Thứ Năm, 03/10/2024 13:21 CH
Loay hoay với lãi suất
Thứ Sáu, 05/08/2011 14:00 CH

Lãi suất tại các ngân hàng đang ở mức cao, do cuộc đua ngầm vượt trần lãi suất huy động 14%/năm, đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất của nhiều doanh nghiệp cần vốn.

 

nh110805.jpg

Khách hàng giao dịch tại một ngân hàng ở TP Tuy Hòa - Ảnh: Q.THUẦN

DOANH NGHIỆP PHẢI TỰ CỨU MÌNH

 

Mặt bằng vốn cho vay đang ở mốc cao đã làm khó nhiều doanh nghiệp, trong khi các ngân hàng lại “vướng” ở đầu vào và đang tìm cách lách quy định để huy động vốn. Theo một số giám đốc doanh nghiệp, đã đến lúc bỏ việc áp trần lãi suất huy động, thay vào đó áp trần lãi suất cho vay để hạn chế tình trạng lãi suất cho vay quá cao như hiện nay. “Mối quan tâm hàng đầu của doanh nghiệp là bao giờ ngân hàng giảm lãi suất cho vay và giảm như thế nào? Nếu ngân hàng cứ áp dụng lãi suất ở mức cao như hiện nay thì doanh nghiệp sẽ lâm vào thế gồng mình “gánh” lãi suất và dẫn đến thua lỗ”, ông Nguyễn Ngọc Toàn, chủ một doanh nghiệp tư nhân ở TP Tuy Hòa cho biết.

 

Theo thống kê của Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tại Phú Yên, đến nay tổng nguồn vốn huy động của các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đạt trên 5.400 tỉ đồng, tăng 240 tỉ đồng so với đầu năm. Huy động vốn tại địa phương chỉ đáp ứng khoảng 64% nhu cầu vay của các thành phần kinh tế, trong khi đó dư nợ cho vay của các ngân hàng gần 9.000 tỉ đồng nên các ngân hàng phải điều chuyển vốn từ hệ thống ngân hàng mình về mới có thể đáp ứng nhu cầu.

Trong khi đó, bà Bùi Thị Hằng, Giám đốc Công ty TNHH Lâm Hà cho biết, đầu năm 2011, công ty của bà vay 2 tỉ đồng tại một ngân hàng thương mại cổ phần với lãi suất vay 18%/năm để thu mua nông - thủy sản xuất khẩu. Căn cứ hợp đồng tín dụng đã ký, có điều khoản điều chỉnh lãi suất hàng quý, và mới đây ngân hàng thông báo tăng lãi suất lên 120%/năm. Bà Hằng cho biết: “Lãi suất tăng, chi phí đầu vào đội lên, làm cho hiệu quả kinh doanh giảm. Nếu lãi suất tiếp tục tăng thì công ty cầm chắc thua lỗ, công nhân nghỉ việc”.

 

Những người làm ngân hàng khuyến cáo doanh nghiệp cần phải kiên quyết xử lý các khó khăn tài chính, năng động để tự cứu mình trước khi tìm đến vốn vay ngân hàng. Trong các giải pháp tự cứu mình, có giải pháp loại bỏ những hàng hóa không đáp ứng nhu cầu thị trường, phát triển sản phẩm mới, thị trường mới; cắt giảm chi phí hợp lý, thanh lý máy móc, thiết bị không cần thiết; cắt bỏ hoạt động sản xuất - kinh doanh kém hiệu quả, thực hiện liên kết, hợp tác trong việc cung ứng sản phẩm - dịch vụ; bố trí hợp lý nguồn nhân lực vào các công đoạn trong quá trình sản xuất - kinh doanh.

 

NGÂN HÀNG CŨNG KÊU... KHÓ

 

Không chỉ doanh nghiệp, mà ngay cả ngân hàng cũng lên tiếng về trần lãi suất huy động, vì hiện nay một số nơi huy động vốn vượt trần 14%/năm. Ông Lại Duy Thường, Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng NN-PTNT (Agribank) tại Phú Yên cho biết, ngân hàng ông đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc huy động vốn VND, bởi không thể vượt qua trần lãi suất 14%/năm. Trong khi đó, chính sách tín dụng về nông nghiệp, nông thôn và nông dân trên địa bàn tỉnh đòi hỏi nguồn vốn phải dồi dào. Để giải cơn “khát vốn”, Agribank Việt Nam phải điều chuyển vốn về để chi nhánh triển khai cho vay.

 

Lãi suất tăng cao có nhiều nguyên nhân, trong đó có hệ quả của việc cạnh tranh huy động vốn giữa các ngân hàng. Giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần ở TP Tuy Hòa tiết lộ: Khách hàng gửi tiền thường đặt điều kiện với ngân hàng về lãi suất. Mặc dù “trần” lãi suất huy động đã ấn định ở mức 14%/năm, nhưng khách hàng có số tiền từ 100 triệu đồng trở lên là có thể yêu cầu mức lãi suất tiền gửi 16%/năm, thậm chí đến 18%/năm mới chịu gửi tiền. Gặp lúc đang “đói” vốn, một số ngân hàng phải chấp nhận yêu cầu của người gửi tiền, sau đó hạch toán ra sao để “lách luật”, tránh bị thanh tra Ngân hàng Nhà nước xử lý là chuyện nội bộ của hệ thống ngân hàng đó (?!).

 

Có ý kiến cho rằng, nếu Ngân hàng Nhà nước không bỏ ngay trần lãi suất huy động, thì nên nâng dần lãi suất này lên sát với lãi suất thực tế theo cung-cầu thị trường. Tốt nhất là thả nổi lãi suất cho thị trường tự điều tiết… Tuy nhiên, đại diện Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tại Phú Yên lại cho rằng, khi lãi suất huy động chưa giảm được, các ngân hàng cần tăng cường tiết giảm chi phí, tăng thu từ dịch vụ và giảm lãi suất cho vay để cùng chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp khi vay vốn. Còn cơ chế trần lãi suất huy động, đây là một công cụ điều hành chính sách tiền tệ đã mang lại hiệu quả gần nửa năm nay. Muốn thay đổi công cụ điều hành này phải dựa trên các yếu tố của quan hệ cung - cầu thị trường trong và ngoài nước, trong đó có cả yếu tố rủi ro và biện pháp xử lý.  

 

QUANG THUẦN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek