Vài năm gần đây, sản xuất công nghiệp ở huyện miền núi Sơn Hòa có nhiều khởi sắc. Đó là nhờ huyện có những chính sách ưu đãi, thu hút nhiều dự án đầu tư.
Nhà máy tuyển quặng tại cụm công nghiệp Ba Bản - Ảnh: A.BANG
Sơn Hòa là huyện giàu tiềm năng về khoáng sản như: đá chẻ, đá xay công nghiệp, đất, cát, sạn, sỏi lòng sông, vàng gốc và vàng sa khoáng, đá ốp lát, đất sét, bentonic, bauxit, quặng sắt… Ngoài ra, địa phương còn có nhiều tiềm năng phát triển cây công nghiệp và công nghiệp chế biến nông sản nhờ đất đai trù phú và nguồn lao động dồi dào. Tuy nhiên, có thời điểm việc khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn huyện gia tăng ảnh hưởng nguồn tài nguyên khoáng sản, thất thoát nguồn thu cho địa phương, tác động xấu đến môi trường thiên nhiên và gây khó khăn cho việc quản lý Nhà nước. Tình trạng này còn làm mất đa dạng sinh học, gây bồi lấp, sụt lún, ảnh hưởng đến môi trường sinh thái.
Trong vài năm gần đây, Phòng Kinh tế Hạ tầng huyện Sơn Hòa phối hợp cùng chính quyền cơ sở chú trọng nhiều hơn đến việc phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp nhằm phát huy hiệu quả từ các nguồn tài nguyên sẵn có ở địa phương. Theo đó, sản xuất công nghiệp được quy hoạch tập trung theo một số nhóm ngành như: Khai thác và chế biến khoáng sản, chế biến nông sản, mía đường, hàng tiêu dùng và cơ khí nhỏ. Số lượng và quy mô các doanh nghiệp, hộ sản xuất không ngừng tăng lên. Cơ cấu ngành công nghiệp có nhiều chuyển biến theo hướng khai thác thế mạnh của địa phương, chuyển từ manh mún sang hình thành một số ngành công nghiệp chủ lực như sản xuất mía đường, khai thác chế biến khoáng sản, chế biến bò khô,... Các ngành công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến nông lâm sản, khai thác chế biến khoáng sản, công nghiệp cơ khí cũng được thay đổi đáng kể để phù hợp với điều kiện sản xuất và các thị trường tiêu dùng.
Ông Dương Hạnh, Phó Trưởng Phòng Kinh tế Hạ tầng huyện Sơn Hòa cho biết: “Nhờ huyện đã ban hành hệ thống chính sách phát triển trên các lĩnh vực với những cơ chế khuyến khích đầu tư thông thoáng như ưu đãi về giá thuê đất, tích cực hỗ trợ giải phóng mặt bằng; cải cách thủ tục hành chính; đào tạo nghề; huy động các nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật nhất là giao thông để phục vụ sản xuất... nên công nghiệp Sơn Hòa bắt đầu có sản phẩm chủ lực. Đến nay, toàn huyện có gần 400 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp, góp phần giải quyết việc làm cho hơn 1.300 lao động địa phương, tạo được mức thu nhập ổn định, nâng cao đời sống người dân. Nhiều lĩnh vực sản xuất tiếp tục duy trì được mức tăng trưởng ổn định như: Chế biến lương thực, sản xuất đá lạnh, xay xát lương thực. Huyện Sơn Hòa đang có ý tưởng xây dựng một số thương hiệu từ sản phẩm tiểu thủ công nghiệp như sản xuất nước mắm từ thơm, chế biến bò khô.
Hàng năm, địa phương này đều tiến hành khảo sát và đăng ký thực hiện các đề án khuyến công để hỗ trợ cho các cơ sở sản xuất và doanh nghiệp nhằm duy trì, phát huy những ngành nghề truyền thống. Cụm công nghiệp Ba Bản, đến nay đã thu hút được một số dự án đầu tư hoạt động có hiệu quả, như chế biến đá ốp lát, chế biến khoáng sản. Đầu năm 2011, tại đây đã có thêm doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở chế biến hạt điều công suất 5 tấn/ngày. Ông Dương Hạnh, cho biết thêm: Phòng Kinh tế Hạ tầng huyện đang tham mưu UBND huyện làm tờ trình gửi UBND tỉnh đề nghị được mở rộng diện tích cụm công nghiệp Ba Bản nhằm tiếp tục tiếp nhận các dự án đầu tư.
AN NGUYÊN