Hiện độ che phủ rừng toàn tỉnh ở mức gần 40% diện tích tự nhiên; chất lượng, khả năng phòng hộ chưa đạt so với yêu cầu đề ra. Trong khi đó, tình trạng vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng ngày càng gia tăng. Trước tình hình này, tỉnh Phú Yên đang đề ra các giải pháp có tính chiến lược để nâng độ che phủ rừng.
Chăm sóc cây giống tại một vườn ươm ở huyện Đồng Xuân - Ảnh: P.NAM
RỪNG TIẾP TỤC BỊ XÂM HẠI
Kết quả thực hiện quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 1999 - 2010 cho thấy, có trên 58.000ha rừng được giao khoán để quản lý, bảo vệ, đạt 86%; khoanh nuôi, tái sinh gần 6.700ha, đạt trên 58% kế hoạch; khoanh nuôi có trồng bổ sung cây lâm nghiệp trên 4.200ha, đạt gần 33% kế hoạch.
Thời gian gần đây, tình trạng phá rừng làm rẫy, khai thác lâm sản trái phép trên địa bàn tỉnh có chiều hướng gia tăng. Theo Sở NN - PTNT, đến cuối tháng 8/2011, lực lượng kiểm lâm đã phát hiện trên 840 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng, trong đó phá rừng làm rẫy gần 270 vụ, làm thiệt hại 87ha, chủ yếu là rừng tự nhiên và trên 500 vụ khai thác, mua bán, cất giữ, chế biến lâm sản trái phép. Các ngành chức năng đã xử phạt hành chính trên 500 vụ, tịch thu hơn 460m3 gỗ các loại. Riêng trong tháng 8 phát hiện 19 vụ, trong đómột vụphárừng làm thiệt hại gần 30ha rừng sản xuất, tịch thu gần 250m3 gỗ, củi. Tình trạng phá rừng gia tăng là do giá cả các mặt hàng nông sản tăng cao, gỗ ngày càng có giá; người dân thiếu ý thức, trách nhiệm khi sản xuất ven rừng; săn, bắt động vật rừng…
Ngoài ra, đặc thù rừng và đất lâm nghiệp của tỉnh chủ yếu phân bố ở các khu vực vùng cao, vùng xa, địa hình phức tạp, độ dốc lớn, diện tích đất trống phần lớn đã bị thoái hóa, gây khó khăn cho sản xuất nông - lâm nghiệp. Việc xây dựng và sử dụng vốn rừng, đặc biệt là khai thác gỗ và trồng rừng gặp nhiều khó khăn, nhất là chi phí cho công tác bảo vệ rừng. Do vậy, độ che phủ rừng trên địa bàn tỉnh hiện ở mức trung bình; chất lượng, khả năng phòng hộ thấp, dẫn đến môi trường diễn biến theo chiều hướng xấu. Hiện tượng bão lụt, nắng hạn diễn ra với tần suất, cường độ ngày càng cao, gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, sản xuất của nhân dân.
NHIỀU GIẢI PHÁP BẢO VỆ VÀ PHÁT TRIỂN RỪNG
Theo báo cáo của UBND tỉnh, những năm gần đây, công tác bảo vệ và phát triển rừng đã đạt được nhiều kết quả khả quan, diện tích rừng tự nhiên và rừng trồng tăng theo hàng năm, nhất là rừng nguyên liệu. Tỉnh đã chỉ đạo các ngành liên quan và địa phương tăng cường các biện pháp bảo vệ rừng, đồng thời tiếp tục chăm sóc cây giống, đáp ứng nhu cầu trồng rừng của các tổ chức và cá nhân.
Hiện nhiều vườn ươm trên địa bàn tỉnh đang ươm cây giống, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Ông Mai Xuân Hiểu, phụ trách kỹ thuật vườn ươm cây giống của Doanh nghiệp Hồng Phúc (thị trấn La Hai, huyện Đồng Xuân) cho biết, hiện đơn vị đang ươm trên 1 triệu cây giống, gồm: sao, lim, xà cừ, bạch đàn, keo các loại…, đủ cung cấp theo đơn đặt hàng của dự án Filit, KFW6 và các dự án trồng rừng trên địa bàn huyện. Sau đợt mưa vừa qua, doanh nghiệp đã xuất bán 60.000 cây keo lai dâm hom đầu tiên cho người dân xã Sơn Định (huyện Sơn Hòa).
Thực hiện quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011 - 2020, tỉnh Phú Yên đề ra mục tiêu phát triển diện tích rừng bền vững, trong đó hoàn tất việc giao rừng và đất lâm nghiệp cho các tổ chức và cá nhân. Đểlàm được điều này, Phú Yên phải hình thành và phát triển các vùng rừng kinh tế với diện tích khoảng 65.000ha, đáp ứng nhu cầu công nghiệp chế biến gỗ. Hàng năm, tỉnh phải duy trì 5.000-5.500ha rừng trồng, trong đó trồng mới từ 3.500-4.000ha; khoanh nuôi phục hồi từ 1.000-1.200ha/năm và khai thác gỗ hợp lý. Bên cạnh đó, cần tạo thêm việc làm cho lao động địa phương; phấn đấu đưa giá trị sản xuất bình quân ngành lâm nghiệp lên mức 15,2%/ năm, tăng hơn 5%/năm so với giai đoạn 2005-2009.
PHƯƠNG NAM