Theo Bộ Tài chính, tổng thu ngân sách Nhà nước trong 7 tháng qua đạt 386.760 tỉ đồng, bằng 65% so với dự toán và tăng 21% so với cùng kỳ năm 2010.
Ảnh minh họa
Riêng số thu tháng 7 đạt 51.510 tỉ đồng, tăng hơn 4.770 tỉ đồng so với cùng kỳ tháng 6. Trong đó, thu nội địa tăng hơn so với tháng 6 khoảng 7.000 tỉ đồng, ước đạt 62,3% dự toán, do tháng 7 là thời điểm các doanh nghiệp, hộ kinh doanh thực hiện kê khai và nộp thuế thu nhập doanh nghiệp quý II/2011, cùng với đó là 5.000 tỉ đồng thuế phát sinh tăng thêm và khoản nộp chênh lệch thu-chi ngân hàng quý II/2011 khoảng 3.200 tỉ đồng của Ngân hàng Nhà nước.
Tuy nhiên, do tình hình kinh tế chung còn khó khăn nên ngoài những khoản tăng thêm thì hầu hết các khoản thu nội địa còn lại đều có xu hướng giảm.
Chi ngân sách tháng 7 ước thực hiện 58.630 tỉ đồng, lũy kế chi 7 tháng đầu năm lên 420.330 tỉ đồng, đạt 57,9% dự toán năm.
Trong đó, chi đầu tư phát triển tháng 7 đạt 11.200 tỉ đồng, lũy kế chi 7 tháng ước đạt 89.377 tỉ đồng, bằng 58,8% dự toán.
Chi trả nợ viện trợ trong tháng 7 ước 7.890 tỉ đồng, lũy kế chi 7 tháng đạt 54.790 tỉ đồng bằng 63,7% dự toán, đảm bảo thanh toán đầy đủ và đúng hạn các khoản nợ đã cam kết, không để tác động xấu đến kinh tế vĩ mô.
Chi phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý nhà nước (bao gồm cả chi cải cách tiền lương) thực hiện tháng 7 ước 39.530 tỉ đồng, lũy kế chi 7 tháng đạt 276.163 tỉ đồng, bằng 58,9% dự toán.
Bội chi NSNN tháng 7 ước đạt 7.120 tỉ đồng; lũy kế 7 tháng là 33.570 tỉ đồng, bằng 27,8% mức bội chi cả năm Quốc hội quyết định và được bù đắp bằng các nguồn vay trong nước và nước ngoài quy định .
Việc phát hành trái phiếu Chính phủ huy động vốn trong nước cho bù đắp bội chi NSNN và cho đầu tư các công trình giao thông, thủy lợi, giáo dục, y tế… trong tháng 7 tiếp tục có chuyển biến. Đến ngày 20/7, đã thực hiện huy động được 46.815 tỉ đồng trái phiếu Chính phủ, bằng khoảng 55% nhiệm vụ huy động trái phiếu Chính phủ cả năm.
Trước đó, Nghị quyết 11 của Chính phủ đã yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương phấn đấu tăng thu ngân sách nhà nước 7-8% so với dự toán ngân sách năm 2011 đã được Quốc hội thông qua; tăng cường kiểm tra, giám sát trong quản lý thu thuế, chống thất thu thuế; tập trung xử lý các khoản nợ đọng thuế; triển khai các biện pháp cưỡng chế nợ thuế để thu hồi nợ đọng và hạn chế phát sinh số nợ thuế mới.
Đồng thời, giảm bội chi ngân sách nhà nước năm 2011 xuống dưới 5% GDP; giám sát chặt chẽ việc vay, trả nợ nước ngoài của các doanh nghiệp, nhất là vay ngắn hạn; thực hiện rà soát nợ Chính phủ, nợ quốc gia, hạn chế nợ dự phòng, không mở rộng đối tượng phạm vi bảo lãnh của Chính phủ; bảo đảm dư nợ Chính phủ, dư nợ công, dư nợ nước ngoài trong giới hạn an toàn và an toàn tài chính quốc gia.
Theo chinhphu.vn