Theo Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, trên lúa hè thu 2011 đang xuất hiện các loại sâu bệnh như bệnh nghẹt rễ, tuyến trùng rễ và ruồi đục nõn. Đáng lo ngại nhất là sự xuất hiện của rầy nâu và rầy lưng trắng đã xuất hiện. Ngoài ra, các đối tượng dịch hại khác gây hại rải rác như sâu keo, đục thân, cuốn lá nhỏ, bệnh khô vằn…
Kiểm tra mô hình bẫy cây trồng diệt chuột bảo vệ lúa ở xã Hòa An (huyện Phú Hòa) - Ảnh: H.NAM
Huyện Tây Hòa có 6.415,5ha lúa hè thu trong giai đoạn đẻ nhánh - làm đòng, trong đó có 115ha bị sâu cuốn lá nhỏ gây hại, mật độ trung bình 1-3 con/m². Bên cạnh đó, sâu đục thân gây hại 18,6ha, tỉ lệ trung bình 0,2-1%, chủ yếu là những diện tích ven núi ở các xã Hòa Tân Tây, Hòa Thịnh, Hòa Mỹ Đông… Ngoài ra, ruồi đục lá cũng gây hại rải rác trên diện tích 8ha. Đáng lưu ý là bệnh khô vằn phát sinh gây hại trên lúa làm đòng tập trung ở những ruộng sạ dày, bón thừa đạm ở các xã Hòa Mỹ Đông, Hòa Thịnh, Hòa Đồng… với 15ha.
Theo khuyến cáo của Trạm Bảo vệ thực vật huyện Tây Hòa, thời gian đến các đối tượng như sâu gây bệnh khô vằn, sâu cuốn lá nhỏ, chuột... tiếp tục gây hại trên lúa nên bà con nông dân thường xuyên thăm đồng, điều tra, theo dõi tình hình sâu bệnh. Cần theo dõi chặt chẽ các đối tượng sâu bệnh gây hại nguy hiểm như bệnh khô vằn, bệnh thối than… phát hiện sớm phòng trừ kịp thời.
Đáng lo ngại nhất hiện nay là rầy nâu và rầy lưng trắng xuất hiện tại huyện Đông Hòa và TP Tuy Hòa. Tại phường Phú Lâm (TP Tuy Hòa), rầy lưng trắng xuất hiện với mật độ 8,5-35 con/m². Bệnh khô vằn gây hại cục bộ 4ha, tỉ lệ 2-3% trên lúa giai đoạn làm đòng tại phường Phú Lâm, phường 8, phường 9. Trưởng Trạm Bảo vệ thực vật TP Tuy Hòa Nguyễn Thị Lơn cho biết: “Trạm cùng HTX vẫn tiếp tục theo dõi sâu cuốn lá lớn, rầy lưng trắng, rầy nâu và bệnh khô vằn gây hại cục bộ một số diện tích lúa giai đoạn làm đòng. Tuy nhiên, những diện tích gây hại tỉ lệ thấp chưa đến mức phải phòng trừ bằng thuốc”. Cũng theo bà Lơn, thời gian đến, bọ trĩ có khả năng xuất hiện trên lúa giai đoạn mạ của trà muộn, bệnh khô vằn, sâu cuốn lá, rầy lưng trắng, rầy nâu cũng sẽ gây hại cục bộ.
Tại 2 xã Hòa Xuân Tây và Hòa Tân Đông (huyện Đông Hòa), rầy lưng trắng xuất hiện trên diện tích 0,9ha, mật độ từ 70-160 con/m². Đây là loại sâu bệnh nguy hiểm đối với vụ lúa hè thu nếu không phát hiện phòng trừ kịp thời dẫn đến bệnh vàng lùn, xoắn lá. Chi cục Bảo vệ thực vật Phú Yên khuyến cáo, các ngành chức năng thường xuyên kiểm tra đồng thời phát hiện kịp thời rầy nâu, rầy lưng trắng. Đặc biệt cần theo dõi sát những chân ruộng gieo sạ giống nhiễm và các cánh đồng thường bị nhiễm rầy những năm trước.
Trong khi đó, tại HTX Hòa Hội (huyện Phú Hòa) bệnh ngộ độc hữu cơ dẫn đến nghẹt rễ và tuyến trùng rễ trên diện tích khoảng 1ha, tỉ lệ từ 10-20% lúa giai đoạn đẻ nhánh rộ. Đây là loại bệnh xuất phát từ lòng đất do nhiễm phèn nặng. Ông Phạm Tấn Thơ, cán bộ Phòng NN-PTNT huyện Phú Hòa giải thích: “Phòng trừ lúa bị ngộ độc hữu cơ, trước mắt cần tháo nước xả phèn sau đó bón các loại phân có hàm lượng lân cao”.
Tại các xã Xuân Long, Xuân Quang 2 (huyện Đồng Xuân), ruồi đục nõn phát sinh gây hại với diện tích 35ha. Theo ông Bùi Văn Tứ, Trưởng Trạm Bảo vệ thực vật huyện Đồng Xuân: “Trạm đã khuyến cáo nông dân giữ nước ruộng đầy đủ, chăm sóc bón phân thúc, thu gom ốc bươu vàng và trứng ốc tiêu hủy.
Hiện chuột cũng đang cắn phá lúa hè thu gây lo ngại cho nông dân. Mặc dù bước vào đầu vụ, các phòng kinh tế cũng như phòng NN-PTNT các huyện, thị xã, thành phố phát động phong trào diệt chuột, nhưng việc này không được tổ chức cùng lúc và rộng khắp, nên chuột sinh sôi di chuyển từ đồng này sang đồng khác cắn phá lúa. Trên các cánh đồng thị trấn Củng Sơn (huyện Sơn Hòa), thị trấn Chí Thạnh, xã An Ninh Tây (huyện Tuy An) và các cánh đồng dọc theo QL1 qua TP Tuy Hòa, huyện Đông Hòa, nông dân dùng nylông “bẹo” trắng đồng để dọa chuột, nhưng vẫn không hiệu quả. Nông dân Thái Văn Minh, ở phường 9 (TP Tuy Hòa), than vãn: “Năm nào cánh đồng Minh Đức chuột cũng cắn phá, nhất là những đám gần bờ vùng bờ thửa”.
LÊ TRÂM