và người nhà của cán bộ, đảng viên cũng tham gia lấn chiếm đất rừng phòng hộ.
Lấn chiếm đất rừng phòng hộ ở xã An Ninh Đông (Tuy An) để làm hồ nuôi tôm - Ảnh: A.NGỌC
PHÁ RỪNG PHÒNG HỘ ĐỂ NUÔI TÔM
Ngày 22/2, Đảng ủy và UBND xã An Ninh Đông đã tổ chức kiểm điểm đối với ba cán bộ, công chức của xã vi phạm lấn chiếm đất rừng phòng hộ để làm hồ nuôi tôm. Ba cán bộ, công chức này hứa sẽ tự tháo dỡ số diện tích vi phạm, khôi phục trả lại hiện trạng ban đầu đúng theo thời gian quy định. Cuộc họp đã thống nhất hình thức kiểm điểm đối với ba cán bộ, công chức này là tự kiểm điểm rút kinh nghiệm.
Cánh rừng phi lao dọc biển từ thôn Phú Lương đến thôn Phú Sơn thuộc xã An Ninh Đông (huyện Tuy An) thuộc rừng phòng hộ ven biển đã bị chặt phá trong một thời gian dài. Những cây phi lao có đường kính 10-20cm bị triệt hạ không thương tiếc, đến nay nhiều khu vực rừng chỉ còn trơ gốc, trong đó có nhiều gốc phi lao đang bị chết. Theo phản ánh của người dân địa phương, rừng phi lao này bị triệt hạ chủ yếu phục vụ cho việc nuôi tôm, các đối tượng chặt phi lao có đường kính lớn làm các hàng rào cọc dọc các bờ hồ để be bờ chống sạt lở. Ngoài ra, người dân ở đây còn tham gia chặt thân cây để làm củi, một số người đào bới bứng nguyên cả cây để làm cây cảnh. Từ cuối năm 2011 đến nay, việc phá rừng phòng hộ xảy ra nghiêm trọng hơn, nhiều hộ nuôi tôm đã dùng máy hút cát để mở rộng diện tích, có người còn thuê máy đến san ủi đất rừng để làm hồ nuôi tôm. Theo quan sát của chúng tôi, có nhiều bờ hồ nuôi tôm đã dùng đến vài trăm cây phi lao có đường kính cỡ 10-20cm để làm cọc be bờ. Ông Nguyễn Kim Long, Phó chủ tịch UBND xã An Ninh Đông, cho biết: “Hiện tại trên địa bàn xã có khoảng 303ha rừng phòng hộ ven biển chủ yếu trồng phi lao, trong đó đã giao 72,4ha đất rừng cho 130 hộ dân quản lý, số diện tích còn lại là do UBND xã quản lý. Việc chặt phá rừng phòng hộ đã xảy ra nhiều năm nay, người dân lợi dụng lúc vắng người như khoảng mờ sáng hoặc giữa trưa, thậm chí ban đêm để vào rừng chặt cây. Không chỉ rừng của xã quản lý bị chặt phá mà những diện tích rừng đã giao cho hộ dân cũng bị chặt…”.
Theo Phòng Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) huyện Tuy An, qua kiểm tra thực địa ban đầu, có 48 trường hợp vi phạm lấn chiếm đất rừng phòng hộ với diện tích hơn 41.000m2, hồ có diện tích lấn chiếm nhiều nhất là hơn 4.130m2, hình thức đào lấy đất phía mặt rừng phòng hộ để gia cố bờ hồ, phần đất bị đào tiếp tục lấn chiếm, mở rộng hồ nuôi. Có 17/48 trường hợp làm hồ nổi, còn lại là hồ chìm, hồ lắng; các hồ nổi thì đào đất rừng phòng hộ và trải bạt, còn các hồ chìm, hồ lắng thì dùng máy hút cát để gia cố bờ hồ bị sạt lở. Đa số các hồ nuôi tôm vi phạm này đã bị xử phạt hành chính từ năm 2007, nay lại tái lấn chiếm, trong đó có hai hồ vi phạm từ năm 2000 nhưng đến nay, UBND xã An Ninh Đông vẫn chưa xử lý. Đặc biệt, trong số 48 trường hợp vi phạm thì có một số trường hợp là cán bộ, đảng viên và người nhà của cán bộ, đảng viên… Phòng TN-MT huyện Tuy An đã kiến nghị UBND huyện Tuy An chỉ đạo UBND xã An Ninh Đông hoàn chỉnh hồ sơ thủ tục cưỡng chế, tháo dỡ trả lại hiện trạng ban đầu. Những trường hợp vi phạm là cán bộ, đảng viên và người nhà của cán bộ, đảng viên phải tự giác tháo dỡ trước, nếu không thì Huyện ủy, UBND huyện có biện pháp xử lý nghiêm khắc.
TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ
Mới đây, UBND huyện Tuy An đã tổ chức cuộc họp giải quyết việc lấn chiếm, sử dụng đất sai mục đích để nuôi tôm trên địa bàn xã An Ninh Đông, Chủ tịch UBND huyện Tuy An Lê Hoàng Sang kết luận: Chủ tịch UBND xã An Ninh Đông lập biên bản vi phạm hành chính về đất đai đối với các đối tượng vi phạm, thể hiện đúng đối tượng được giao đất và đúng hành vi vi phạm, ra quyết định xử lý vi phạm hành chính đối với các đối tượng vi phạm. Trong đó hai nội dung cần nêu rõ, đó là xử lý hành chính bằng tiền và yêu cầu tự tháo dỡ, khôi phục trả lại hiện trạng ban đầu, thời gian thực hiện đến hết quý I/2012. Nếu các đối tượng vi phạm không tổ chức thực hiện, đầu quý II/2012, UBND xã lập kế hoạch, tiến hành cưỡng chế tháo dỡ theo quy định của pháp luật. Trước mắt, địa phương xử lý kiên quyết các chủ hồ tôm vi phạm là cán bộ, đảng viên; tiếp theo là xử lý các hộ dân tái phạm năm 2011 và các hộ dân mới xây dựng hồ nuôi tôm trong năm 2012.
Ông Nguyễn Kim Long, Phó chủ tịch UBND xã An Ninh Đông, cho biết: “UBND xã đã kiểm tra thực địa những hồ tôm lấn chiếm trái phép đất rừng phòng hộ, phát hiện thêm 2 trường hợp, nâng tổng số hồ tôm vi phạm lên 50 trường hợp”. Theo ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND huyện Tuy An Lê Hoàng Sang, địa phương sẽ xử lý kiên quyết đối với các chủ hồ tôm vi phạm là cán bộ, đảng viên. Tuy nhiên, nhiều người dân địa phương không đồng tình và phản đối quyết định của Chủ tịch UBND xã An Ninh Đông về việc thành lập tổ kiểm tra của xã vì trong 20 thành viên này có một người là cán bộ, đảng viên của xã đã lấn chiếm đất rừng phòng hộ để làm hồ nuôi tôm trong đợt này.
TIẾN MẠNH