“Tại Phú Yên, giao dịch trên Internet chỉ mới diễn ra ở những món hàng có giá trị thanh toán thấp, doanh nghiệp chưa thấy hết tầm quan trọng của giao dịch trực tuyến, người dân vẫn còn e dè với hình thức mua bán qua mạng…”. Đó là nhận định của một số doanh nghiệp tại địa phương đã có website và ứng dụng thương mại điện tử trong hoạt động sản xuất - kinh doanh.
CHỈ MỚI Ở MỨC THÔNG TIN ĐIỆN TỬ
Theo thống kê mới đây của Bộ Thương mại, trong tổng số 230 doanh nghiệp trong nước có website, có đến 90% website này dừng lại ở mức giới thiệu sản phẩm, 40% có cung cấp thông tin về giá sản phẩm cho phép liên hệ đặt hàng. Còn theo kết quả điều tra về tình hình ứng dụng công nghệ thông tin trong cộng đồng doanh nghiệp do Phòng Thương mại – Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thì có đến 97,3% doanh nghiệp Việt Nam đứng bên lề thương mại điện tử…Phú Yên cũng nằm “chung bảng” với kết quả điều tra của Bộ Thương mại và VCCI.
Giao dịch chứng khoán trực tuyến giúp nhà đầu tư nắm bắt và tìm kiếm thị trường, điều mà nhiều doanh nghiệp Phú Yên chưa quan tâm – Ảnh: N.Q |
Theo Trung tâm Thông tin và xúc tiến thương mại Phú Yên, số doanh nghiệp của tỉnh sử dụng Internet như một công cụ đắc lực để quảng cáo, thông tin về sản phẩm và dịch vụ, cung cấp dịch vụ cho khách hàng, tìm kiếm thị trường…chỉ mới đếm trên đầu ngón tay; số doanh nghiệp sử dụng và đạt hiệu quả trong bán hàng và cung cấp dịch vụ trực tuyến qua mạng vẫn còn rất ít, lượng khách hàng giao dịch trực tuyến không đáng kể. “Nguyên nhân làm chậm thương mại điện tử tại Phú Yên là không có mô hình cửa hàng trực tuyến bán sản phẩm cho người tiêu dùng. Doanh nghiệp sẽ không đầu tư khi chưa có đủ số lượng người mua tối thiểu, trong khi người tiêu dùng Phú Yên cũng chưa có thói quen mua hàng qua mạng. Vì vậy thương mại điện tử tại thị trường nội địa chưa thu hút được lẫn người bán và người mua. Đây là điểm yếu của doanh nghiệp Phú Yên trong khi thương mại điện tử trở thành một công cụ phổ biến của thế giới từ lâu và đang phát triển mạnh ở các nước châu Á” – Giám đốc Trung tâm Thông tin và xúc tiến thương mại Phú Yên Lê Ngọc Thạch nhìn nhận.
Để giao dịch với khách hàng, doanh nghiệp đã ứng dụng thương mại điện tử phải mở tài khoản ở nhiều ngân hàng nhằm đáp ứng nhu cầu của khách, còn khách hàng cũng chưa tin tưởng vào an ninh mạng nên chỉ mới giao dịch những mặt hàng giá trị thấp” – Giám đốc một công ty đang ứng dụng thương mại điện tử tại Phú Yên cho biết như vậy. Một lý do khác khiến doanh nghiệp chưa mặn mà với thương mại điện tử là, chi phí bỏ ra đầu tư lớn mà chưa biết chắc hiệu quả, thiếu nhân lực vận hành, lo lắng về an ninh mạng…
DOANH NGHIỆP CẦN CHỦ ĐỘNG NHẬP CUỘC
Bà Nguyễn Thị Kim Bích, Phó phòng Quản lý thương mại (Sở Thương mại – Du lịch Phú Yên) cho biết: “Hỗ trợ cho doanh nghiệp trong hoạt động marketing, thanh toán thương mại… qua Internet giai đoạn 2006 – 2010 là kế hoạch mà Bộ Thương mại đang triển khai nhằm khuyến khích doanh nghiệp phát triển thương mại điện tử với các nội dung đào tạo nguồn nhân lực, hỗ trợ kinh phí cho các doanh nghiệp tham gia và ứng dụng thương mại điện tử…Vụ Thương mại điện tử cũng đã xây dựng website: www.ecvn.gov.vn, các doanh nghiệp cần tìm hiểu về thương mại điện tử khi truy cập vào website này sẽ được hỗ trợ về giao dịch trực tuyến”.
Các doanh nghiệp Phú Yên xây dựng Website chỉ để giới thiệu sản phẩm chứ chưa là công cụ bán hàng trực tuyến – Ảnh: N.QUANG |
Được biết hiện nay Sở Thương mại – Du lịch đang xây dựng kế hoạch đề nghị được cấp kinh phí hoặc các chính sách huy động các nguồn trợ giúp về tài chính và kỹ thuật từ Bộ Thương mại hoặc của các nhà cung cấp dịch vụ Internet…cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng thương mại điện tử.
Hạ tầng mạng Internet Phú Yên đang phát triển và ngày càng hoàn thiện. Thêm nữa hành lang pháp lý thương mại điện tử cũng đã ra đời và được công nhận nên đây chính là thời cơ tốt để doanh nghiệp Phú Yên ứng dụng thương mại điện tử. Tất nhiên, bên cạnh sự hỗ trợ về mặt Nhà nước bản thân các doanh nghiệp Phú Yên phải tự ý thức về tầm quan trọng của thương mại điện tử và tìm hướng nhập cuộc một cách chủ động.
QUANG THUẦN