Trước đây, các ngân hàng đẩy mạnh cho vay vốn phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhiều đối tượng khách hàng, thì nay kênh tín dụng này gần như chặn lại. Không còn cách nào khác, nhiều khách hàng phải tìm đến thẻ tín dụng, dù lãi suất không hề dễ chịu.
Khách hàng giao dịch tại một ngân hàng ở phường 4, TP Tuy Hòa. - Ảnh: N.QUANG
KHÔNG DỄ VAY VỐN
Lãnh đạo các ngân hàng trên địa bàn Phú Yên cho biết, cho vay vốn phục vụ nhu cầu tiêu dùng mang lại lợi nhuận cao và cũng rất tiện lợi với khách hàng. Song đó là thời điểm mà nền kinh tế vĩ mô ổn định, còn trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, khi ngân hàng phải giảm tỉ lệ cho vay vốn đối với lĩnh vực phi sản xuất trên tổng dư nợ xuống mức 16% vào cuối năm nay theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, thì ngân hàng phải chặn “barie” kênh tín dụng này lại.
Các ngân hàng thương mại đang thực hiện lộ trình giảm tỉ lệ cho vay lĩnh vực phi sản xuất (trong đó có cho vay phục vụ tiêu dùng) theo Chỉ thị 01/2011 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Theo đó, đến ngày 31/12, tỉ lệ dư nợ cho vay vốn lĩnh vực này giảm còn 16%/tổng dư nợ. Riêng tại Phú Yên, đến thời điểm này dư nợ cho vay vốn lĩnh vực phi sản xuất chỉ còn gần 800 tỉ đồng, giảm 10% so với đầu năm và chiếm gần 9%/tổng dư nợ.
Một cán bộ tín dụng phụ trách khách hàng cá nhân của Chi nhánh Ngân hàng Đầu tư - Phát triển (BIDV) Phú Yên cho biết, hiện ngân hàng này rất hạn chế cho vay vốn phục vụ tiêu dùng. Nếu khách hàng nào may mắn được duyệt cũng phải chịu mức lãi suất từ 24 - 25%/năm, tùy đối tượng. Ngoài áp dụng lãi suất cao, ngân hàng còn phải xem xét nguồn thu nhập, bảo hiểm xã hội, tình trạng sức khỏe của khách hàng… vượt qua được các tiêu chí này là cả một “cửa ải”. Còn tại Chi nhánh Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương (Vietinbank) Phú Yên, “barie” tín dụng tiêu dùng đã chặn lại từ nhiều tháng nay. Ông Đặng Hồng Lĩnh, Giám đốc Vietinbank Phú Yên cho biết, hiện chi nhánh chỉ tập trung vốn cho vay phục vụ sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thiết yếu, chứ không cho vay vốn phục vụ tiêu dùng.
TÌM ĐẾN THẺ TÍN DỤNG
Ông Huỳnh Ngọc Nam, công tác tại một cơ quan ở TP Tuy Hòa cho biết, vừa rồi ông “gõ cửa” một ngân hàng ở phường 4 để vay 40 triệu đồng bằng hình thức tín chấp qua lương để sửa lại nhà ở. Đặt vấn đề này với ngân hàng, ông chỉ nhận cái “lắc đầu” của cán bộ tín dụng. Sau đó, được bạn bè giới thiệu, ông Nam đến ngân hàng mở thẻ tín dụng và đăng ký sử dụng dịch vụ thấu chi. Ông Nam cho biết: “Với thu nhập 5 triệu đồng/tháng, tôi được ngân hàng mở thẻ ATM và đăng ký dịch vụ thấu chi với mức 20 triệu đồng, thời hạn 12 tháng. Tuy lãi suất khá cao, nhưng trong bối cảnh này đành phải chấp nhận”. Còn theo bà Lê Tuyết Vũ ở phường 1 (TP Tuy Hòa) vừa mở thẻ tín dụng tại một ngân hàng, với mức thu nhập cơ quan xác nhận 40 triệu đồng/năm, thì mức mức thấu chi qua thẻ ATM 15 triệu đồng là quá thấp. Không chỉ vậy, khách hàng còn phải chịu nhiều khoản phí lên đến vài trăm ngàn đồng.
Qua tìm hiểu, được biết hiện nay hầu hết các ngân hàng thu 4% phí rút tiền từ thẻ tín dụng, nhưng dùng thẻ đó thanh toán khi mua hàng hóa, trả phí dịch vụ thì không mất phí. Điều này chứng tỏ các ngân hàng cũng không khuyến khích khách hàng rút tiền, mà ưu tiên đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt. Vẫn biết là sử dụng thẻ tín dụng sẽ phải chịu mức lãi suất cao, nhưng với nhu cầu cần những khoản tiền nhỏ, nhiều khách hàng vẫn “cắn răng” lựa chọn.
NGUYỄN QUANG