Sau một thời gian tạm lắng vì dịch bệnh, giá thức ăn tăng cao, giá đầu ra không ổn định…, hiện nay nhiều hộ dân đã bắt đầu thả heo nuôi trở lại. Tuy số lượng chưa nhiều vì người nuôi vẫn còn e ngại, nhưng đây là tín hiệu tốt cho ngành chăn nuôi.
Nhiều hộ dân đã bắt đầu chăn nuôi heo trở lại - Ảnh: T.HƯƠNG
RỤC RỊCH “GẦY” ĐÀN
Những ngày này, ở các xã có nghề chăn nuôi heo phát triển như Hòa An, Hòa Thắng, Hòa Trị (huyện Phú Hòa)…, bà con rôm rả bàn tán chuyện mua heo giống tại đâu có thể đảm bảo sạch bệnh, giá đắt, rẻ… thế nào để “chạy” vốn gầy đàn. Bà Nguyễn Thị Phương ở xã Hòa Thắng cho biết: “Đợt dịch hồi đầu năm, đàn heo nhà tôi chết sạch. Giờ dịch đã qua, giá heo thịt lại cao nên gia đình quyết định thả nuôi lại nhưng chưa dám đầu tư nhiều”. Ông Trần Văn Thứ ở xã Hòa An nói: “Thấy các nhà xung quanh nuôi heo trở lại và không bị bệnh, xuất chuồng cho lãi khá cao, tôi cũng quyết định thả nuôi lại một vài con. Nếu heo phát triển khỏe mạnh, không dịch bệnh, tôi sẽ tiếp tục đầu tư thêm để gầy giống nuôi bán tết”.
Ngoài các vùng nuôi heo tập trung ở huyện Phú Hòa, trong đợt này, nhiều hộ chăn nuôi ở phường 9 (TP Tuy Hòa), xã An Mỹ, An Chấn (huyện Tuy An) cũng đã “khởi động” nuôi heo trở lại. Bà Nguyễn Thị Thủy ở xã Bình Kiến (TP Tuy Hòa) cho hay: “Đợt dịch hồi đầu năm, đàn heo gia đình tôi “thoát nạn” nhưng vì e ngại nên tôi đã bán bớt để tránh rủi ro, chỉ giữ lại một số con nái. Nhờ vậy mà giờ tôi gầy đàn dễ dàng, ít vốn và nhanh hơn các hộ khác”. Trong lần tái đàn này, người chăn nuôi đã quan tâm nhiều hơn đến chất lượng, an toàn dịch bệnh của con giống. Theo ông Võ Đình Sang ở xã An Mỹ (huyện Tuy An), lần này “gầy” lại đàn, vợ chồng ông không mua con giống trôi nổi ở ngoài thị trường mà tìm đến các trại heo giống để chọn. Dù giá có cao hơn bên ngoài nhưng bù lại con giống được đảm bảo chất lượng và sạch bệnh, điều này đồng nghĩa với việc rủi ro khi nuôi sẽ giảm đáng kể.
CÒN NHIỀU KHÓ KHĂN
Hiện người chăn nuôi heo gặp phải không ít khó khăn khi muốn tái đàn vì nguồn cung về giống rất khan hiếm, không đáp ứng đủ nhu cầu. Theo nhiều hộ chăn nuôi, nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên là do ảnh hưởng của các đợt dịch từ cuối năm ngoái và đầu năm nay. Ở các vùng chăn nuôi heo trọng điểm của tỉnh, đàn heo nái bị chết nhiều. Bên cạnh đó, nguồn heo giống từ các tỉnh Bình Định, Đắk Lắk cũng suy giảm, một phần do dịch bệnh và người chăn nuôi heo tại các địa phương đó cũng đã bắt đầu chăn nuôi trở lại.
Để “gầy” đàn, người nuôi phải chi một khoản tiền khá lớn vì giá heo giống đang ở mức kỷ lục 70.000 đồng/kg, để mua được một con heo con người nuôi phải chi trên 1,5 triệu đồng. Ông Võ Văn Phụng ở xã Bình Kiến (TP Tuy Hòa) nói: “Muốn mua lại khoảng 5 con heo con để nuôi thịt phải tốn khoảng 8 triệu đồng, một số tiền khá lớn với người nông dân chúng tôi”. Còn để xây dựng lại đàn nái giống đối với nhiều gia đình là cả một chặng đường dài. Bà Lê Thị Thoa ở xã Hòa Trị (huyện Phú Hòa) cho biết: “Muốn chọn được heo nái ưng ý thì trong số hàng chục con heo cái đạt yêu cầu về hình thể, chúng tôi phải sàng lọc qua nhiều lứa đẻ mới chọn được 1-2 con, đôi khi chẳng được con nào. Sau dịch, đàn heo nái giống chết sạch, giờ để xây dựng được đàn giống mẹ là không đơn giản khi giá nái giống hiện lên đến 80.000 đồng/kg, mua một con nái khoảng 80kg phải tốn gần 7 triệu đồng”. Bên cạnh đó, lãi suất ngân hàng cũng đang ở mức quá cao, đồng thời các ngân hàng còn áp dụng chính sách thắt chặt cho vay tiền tệ nên nông dân khó có thể tiếp cận được nguồn vốn vay để có tiền đầu tư chăn nuôi trở lại.
Theo ông Phạm Xuân Quang, Phó trưởng Phòng NN-PTNT thuộc Sở NN-PTNT, hiện nay ở nhiều địa phương, bà con đã bắt đầu chăn nuôi heo trở lại. Mặc dù tốc độ vẫn chưa mạnh, nhưng đây là một tín hiệu vui cho ngành chăn nuôi của tỉnh. Ngành khuyến cáo bà con khi tái lập đàn nên chọn mua giống có nguồn gốc, đã được cơ quan chức năng kiểm dịch, đồng thời phải tuân thủ các quy định về chuồng trại, môi trường nuôi và tiêm phòng đầy đủ để hạn chế dịch bệnh.
TUYẾT HƯƠNG