Thứ Tư, 27/11/2024 05:30 SA
Đấu tranh chống mua bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ:
Vì quyền lợi người tiêu dùng
Thứ Tư, 21/09/2011 14:00 CH

Từ khi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có hiệu lực (ngày 1/7/2011), lợi ích chính đáng của người tiêu dùng, nhất là về an toàn sức khỏe được quan tâm thực hiện. Cùng với đó, việc hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và chương trình “Đưa hàng Việt về nông thôn” phục vụ đồng bào vùng nông thôn, miền núi, công nhân tại các khu công nghiệp giúp thị trường trong tỉnh có thêm những khởi sắc. Đó là số lượng doanh nghiệp tham gia ngày càng đông và chú trọng hơn đến thị trường nông thôn, hàng được hỗ trợ bình ổn giá ngày một nhiều, người tiêu dùng được hưởng lợi trong việc mua sắm hàng hóa.

 

tieu-huy110921.jpg

Đội Quản lý thị trường số 3 (Chi cục QLTT Phú Yên) tiêu hủy hàng kém chất lượng. - Ảnh: X.HUY

Tuy nhiên việc hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng hóa vi phạm sở hữu trí tuệ vẫn tiếp tục gia tăng ở hầu hết các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội như: Công nghiệp, nông nghiệp, thực phẩm chế biến, vật liệu xây dựng, văn hóa thể thao, tiền tệ… với nhiều mặt hàng sản xuất trong nước lẫn nhập ngoại đa dạng về chủng loại như: mũ bảo hiểm, linh kiện phụ tùng xe máy, hàng điện tử - điện lạnh, mỹ phẩm, thực phẩm, thuốc thú y…. Thực tế cho thấy, khi nền kinh tế hàng hóa phát triển, nhu cầu trao đổi hàng hóa ngày một tăng thì sự cạnh tranh giữa các nhà sản xuất cũng trở nên gay gắt. Ngoài việc đem lại những tích cực như kích thích sự sáng tạo, cải tiến phát minh, nâng cao năng suất lao động, chất lượng và hạ giá thành sản phẩm… thì sự cạnh tranh này cũng đem lại không ít tiêu cực như góp phần làm gia tăng hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, đầu cơ, trốn thuế. Trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế thì hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ không còn là vấn đề của riêng một cá nhân hay doanh nghiệp mà nó đã trở thành vấn nạn của cả quốc gia làm hạn chế đầu tư phát triển, gây thiệt hại về lợi ích người tiêu dùng.

 

Hiện nay, trên thị trường tỉnh đã xuất hiện các loại vi phạm về thương mại như: Giả về nhãn hiệu, chất lượng, công dụng của sản phẩm hàng hóa hoặc nhái thương hiệu có uy tín tạo sự nhầm lẫn cho người tiêu dùng như: Lavie – Tavie, Omo - Tomot, Honda – Hongda hoặc giả mạo hàng hóa, bao bì, tên và địa chỉ của nhà sản xuất. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa cam kết việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng bằng chính sản phẩm chất lượng, giá cả hợp lý nên Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sẽ giúp nâng cao uy tín của các doanh nghiệp làm ăn chân chính và thu hút người tiêu dùng đến với họ. Do đó, doanh nghiệp cần hiểu rõ nhu cầu khách hàng trước khi nghĩ đến lợi nhuận thông qua chương trình chăm sóc khách hàng, lắng nghe ý kiến phản hồi về sản phẩm cũng như cung cấp các chương trình hậu mãi cho khách hàng.

 

Có thể thấy, công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thời gian qua chưa thực sự thu hút sự quan tâm của toàn xã hội do cơ sở pháp lý “không có sức nặng” đối với nhà sản xuất; công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng chưa được giải quyết kịp thời; các tổ chức bảo vệ người tiêu dùng chưa thực sự đại diện cho quyền lợi người tiêu dùng. Trong khi đó, cơ chế phối hợp thanh kiểm tra, kiểm soát thị trường giữa các cấp, ngành hữu quan vẫn còn chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ dẫn đến tình trạng lực lượng đông nhưng không mạnh, nhiều cơ quan có thẩm quyền chống hàng giả nhưng chưa có một cơ quan nào chịu trách nhiệm chính làm cho việc kiểm tra, kiểm soát thị trường gần như bị bỏ trống.

 

Do vậy, để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cần tăng cường công tác tập huấn, tuyên truyền, phổ biến Luật Bảo vệ người tiêu dùng và các văn bản dưới luật đến các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người tiêu dùng; thực hiện quyền khởi kiện dân sự của tổ chức tham gia bảo vệ người tiêu dùng, miễn giảm án phí cho người tiêu dùng, quy định hình thức xử lý đưa vào danh sách công khai các tổ chức, cá nhân vi phạm. Ngoài ra, Pháp lệnh về giá cả ngày 26/4/2002 đến nay có nhiều bất cập không còn phù hợp nên Nhà nước cần sớm xây dựng và ban hành Luật Giá cả. Đồng thời tiếp tục rà soát, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về chống hàng giả, nhái, vi phạm sở hữu trí tuệ, tránh tình trạng một hành vi có nhiều cách xử lý gây khó khăn cho lực lượng chức năng.

 

Cần có sự tăng cường phối hợp và hợp tác giữa các cơ quan quản lý Nhà nước, kiểm tra kiểm soát và các hiệp hội, doanh nghiệp trong bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Mỗi cấp ngành và doanh nghiệp cần xây dựng và công bố đường dây nóng về chống hàng giả và vi phạm sở hữu trí tuệ. Cuối cùng, cần tăng cường quản lý Nhà nước, thực hiện hiệu quả Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật An toàn vệ sinh thực phẩm, Pháp lệnh Đo lường và Nghị định số 89 của Chính phủ về Quy chế ghi nhãn hàng hóa… nhằm góp phần thực hiện hiệu quả công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

 

PHẠM ĐÌNH THI

Chi Cục trưởng Chi cục QLTT tỉnh

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek