Đã hết tháng Giêng nhưng thị trường vật liệu xây dựng vẫn trầm lắng. Xây dựng đình đốn, bất động sản “đóng băng” đã kéo theo sự trì trệ của lĩnh vực kinh doanh này. Các đại lý kinh doanh vật liệu xây dựng đang gặp nhiều khó khăn do sức mua yếu.
Thị trường vật liệu xây dựng vắng khách - Ảnh: N.XUÂN
Theo các đại lý kinh doanh vật liệu xây dựng trên địa bàn TP Tuy Hòa, năm 2012 tiếp tục là năm khó khăn của ngành xây dựng. Hiện các nhà máy và các đại lý đều tồn đọng hàng hóa lớn; sức mua không đáng kể nên không thể tính đến chuyện tăng giá bán mặc dù giá các loại nguyên liệu đầu vào đều tăng. Hiện giá nhiều mặt hàng vật liệu xây dựng vẫn giữ nguyên so với trước tết, thậm chí nhiều mặt hàng còn được giảm giá, khuyến mãi. Sắt phi 6-8 giá 17.000 đồng/kg; sắt phi 10 của Nhật giá 125.000 đồng/cây; sắt phi 12 giá 178.000 đồng/cây; sắt phi 14 giá 240.000 đồng/cây; sắt phi 16 giá 317.000 đồng/cây; xi măng Nghi Sơn giá 80.000 đồng/bao, xi măng Chin Fon giá 82.000 đồng/bao, xi măng Thăng Long, Hạ Long giá 75.000 đồng/bao; các loại gạch men thường dao động từ 75.000 -95.000 đồng/m2, gạch men cao cấp từ 150.000-350.000 đồng/m2. Các đại lý đều ưu đãi cho khách khi mua hàng với số lượng lớn, nhưng vẫn không hấp dẫn được người tiêu dùng do nhu cầu xây dựng hầu như không có. Chị Huỳnh Thị Ngữ, chủ cửa hàng vật liệu xây dựng Hiệp Thành than thở: “Mọi năm đến thời điểm này, giá vật liệu xây dựng đều có xu hướng tăng cao, lượng người đến mua hàng, đặt hàng trước đã rất tấp nập nhưng năm nay, dù giá “mềm” nhưng cả ngày cũng chẳng có người khách nào, thỉnh thoảng mới có vài người đến mua lẻ một số vật dụng gia đình. Nếu cứ đà này, khi tính chi phí lãi suất ngân hàng thì dù có bán được giá cũ thì đại lý vẫn cầm chắc phần lỗ chứ chẳng dám nói đến hòa vốn”.
Còn theo ông Bùi Xuân Bác, chủ cửa hàng vật liệu xây dựng Thanh Trang ở TP Tuy Hòa: Chưa bao giờ lĩnh vực kinh doanh vật liệu xây dựng lại đối mặt với quá nhiều khó khăn như hiện nay. Ngành sản xuất vật liệu xây dựng đang trong cơn khủng hoảng thừa, khó khăn cho đầu ra sản phẩm. Chi phí đầu vào sản xuất như nguyên liệu, điện, than, bao bì, nhân công... đều tăng cao trong khi sản phẩm tiêu thụ rất chậm, lượng hàng tồn đọng nhiều khiến các doanh nghiệp rơi vào tình trạng “tiến thoái lưỡng nan”. Dự báo trong năm 2012, khi các dự án xây dựng lớn đã hết, các dự án nhỏ thi công cầm chừng, nhu cầu xây dựng dân dụng cũng không nhiều, thị trường bất động sản chưa sôi động... thì việc tiêu thụ vật liệu xây dựng sẽ còn tiếp tục khó khăn hơn nữa.
XUÂN NGÔ