Mùa này ở làng chiếu xã An Cư (huyện Tuy An), dọc đường làng, ngõ xóm là những đôi trai gái, những cụ già và các em nhỏ đang hăng say bên máy chẻ cói. Niềm vui của người làng nghề là những đôi chiếu mới được tiêu thụ khắp nơi, và có thêm thu nhập.
Người dân xã An Cư (huyện Tuy An) sơ chế lát để làm nguyên liệu dệt chiếu - Ảnh:T.HƯƠNG
Mới đây, Trung tâm Khuyến công thuộc Sở Công Thương Phú Yên, Phòng Kinh tế huyện Tuy An thực hiện đề tài Cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm chiếu cói An Cư. Sau khi được cải tiến, sản phẩm chiếu cói An Cư có hình thức đẹp hơn, chất lượng tốt hơn; giá bán mỗi chiếc chiếu tăng thêm 10.000-12.000 đồng so với mẫu cũ; sản lượng tiêu thụ tăng hơn 40% so với trước đây, tạo niềm hy vọng mới cho bà con.
Mỗi năm vào tháng 3 và tháng 7 âm lịch, bà con làng nghề chiếu An Cư lại nhộn nhịp vào vụ thu hoạch cói. Cói được mang về nhà, chẻ đôi và phơi nắng cho khô, để dành làm nguyên liệu dệt chiếu cho cả năm. Bà Phan Thị Hương ở thôn Phú Tân 1 cho biết, cói muốn bảo quản được lâu sau khi chẻ đôi cần được phơi khô. Vào những ngày nắng nóng, sợi cói chỉ cần phơi hai nắng là đạt yêu cầu, còn những ngày mưa… chắc không gì khổ bằng việc phơi cói chiếu.
Người làm chiếu An Cư thường dệt chiếu có hình chữ thọ, bông hoa, chân dung… chứ không dệt theo cách thông thường như các làng chiếu khác là dệt chiếu trắng, sau đó in hoa văn nổi lên trên. Mỗi đôi chiếu là một tác phẩm nghệ thuật do bàn tay tài hoa của người nông dân làm nên từ các sợi cói được nhuộm màu. Đây là phương pháp dệt chiếu khó, đòi hỏi phải có những bí quyết, sáng tạo kỹ thuật và cần có kinh nghiệm riêng của mỗi “nghệ nhân”.
Để hình ảnh, màu sắc được tươi tắn và ít phai phải mất khá nhiều công đoạn. Trước tiên, người ta chọn sợi cói về nhuộm phẩm với đủ loại màu xanh, đỏ, tím, vàng... Muốn màu nhuộm khó phai thì phải nấu phẩm lên, nhúng từng chùm nhỏ vào, tùy theo độ đậm nhạt mà có thể nhúng 2-3 lần trở lên. Cói nhuộm phẩm xong phải phơi lại một lần nữa, nhưng không được phơi quá khô vì dễ giòn gãy, cũng không quá “dịu” vì dễ ẩm mốc. Sợi cói dài, không chắp nối thì sẽ cho ra những chiếc chiếu mịn màng, giá có thể cao hơn rất nhiều nhưng được người tiêu dùng ưa chuộng. Đặc biệt, chiếu ở đây được bện biên rất sắc sảo làm tăng thêm giá trị của chiếc chiếu. Thông thường, người dệt chỉ dệt những hoa văn giản đơn, còn người mua muốn mua hàng theo ý thích phải tìm đến tận nhà để đặt thường là những mẫu chiếu hoa có chữ song hỷ, màu tươi sáng; chiếu có chữ thọ, màu sắc trang nhã.
Mấy năm gần đây, khi các loại chiếu trúc, nilong, chiếu nhựa hoa của Trung Quốc tràn lan tại Việt Nam, khiến nghề chiếu ở An Cư gặp nhiều khó khăn hơn. Bà Trần Thị Mai ở Phú Tân 1 cho biết, lúc trước khi thị trường chưa có sự cạnh tranh gay gắt với các loại chiếu khác như bây giờ, nghề dệt chiếu ở đây rất thịnh, trong ngõ đầu xóm nơi đâu cũng thấy cảnh từ người già đến trẻ con cùng dệt chiếu. Hiện nay tuy sức tiêu thụ chiếu cói trên thị trường có chững lại nhưng người làm chiếu ở An Cư vẫn bám giữ lấy nghề bởi nó gần như đã trở thành nghề gia truyền của người dân nơi đây. Theo ông Đặng Văn Ngữ, Trưởng thôn Phú Tân 1, tuy thu nhập từ nghề dệt chiếu không lớn nhưng có thể giải quyết việc làm cho nông dân những lúc nông nhàn. Mỗi chiếc chiếu thành phẩm hoàn thiện, người dệt kiếm được 10.000-15.000 đồng tùy theo chất lượng và thẩm mỹ. Mỗi ngày, một người có thể dệt được 2-3 đôi chiếu.
Ông Phan Minh Thành, Phó chủ tịch UBND xã An Cư cho biết, sản phẩm chiếu cói An Cư đang tiêu thụ mạnh tại thị trường các tỉnh: Gia Lai, Kon Tum, Khánh Hòa, Đắk Lắk, Bình Định. Địa phương tạo mọi điều kiện hỗ trợ cho bà con làm nghề cải tiến về mẫu mã, đưa máy móc vào sản xuất… nhằm tăng sức cạnh tranh, thu nhập cho sản phẩm chiếu cói An Cư.
THỦY TIÊN