Thứ Tư, 09/10/2024 20:21 CH
Vị ngọt cây mía Sơn Hòa
Thứ Năm, 12/01/2012 11:00 SA

Về huyện miền núi Sơn Hòa trong những ngày đầu xuân, cũng là thời điểm bà con bắt đầu thu hoạch những ruộng mía đầu tiên niên vụ 2011-2012. Trên những con đường từ trung tâm huyện về các xã vùng sâu, vùng xa, việc vận chuyển mía về nhà máy diễn ra hối hả. Trong từng ngôi nhà, trên các nẻo đường, phảng phất hương vị tết quyện trong vị thơm, ngọt của mía đường.

mia120112.jpg

Người dân xã Sơn Nguyên, huyện Sơn Hòa hối hả thu hoạch mía - Ảnh: P.NAM

Cách đây khoảng 10 năm, Sơn Hòa là một trong những huyện miền núi khó khăn nhất của tỉnh Phú Yên. Nhà cửa thưa thớt, đường sá đi lại khó khăn, đất sản xuất nông nghiệp cằn cỗi, đa phần bỏ hoang. Là cây trồng chủ lực nhưng cây mía không có chỗ đứng bền vững, thậm chí có thời điểm giá sụt thảm hại, không có người thu mua, người dân phải phá bỏ để trồng cây khác. Thế nhưng 5 năm trở lại đây, sự tồn tại và ngày càng gắn bó giữa Nhà máy đường của Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam với người trồng mía, đã khẳng định hướng đi thích hợp trong chiến lược phát triển kinh tế bền vững của Đảng bộ huyện Sơn Hòa. Đó là chủ động giải quyết đầu ra, giá cả ổn định để nhân dân yên tâm đầu tư mở rộng diện tích, tăng năng suất cây trồng có giá trị này.

Nếu như năm 2006 Sơn Hòa có 7.600ha mía, năng suất bình quân chỉ đạt khoảng 52 tấn/ha, nhờ thâm canh tăng năng suất và chú trọng mở rộng diện tích tại các vùng đất hoang hóa, nên hiện nay diện tích mía ở Sơn Hòa đã phát triển lên hơn 9.300ha, chiếm gần nửa của tỉnh; năng suất cũng tăng gần 10 tấn/ha. Theo Trưởng phòng NN-PTNT huyện Sơn Hòa Đào Duy Linh, bình quân hàng năm người dân trồng mới và trồng lại từ 300-500ha. Trước đây, mía tập trung nhiều ở các địa bàn gần trung tâm huyện như các xã Sơn Nguyên, Sơn Hà, Suối Bạc và thị trấn Củng Sơn, thì nay đã “leo” nhanh lên các sườn đồi hoang hóa thuộc các xã vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã Ea Chà Rang, Suối Trai, Cà Lúi, Phước Tân…

Ông Ma Ủy, Chủ tịch UBND xã Cà Lúi phấn khởi cho hay, cứ đến mùa thu hoạch, Nhà máy đường KCP chủ động vận chuyển, thu mua mía với giá cao ngang bằng giá thị trường nên bà con rất phấn khởi và yên tâm sản xuất. Năm nay lại thêm một mùa mía bội thu ở vùng đất này, vì vậy đời sống của bà con được thay đổi nhiều lắm. Thời điểm này nhà nào cũng mua sắm quần áo, bánh kẹo, thực phẩm tươm tất để ăn Tết. Nhiều hộ còn mua cả xe mô tô trị giá hàng chục triệu đồng.

Xã Sơn Nguyên là địa bàn có diện tích, sản lượng mía cao nhất, được mệnh danh là “thủ phủ” mía đường của huyện Sơn Hòa. Nhờ đất đai màu mỡ, khí hậu ôn hòa, người dân đầu tư đúng mức nên cây mía ở đây phát triển tốt vào bậc nhất của huyện. Một số diện tích áp dụng giống mới, chăm sóc tốt, thân mía to, cao đến mức nghiêng ngả “bò” ra cả đường giao thông. Nhiều diện tích đạt hơn 100 tấn/ha, cho thu nhập từ 20 đến hơn 40 triệu đồng/ha, nhiều hộ có diện tích lớn cho thu lãi từ 100-200 triệu đồng. Ông Lê Hữu Thọ, Chủ tịch UBND xã Sơn Nguyên phấn khởi cho biết, phải khẳng định: Cây mía có vị thế đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế của địa phương, ngày càng ăn sâu vào “máu thịt” của bà con. Nếu không có cây mía thì đời sống của người dân nơi đây không thể đổi thay nhanh đến như vậy.

Trong 3 năm trở lại đây, nhờ mía năng suất cao, giá cả ổn định, đời sống nhân dân của huyện miền núi Sơn Hòa từ thị trấn Củng Sơn đến các bản làng xa xôi có sự thay đổi sâu sắc. Bà con đồng bào dân tộc thiểu số xây được nhiều nhà ngói khang trang, mua sắm những vật dụng sinh hoạt đắt tiền như máy giặt, tủ lạnh, xe máy... điều mà trước đây bà con không dám nghĩ tới. Nhiều hộ còn mua được cả xe ô tô tải hàng trăm triệu đồng để chủ động vận chuyển nông sản và phục vụ kinh doanh. Chủ tịch UBND huyện Sơn Hòa Cao Minh Hòa chia sẻ niềm vui: “Giờ đây, cơm, áo, gạo, tiền không còn là vấn đề đau đáu, lo toan của bà con đồng bào dân tộc thiểu số nữa. Tết này, về các xã vùng sâu, vùng xa, đâu đâu cũng có thể bắt gặp bà con đi lại trên đường bằng các loại xe tay ga đắt tiền như Attila, Air Blade. Đáng mừng hơn là con em họ đều được ăn học đàng hoàng và no đủ. Còn Bí thư Huyện ủy Sơn Hòa Nguyễn Quốc Hoàn thì khẳng định: “Việc phát triển vùng nguyên liệu gắn với công nghiệp chế biến mía đường đã tạo ra bước đột phá trong phát triển kinh tế của huyện. Là hướng đi bền vững trong xóa đói, giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới. Trong những năm tới, bên cạnh tiếp tục phát triển vùng nguyên liệu theo quy hoạch, huyện sẽ đầu tư phát triển thủy lợi chủ động tưới cho cây mía, giúp nhân dân thâm canh tăng năng suất, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn nữa cho nhân dân”.

PHƯƠNG NAM

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek