Thứ Năm, 28/11/2024 05:31 SA
Chế biến thủy sản xuất khẩu:
Cần liên kết tạo thương hiệu tập thể
Thứ Bảy, 10/09/2011 08:00 SA

Phú Yên có nhiều thuận lợi trong nuôi trồng và khai thác thủy sản, nhưng các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản trong tỉnh lại luôn “đói” nguyên liệu. Doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản ở Phú Yên sẽ còn gặp khó khăn nếu không liên kết được với ngư dân.

 

Ca110910.jpg

Cá ngừ đại dương là mặt hàng thủy sản xuất khẩu chủ lực của Phú Yên - Ảnh: A.NGỌC

DO ĐÂU THIẾU NGUYÊN LIỆU?

 

Là một tỉnh ven biển, Phú Yên có nhiều lợi thế phát triển kinh tế thủy sản. Trong 5 năm trở lại đây, sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản của tỉnh đạt bình quân 43.600 tấn/năm, trong đó sản lượng khai thác chiếm khoảng 87%. Phú Yên có sản lượng khai thác cá ngừ đại dương thuộc loại dẫn đầu cả nước với hơn 5.000 tấn/năm; các loại thủy sản nuôi khác, như tôm hùm, tôm thẻ chân trắng, cá mú… cũng mang lại nguồn thu lớn cho người dân trong tỉnh. Với nguồn nguyên liệu thủy sản phong phú đó, nhưng các nhà máy chế biến xuất khẩu thủy sản chỉ thu mua khoảng 3.000-3.500 tấn/năm. Trên thực tế, mặt hàng chế biến thủy sản xuất khẩu của các doanh nghiệp trong tỉnh chưa đa dạng, năng lực phát triển chưa tương xứng nên một lượng lớn nguyên liệu thủy sản của địa phương bị “hút” ra ngoài tỉnh.

 

Theo Sở Công Thương, chủng loại nguyên liệu thủy sản khai thác của tỉnh dù đa dạng, nhưng sản lượng từng loại không nhiều (trừ cá ngừ đại dương) và do khai thác dài ngày nên chất lượng nguyên liệu thủy sản bị giảm. Mặt khác, công tác quản lý nguồn nguyên liệu khai thác, đánh bắt chưa được quan tâm đúng mức, dịch vụ hậu cần nghề cá chưa được đầu tư đồng bộ, các cảng cá còn nhỏ, hệ thống kho lạnh bảo quản chưa được đầu tư tương xứng… Thực trạng tại các vùng nuôi trồng thủy sản, người dân không tuân thủ theo quy hoạch, chưa có sự gắn kết giữa người nuôi và các doanh nghiệp thu mua, chế biến… Đây là những nguyên nhân khiến cho nguồn nguyên liệu thủy sản trong tỉnh bán đi các tỉnh khác, làm cho các nhà máy chế biến thủy sản trong tỉnh luôn phải đối mặt với tình trạng thiếu nguyên liệu sản xuất. Ngoài ra, mặt hàng thủy sản xuất khẩu nói chung đang phải đối mặt với những rào cản kỹ thuật mang tính bảo hộ ngày càng nhiều từ các nước nhập khẩu, nhưng công tác xúc tiến thương mại chưa được quan tâm đúng mức nên việc mở rộng thị trường xuất khẩu còn gặp nhiều hạn chế.

 

CẦN SỰ LIÊN KẾT BỀN VỮNG

 

Nguyên liệu phục vụ chế biến giữ vai trò quan trọng và quyết định đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, nhất là trong lĩnh vực chế biến thủy sản xuất khẩu. Để chủ động nguồn nguyên liệu, các doanh nghiệp cũng đã quan tâm xây dựng mối quan hệ với ngư dân như đầu tư vốn để ngư dân đóng, sửa tàu thuyền, cung ứng xăng dầu, vật tư cho chuyến biển… và ngư dân bán sản phẩm khai thác cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, mối liên kết đó chủ yếu chỉ dựa trên sự tin tưởng lẫn nhau, không có thủ tục pháp lý ràng buộc nên thường xảy ra tranh chấp về lợi ích kinh tế, dễ bị phá vỡ. Khi có sự khan hiếm về nguồn nguyên liệu, nhất là trong thời điểm giá thủy sản trên thị trường biến động thì ngư dân sẵn sàng bán sản phẩm cho các cơ sở thu mua khác với giá cao hơn. Trước thực trạng trên, bà Trịnh Thị Ngọc Sâm, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Vinh Sâm, đề xuất: “Tỉnh cần tăng cường công tác hỗ trợ pháp luật đối với ngư dân trong việc thực hiện hợp đồng kinh tế, đồng thời các cơ quan chuyên môn cần hỗ trợ về phương tiện và dụng cụ để kiểm định chất lượng sản phẩm thủy sản, tạo điều kiện pháp lý để ràng buộc hai bên. Ngoài ra, Nhà nước cần quan tâm đến việc xây dựng thương hiệu, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia các hội chợ xúc tiến thương mại trong và ngoài nước…”.

 

PGS-TS Nguyễn Quốc Thịnh, Trung tâm Thương hiệu (Trường đại học Thương mại Hà Nội), nhận định: “Mặt hàng thủy sản nói chung hiện đang bị ép giá, ép cấp, một phần vì công nghệ đánh bắt ở Việt Nam còn lạc hậu như cá ngừ đại dương, mỗi khi cá mắc câu, phải mất hàng giờ mới đưa được cá lên thuyền, do đó chất lượng thịt cá sẽ không được bảo đảm. Sản phẩm thủy sản của Việt Nam bán ra thị trường nước ngoài không phải ít, nhưng trên thực tế thương hiệu hàng thủy sản Việt Nam chưa có nhiều chỗ đứng trên thị trường nước ngoài. Điều quan trọng là phải liên kết, hỗ trợ nhau để tạo nên thương hiệu tập thể. Vì lợi ích của cộng đồng và lợi ích quốc gia, các doanh nghiệp Việt Nam cần có những biện pháp thiết thực để tạo dựng uy tín và hình ảnh cho sản phẩm của mình thông qua hình ảnh thương hiệu tập thể, từ đó tạo dựng lợi thế cạnh tranh bền vững trên thị trường. Chỉ có uy tín của thương hiệu tập thể mới đẩy mạnh xuất khẩu hàng thủy sản và mang lại lợi ích nhiều hơn cho doanh nghiệp…”.

 

ANH NGỌC – NGÔ XUÂN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek