Thứ Sáu, 11/10/2024 16:24 CH
Tăng năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp bán lẻ
Thứ Tư, 21/12/2011 07:15 SA

Trong điều kiện Việt Nam mở cửa thị trường bán lẻ, các doanh nghiệp trong tỉnh cần có biện pháp để nâng cao khả năng cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài. Muốn vậy, mỗi doanh nghiệp phải tự đổi mới, nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng và liên kết lại để tạo sức mạnh tập thể mở rộng thị trường nội địa.

sieu-thi111221.jpg

Mua sắm ở siêu thị, ngày càng được nhiều gia đình lựa chọn - Ảnh: N.XUÂN

 

PHÁT HUY THẾ MẠNH “SÂN NHÀ”

 

Hệ thống phân phối là cầu nối quan trọng giữa sản xuất và tiêu dùng. Thông qua hệ thống phân phối, các nhà sản xuất hàng hóa tiếp cận được với người tiêu dùng, và giúp người tiêu dùng mua được các sản phẩm theo đúng nhu cầu về chủng loại, chất lượng với chi phí thấp nhất. Việc hội nhập và mở cửa thị trường bán lẻ là một xu hướng tất yếu trong điều kiện hội nhập kinh tế hiện nay. Quá trình này trước mắt sẽ là một thách thức cho các doanh nghiệp trong tỉnh. Tuy nhiên, điều này cũng sẽ tác động nâng cao khả năng cạnh tranh cho các nhà bán lẻ nội địa. Với việc các nhà bán lẻ nước ngoài gia nhập thị trường Việt Nam, các nhà bán lẻ trong nước sẽ có cơ hội học tập, trao đổi kinh nghiệm. Tuy nhiên, quá trình hội nhập đã và đang tạo ra sự cạnh tranh gay gắt đối với các doanh nghiệp bán lẻ nội địa, buộc các doanh nghiệp nội địa phải có sự chuyển biến tích cực trong hoạt động kinh doanh, điều hành và quản lý để giữ vững thị phần.

 

Nếu như các siêu thị nước ngoài có ưu thế về nguồn vốn và kinh nghiệm quản lý thì các siêu thị trong nước cũng có những thế mạnh riêng. Các siêu thị trong nước luôn là người hiểu rõ nhất nhu cầu của khách hàng, những mặt hàng thời vụ; hiểu rõ đặc trưng của từng vùng, miền để có chương trình phục vụ phù hợp. Bên cạnh đó, các nhà kinh doanh cũng có sự hiểu biết về các nguồn hàng trong nước, những đặc sản địa phương, từ đó có hướng đầu tư phát triển nhằm phục vụ người tiêu dùng ngày càng tốt hơn. Đối với Siêu thị Co.opMart Tuy Hòa, chúng tôi luôn hướng đến phát huy những lợi thế như khả năng am hiểu thị trường địa phương. Chúng tôi đã tham gia cùng ngành nông nghiệp của tỉnh trong việc tuyên truyền, hướng dẫn các HTX nông nghiệp, các hộ nông dân phát triển sản xuất đảm bảo số lượng, chất lượng, cung cấp sản phẩm cho hệ thống siêu thị. Hiện có khoảng 20 nhà sản xuất trong tỉnh cung cấp thực phẩm tươi sống của địa phương cho Co.opMart Tuy Hòa.

Một thuận lợi khác là trong khi các siêu thị nước ngoài hiện đang mở rộng mạng lưới kinh doanh thì hệ thống siêu thị trong nước đã có một mạng lưới phân phối phủ kín hầu hết các tỉnh thành. Hiện tại, hệ thống Co.opMart đã có 52 siêu thị trên toàn quốc. Bên cạnh đó, SaigonCo.op (đơn vị chủ quản của Co.opMart) cũng đã đầu tư vào chuỗi cửa hàng thực phẩm an toàn tiện lợi Co.opFood. Hệ thống này có diện tích nhỏ, linh hoạt, có thể len lỏi vào những địa bàn dân cư. Đây được xem là cánh tay nối dài để Co.opMart đến tận các vùng dân cư phục vụ người tiêu dùng hiệu quả hơn.

Để gắn bó hơn với người tiêu dùng, đặc biệt là thể hiện sự quan tâm đến những người tiêu dùng thu nhập thấp, siêu thị luôn đi đầu trong công tác bình ổn giá trong những đợt cao điểm. Hiện nay siêu thị đang tổ chức rất tốt nhiệm vụ này với lượng hàng hóa dồi dào, chủng loại phong phú, giá cả hợp lý, đồng thời đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm. Chương trình bán hàng bình ổn đến nay đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân, góp phần kiềm chế, hạn chế tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá đột biến; chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, góp phần bình ổn thị trường và đưa hàng hóa về phục vụ tận các vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu vùng xa...

TĂNG NĂNG LỰC CẠNH TRANH

Để tăng khả năng cạnh tranh, giữ được thị phần bán lẻ ngay trên “sân nhà”, các doanh nghiệp phải xác định một nhiệm vụ trọng tâm là hướng đến đa dạng hóa mặt hàng, nâng cao chất lượng hàng hóa. Các siêu thị, đơn vị bán lẻ cần phát huy thế mạnh am hiểu nguồn hàng địa phương, đa dạng hóa các mặt hàng, tiết kiệm chi phí để hạ giá thành sản phẩm, tăng hiệu quả kinh doanh. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước phát triển, thực hiện tốt cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; có chính sách đào tạo, thu hút nguồn nhân lực có chất lượng cao; thường xuyên bồi dưỡng kiến thức, tay nghề của mỗi nhân viên. Mỗi doanh nghiệp bán lẻ trong nước cần hoàn thiện về phong cách phục vụ khách hàng, đó là vừa văn minh, hiện đại vừa gần gũi như chợ truyền thống. Bên cạnh đó, chú trọng đến các chính sách hậu mãi, chăm sóc khách hàng để tạo được niềm tin và sự gắn bó của người tiêu dùng.

Các doanh nghiệp bán lẻ trong nước cũng cần tăng cường liên doanh, liên kết với nhau, tạo một tổng lực mạnh mẽ, một chỗ đứng vững chắc cho hàng hóa sản xuất trong nước. Đặc biệt là giữa các doanh nghiệp bán lẻ cũng cần thống nhất lợi ích chung để tạo nên sức mạnh tập thể của các doanh nghiệp bán lẻ nội địa nhằm cạnh tranh với các tập đoàn bán lẻ nước ngoài.

 

NGUYỄN BÍCH LY

Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Sài Gòn - Phú Yên

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek