Thứ Tư, 02/10/2024 07:27 SA
Bảo đảm an ninh lương thực trong bối cảnh mới
Thứ Hai, 16/10/2006 07:33 SA

Với sản lượng lương thực sản xuất ra hàng năm, Phú Yên có điều kiện thuận lợi để đảm bảo về lương thực cho toàn tỉnh với 861.000 người. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều đối tượng dân cư chưa thật sự được đảm bảo về an ninh lương thực và đảm bảo về chất. Làm thế nào để toàn dân ổn định về lương thực trong bối cảnh mới?

 

TÍNH SẴN CÓ VÀ TÍNH TIẾP CẬN LƯƠNG THỰC, THỰC PHẨM

 

Bốn tính chất trong quá trình đảm bảo an ninh lương thực cho người dân là: tính sẵn có, tính tiếp cận lương thực, tính ổn định và tính đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm để con người có được an toàn về lượng, đảm bảo về chất và phát triển về trí lực và thế lực trên mọi phương diện.

 

061015-lua.jpg

Phú Yên có đủ điều kiện để đảm bảo an ninh lương thực bền vững - Ảnh:P.V

 

Xét trên bình diện chung tính sẵn có về an ninh lương thực của Phú Yên được đánh giá khá cao, với sản lượng lương thực hàng năm sản xuất ra trên 330.000 tấn. Diện tích lúa nước trên 57.000ha, với năng suất bình quân của 2 vụ lúa chính là đông xuân và hè thu trên 60tạ/ha/vụ, là một trong những địa phương có năng suất lúa cao trong vùng. Với dân số và nguồn lương thực này, bình quân mỗi người dân trong tỉnh sản xuất ra trên 386kg lương thực/người/năm.

 

Chương trình 135 của Chính phủ là một trong những chương trình chiến lược quan trọng giúp đồng bào nghèo miền núi tiếp cận nhanh đến với an ninh lương thực thông qua các công trình phát triển kinh tế. Kết thúc giai đoạn 1 của dự án này, Phú Yên đã có 7 xã đã thoát được nghèo. Chương trình 135 đã đầu tư xây dựng 11 công trình thuỷ lợi tưới cho gần 400 ha ruộng lúa nước 2 vụ. Sản xuất nông nghiệp của miền núi xoá dần tính tự cung tự cấp vươn lên sản xuất hàng hoá hình thành các vùng chuyên canh rộng lớn như 15.773 ha mía, 7.900 ha sắn, 3.000 ha mè và hàng ngàn ha cây công nghiệp dài ngày như cao su, cà phê, hồ tiêu, điều… Giá trị sản phẩm xã hội miền núi Phú Yên tăng bình quân 8,75%/năm, thu nhập bình quân đầu người đạt 3,95 triệu đồng/năm.

 

Chương trình 135 giai đoạn 2 tiếp tục đầu tư cho 11 xã còn lại trên địa bàn miền núi cũng với những mục đích trên và hỗ trợ sản xuất thông qua các mô hình và chương trình lồng ghép.

Tuy nhiên, không phải bất kỳ đối tượng dân cư nào cũng tự tạo ra lương thực cần thiết cho mình. Bốn đối tượng dễ mắc an ninh lương thực trong tỉnh bao gồm: dân cư vùng biển, buôn bán nhỏ, lao động thời vụ và công nhân làm việc không ổn định và đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi. Vấn đề là họ cần có khả năng tiếp cận lương thực thực phẩm.Phú Yên với nền sản xuất nông nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng chủ yếu trong nền kinh tế quốc dân. Lương thực được tạo ra hàng năm liên tục tăng. Tuy nhiên, sự mất cân bằng trong tỷ trọng sản xuất chăn nuôi và trồng trọt cổ hủ từ nhiều năm qua một phần không tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ về sản xuất dẫn đến chưa đảm bảo vững chắc về an ninh lương thực xét trên bình diện chất lượng dinh dưỡng.

 

Khả năng tiếp cận lương thực của các đối tượng dân cư nhiều nguy cơ mất an ninh lương thực cũng là điều chưa được cải thiện nhiều. Nhà nước ta đã và đang khuyến khích tất cả các thành phần tham gia phát triển kinh tế - xã hội. Khả năng lưu thông và cung ứng hàng hoá đã được đẩy mạnh đáng kể. Tuy nhiên tại khu vực nông thôn, miền núi, hải đảo của Phú Yên còn có khoảng 10.000 hộ dân vẫn thuộc dạng khó khăn.

 

Cái khó lớn nhất của những hộ này vẫn là khả năng tiếp cận lương thực thực phẩm.

 

THAY ĐỔI MỤC TIÊU CHIẾN LƯỢC

 

Mục tiêu đề ra ban đầu là năm 2010 toàn dân sẽ được đảm bảo về an ninh lương thực với chất lượng dinh dưỡng là 2.700 Kalo người ngày, trẻ em và phụ nữ mang thai suy dinh dưỡng sẽ không còn. Tốc độ tăng dân số được khống chế xuống mức thấp thì tốc độ tăng trưởng kinh tế và tăng trưởng về lương thực thực phẩm mới được nâng lên. Khi đó tỷ trọng chăn nuôi trong nông nghiệp phải chiếm khoảng 35%... Tuy nhiên những mục tiêu này cần được thay đổi cho phù hợp với bối cảnh hiện nay.

 

Nước ta sẽ gia nhập tổ chức Thương mại thế giới WTO. Không thể làm gì nhiều về cạnh tranh và hội nhập kinh tế thế giới nếu như khả năng đảm bảo an ninh lương thực vẫn còn như hiện nay. Sự phát triển về các công trình thuỷlợi phục vụ sản xuất, diện tích đất canh tác vẫn chưa tương xứng vớitiềm năng và khả năng hay sự cần thiết phải đạt được.

 

Trong bối cảnh mới, cũng không thể xem cây lúa là đối tượng chính yếu trong quá trình đảm bảo an ninh lương thực toàn dân. Lượng hàng hoá được tạo ra bởi từng khu vực dân cư phải khác nhau. Phát huy toàn bộ sức mạnh trong nhân dân để sản xuất tạo ra lượng hàng hoá lớn nhất có thể; tăng cường khả năng lưu thông đến từng vùng dân cư tạo sự giao thương trao đổi hàng hoá liên tục và mạnh mẽ là những mục tiêu nhằm hướng tới phát huy tính sẵn có và tính tiếp cận. Cũng chính từ những yếu tố này, tính ổn định và an toàn thực phẩm cũng sẽ được đảm bảo.

 

TẬP TRUNG CHO VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ MIỀN NÚI

 

Đến đầu năm 2006, số hộ nghèo theo tiêu chí mới của Phú Yên là 36.097 hộ, trong đó, vùng đồng bào thiểu số miền núi có 6.189 hộ. Thời gian thiếu đói, mất an ninh lương thực thường rơi vào lúc xảy ra hạn hán, lũ bão. Tháng 7 và tháng 8 năm nay, Chính phủ đã hỗ trợ cho Phú Yên 800 tấn gạo. Các cấp đã tổ chức trao hỗ trợ cho 34.278 hộ dân với 52.615 nhân khẩu theo định mức 12 kg gạo/người/tháng, thời gian cứu trợ từ 1-3 tháng.

Mấy năm gần đây, Đảng và Nhà nước ta đã chú trọng phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi. Qua đó, đời sống kinh tế, xã hội tại khu vực này đã có nhiều bước tiến đáng kể, người dân ngày càng có khả năng tiếp cận lương thực nhiều hơn.

 

Lúa nước cũng là đối tượng chính trong nhiều năm qua được phát huy tại khu vực miền núi để đảm bảo lương thực cho đồng bào. Nhưng chính đối tượng tưởng dễ đạt mục tiêu nhất này lại làm khó cho không ít vùng dân cư. Nhiều chương trình mục tiêu phát triển thuỷ lợi, san ủi mặt bằng... để cải tạo đồng ruộng cho đồng bào làm lúa nước. Nhưng trên thực tế không phải khu vực nào cũng phù hợp. Tại những vùng trũng, thấp giữa khu vực miền núi thì cách làm này thường phù hợp. Riêng với những bình nguyên, thung lũng hẹp thường có tính chất địa lý không thuần với lúa nước mà phù hợp hơn với những đối tượng canh tác khác.

 

Cây hằng năm, cây lâu năm, kinh tế lâm nghiệp, chăn nuôi đại gia súc là những khả năng phát triển hợp lý và tốt nhất cho những khu vực này. Điều cốt yếu là thay đổi tập quán canh tác, chăn nuôi. Hướng họ đến với cách làm hàng hoá giá trị cao, giao thương hàng hoá liên tục để mang lại hiệu quả mà không phải giữ lượng hàng hoá trong nhà suốt quá trình không sinh lợi nhuận. Đó chính là cách phát huy tốt nhất tính sẵn có của mỗi vùng, mỗi địa phương và mỗi hộ gia đình. Cũng chính là cách đảm bảo an ninh lương thực nhanh chóng và bền vững nhất.

 

NGUYỄN DUY CƯƠNG

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek