Thứ Năm, 28/11/2024 03:40 SA
Về Sông Cầu thăm lăng thờ cá Ông
Chủ Nhật, 11/09/2011 14:00 CH

Khi đã ngắm thỏa thê biển, đảo, thưởng thức những món hải sản độc đáo ở TX Sông Cầu, du khách muốn tìm hiểu thêm về những nét văn hóa đặc trưng của vùng biển này thì hãy ghé đến lăng thờ cá Ông ở thôn Hòa Lợi.

 

lang110911.jpg

Một góc đầm Cù Mông nhìn từ lăng Hòa Lợi - Ảnh: T.QUỚI

MIỀN BIỂN ĐẶC TRƯNG

 

Hòa Lợi là một làng biển thuộc xã Xuân Cảnh, TX Sông Cầu, nằm về phía mũi của bán đảo Vĩnh Cửu, gần cửa đầm Cù Mông. Làng Hòa Lợi trải dọc theo bờ đầm Cù Mông, với thế tựa lưng vào núi, mặt hướng ra đầm, nhà cửa được xây dựng sát mép nước. Phía sau làng là những động cát và đồi núi bao bọc, che chắn với những cái tên như: Hòn Rồng, cồn Muối, núi Đá Trắng, núi Gềnh Bà… Phía trước làng có đảo Hòn Nần (còn gọi là Bình Đảo), nằm trong cửa đầm Cù Mông. Trong thời kỳ giao tranh giữa nhà Tây Sơn và chúa Nguyễn, trên đất liền, quân Tây Sơn xây dựng các pháo đài và đặt đại bác canh giữ tại cửa đầm, nay còn lại dấu tích bờ đá, còn ngoài đảo Hòn Nần quân Nguyễn Ánh chốt giữ, tạo thế giằng co quyết liệt. Sau khi lên ngôi, năm 1806, vua Gia Long cho lập miếu Công Thần (miếu Biểu Trung) trên đảo Hòn Nần để thờ các tướng sĩ trận vong, hằng năm có tổ chức cúng tế theo nghi thức tỉnh tế do các quan tỉnh chủ trì, ngày nay còn dấu tích ngôi miếu trên đảo.

 

 Do có vị trí và điều kiện tự nhiên thuận lợi, địa bàn Hòa Lợi đã sớm thu hút dân cư tập trung đến, hình thành làng mạc ngay từ thời kỳ đầu khi người Việt vào khai phá vùng đất Phú Yên ở cuối thế kỷ XVI đầu thế kỷ XVII.

 

Người dân Hòa Lợi chỉ làm nghề biển. Do vậy, dấu ấn văn hóa biển ở Hòa Lợi rất đậm nét, từ kiến trúc nhà ở đến các nghề truyền thồng như: đóng, sửa chữa thuyền, đánh bắt và chế biến thủy sản, các sinh hoạt văn hóa cộng đồng, trong đó sâu đậm nhất là tín ngưỡng thờ cúng cá Ông (cá voi). Tại lăng Hòa Lợi đang lưu giữ 28 bộ ngọc cốt cá Ông cùng một bộ ngọc cốt của Ông tổ (Ông lụy đầu tiên) chôn sau chính điện và ba bộ khác đang mai táng chưa lấy cốt.

 

LĂNG CỔ

 

Đến nay vẫn chưa xác định được thời gian xây lăng thờ cá Ông ở Hòa Lợi, nhưng căn cứ vào sắc phong của vua Tự Đức ban cho đối tượng thờ cúng ở lăng thì chắc chắn di tích này đã có trước năm 1852, vì khi đã có hoạt động thờ cúng và đã có cơ sở thờ tự thì mới đủ điều kiện để vua ban sắc phong. Theo lời các cụ cao niên ở đây, việc xây dựng lăng Hòa Lợi có liên quan đến một sự tích: Từ thuở lập làng, có một Ông lụy vào bờ đầm Cù Mông, phía trước làng Hòa Lợi ngày nay. Do xác Ông rất to, lúc bấy giờ dân làng còn ít, chưa đủ sức để chôn cất nên dùng cây cối để chắn sóng và bảo vệ xung quanh để xác Ông tự phân hủy. Sau đó, dân làng đã đưa phần di cốt Ông về chôn cất. Tương truyền, mỗi đốt xương cá Ông có đến tám người khiêng. Tại vị trí Ông lụy nay gọi là Cồn Ông. Còn tại nơi chôn phần ngọc cốt Ông, sau đó dân làng đã xây dựng lăng thờ Ông, đây chính là lăng Hòa Lợi ngày nay.

 

Vào khoảng giữa thế kỷ XIX, tại cửa đầm Cù Mông, thuyền buôn hoạt động rất nhộn nhịp. Từ sự đóng góp vật chất của các thương lái và công sức của dân làng, lăng Ông đã được xây dựng bề thế, vì thế đây là lăng lớn nhất vùng kể từ thời điểm đó cho đến nay.

 

Lăng Hòa Lợi có mặt tiền quay về hướng nam, nhìn về phía mặt đầm Cù Mông. Từ phía đầm nhìn vào, có thể quan sát được toàn cảnh khu vực di tích nằm ẩn hiện dưới những hàng dừa xanh che mát. Kiến trúc chính của lăng gồm: cổng, thành bao, bình phong, trụ biểu, nhà võ ca, tiền đường, chính điện, mộ cá Ông. Phần lớn kiến trúc di tích được xây bằng vật liệu đá vôi và hợp chất vôi, cát có pha một số phụ liệu khác nhằm tạo độ bền cao. Đối tượng chính được thờ ở lăng Hòa Lợi là thần Nam Hải, tức cá Ông. Đây là vị thần cao nhất, được nhân cách hóa, thể hiện qua việc thờ tượng Quan Thánh - pho tượng lớn nhất đặt ở chính điện. Theo lý giải của các cụ cao tuổi tham gia ban tế lễ ở lăng Hòa Lợi, việc thờ tượng Quan Thánh là tượng trưng cho thần Nam Hải. Quan Thánh là người đại diện cho lòng trung, can, nghĩa khí. Ngư dân cho rằng, những tính cách đó cũng chính là đặc tính của thần Nam Hải.

 

Ngoài ra, ở đây còn thờ thành hoàng bổn xứ, tiền hiền, hậu hiền, bộ tượng: Mộc thần, Thủy thần, Hỏa thần, Thổ thần… Lăng Hòa Lợi còn bảo lưu nhiều di vật, cổ vật rất có giá trị, gồm ba bản sắc phong của các vua triều Nguyễn, bộ tượng thờ cổ bằng chất liệu đất nung và nhiều di vật, cổ vật khác.

 

Hàng năm, vào đầu tháng 3 (âm lịch), nơi đây diễn ra lễ hội cầu ngư rất hoành tráng kéo dài đến 5 ngày đêm. Đây là một sinh hoạt văn hóa cộng đồng duy trì những nét đẹp của phong tục.

 

Lăng Hòa Lợi có vị trí thuận lợi và môi trường trong lành, có thể nhìn ra đảo Hòn Nần, bãi Tràm, đầm Cù Mông… Nếu được đầu tư bài bản, lăng Hòa Lợi sẽ là một điểm đến thú vị của du khách.

 

HOÀI SƠN - HỮU AN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Giá vàng giảm nhẹ
Chủ Nhật, 11/09/2011 08:00 SA
Bảo đảm vượt lũ an toàn
Thứ Bảy, 10/09/2011 14:00 CH
Hàng nội địa lên ngôi
Thứ Bảy, 10/09/2011 11:00 SA
Cần liên kết tạo thương hiệu tập thể
Thứ Bảy, 10/09/2011 08:00 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek