Thứ Tư, 02/10/2024 23:27 CH
Ồ ạt khai thác keo non để trồng sắn
Thứ Bảy, 30/07/2011 11:00 SA

Từ mấy tháng nay, nhiều nông dân ở các huyện miền núi Sông Hinh, Đồng Xuân, Sơn Hòa ồ ạt khai thác cây keo non để trồng sắn khi lợi nhuận của loại nông sản này cao gấp nhiều lần so với cây keo. Việc đổ xô trồng một loại cây không theo quy hoạch nhiều khả năng dẫn tới việc thừa nguyên liệu, rớt giá và khó tiêu thụ.

 

keo110730.jpg

Người dân đua nhau khai thác keo non để trồng sắn - Ảnh: T.HưƠNG

Ồ ẠT ĐN KEO

 

Kết thúc niên vụ sắn 2010-2011, nhiều người đã đổi đời khi cây sắn được mùa lại có giá cao nhất từ trước đến nay, mang lại cho bà con nguồn thu nhập hấp dẫn. Vì vậy niên vụ này, nhiều hộ nông dân đã không ngần ngại mở rộng diện tích trồng sắn. Không ít bà con đã mạnh tay đốn hàng chục hécta keo lá tràm, keo lai, bạch đàn để chuyển sang trồng sắn. Ông Bùi Văn Hòa ở xã Ea Trol (huyện Sông Hinh) cho biết: “Niên vụ sắn vừa rồi gia đình tôi trồng được 5ha. Nhờ đạt năng suất lại được giá nên thu nhập khá cao, trừ mọi chi phí lãi hơn trăm triệu đồng. Niên vụ này nhà tôi quyết định khai thác 5ha rừng keo lá tràm để lấy đất trồng sắn”. Hiện nay giá mua keo tương đối thấp, tuy nhiên nhiều người vẫn không ngần ngại khai thác mặc dù keo vẫn chưa đủ tuổi. Ông Trần Quốc Nam ở xã Ea Trol (huyện Sông Hinh) cho hay: “Vừa rồi tôi bán 3ha rừng keo 3 năm tuổi chỉ được 13 triệu đồng. Biết là lợi nhuận không được bao nhiêu nhưng giờ không còn đất nữa nên phải bán non để có diện tích trồng sắn”.

 

Phó Chủ tịch UBND xã Ea Trol Nay Y Bình thừa nhận: “Thời gian qua, vì cây sắn được giá nên nhiều nông dân đã tận dụng mọi diện tích như vườn nhà, đồi trọc để trồng loại cây này. Không ít hộ đã chuyển một số diện tích từ trồng bắp lai, mía và nhiều nhất là keo sang trồng sắn”.

 

Không riêng xã Ea Trol, trên địa bàn huyện Sông Hinh, việc khai thác keo non để trồng sắn liên tục diễn ra ở các xã như: Ea Ly, Ea Bar, Ea Bia… Theo tính toán của nhiều nông dân, giá mua nguyên liệu keo đã được bóc vỏ tại nhà máy là 1.080 đồng/kg, chỉ bằng một nửa so với giá mua sắn củ. Thời gian để có thể thu hoạch keo quá lâu, từ 5-7 năm mới đủ tuổi. Khi thu hoạch lại bán theo đám, phụ thuộc hoàn toàn vào sự “thẩm định” của thương lái chứ không căn cứ vào bất kỳ tiêu chuẩn, quy định nào. Trong khi đó, trồng sắn đơn giản hơn nhiều, vốn đầu tư ban đầu ít, giá cả hấp dẫn, cơ chế mua nhanh gọn. Niên vụ rồi, mỗi héc ta sắn cho năng suất từ 20-25 tấn, với giá bán có thời điểm lên đến 2.500/kg thì trừ mọi chi phí, bình quân mỗi hécta người trồng sắn lãi trên 20 triệu đồng.

 

PHÁ VỠ QUY HOẠCH VÙNG NGUYÊN LIỆU

 

Ông Nguyễn Khắc Sự, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Sông Hinh, cho biết: “Chủ trương của huyện là ổn định vùng nguyên liệu sắn với khoảng 5.000ha. Nhưng hiện nay, diện tích trồng sắn đã vượt khỏi quy hoạch hơn 500ha. Phòng NN-PTNT huyện Sông Hinh đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động bà con thâm canh cây sắn nên xen canh cây trồng họ đậu để góp phần cải tạo đất, hạn chế khai thác keo để trồng sắn, chuyển những diện tích đất trồng sắn đã bạc màu sang trồng các loại cây phù hợp”.

 

Ở các huyện miền núi như Sơn Hòa, Đồng Xuân, tình trạng khai thác keo trồng sắn cũng diễn ra phổ biến. Ông Đào Duy Linh, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Sơn Hòa, cho biết: “Từ nhiều tháng nay, trên địa bàn huyện xảy ra tình trạng nông dân khai thác keo để chuyển sang trồng sắn, tập trung ở các xã Sơn Long, Sơn Định và Sơn Xuân. Hiện địa phương vẫn chưa thống kê được diện tích keo đã được khai thác để trồng sắn. Ngành đã chỉ đạo cho các địa phương vận động bà con hạn chế việc khai thác rừng keo non, đồng thời phân tích cho nông dân hiểu nguy hại của việc ồ ạt mở rộng diện tích trồng sắn”.

 

Theo các thương lái, số lượng rừng keo được bà con khai thác là rất lớn. Bà Nguyễn Thị Nam quê ở Sơn Thành Đông (Tây Hòa) cho hay: “Tôi làm nghề này đã hơn chục năm nhưng chưa năm nào “được mùa” như năm nay. Hơn 4 tháng qua, ngày nào tôi cũng mua được hơn 20ha keo và bạch đàn của bà con ở Sông Hinh, Sơn Hòa”.

 

Theo Sở NN-PTNT, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh đã trồng được 15.327ha sắn, tăng 24% so với cùng kỳ năm ngoái, tập trung ở các huyện: Sông Hinh, Sơn Hòa, Đồng Xuân... Trong khi đó, quy hoạch vùng nguyên liệu sắn toàn tỉnh năm 2011 chỉ có 12.500ha. Việc nông dân đổ xô trồng sắn rất dễ dẫn đến tình trạng khủng hoảng thừa nguyên liệu, phá vỡ quy hoạch vùng trồng các loại cây khác. Tình trạng này đã từng xảy ra ở niên vụ 2008-2009, khi giá sắn tăng cao, nông dân ồ ạt chuyển đổi sang trồng sắn và đã có không ít gia đình điêu đứng vì không bán được sắn. Việc ồ ạt chạy theo giá của từng loại nông sản mà nhiều nông dân đã làm rất dễ gặp rủi ro, không phải là cách đầu tư bền vững.

 

TUYẾT HƯƠNG - ANH NGỌC

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek