Mới đây, tại TP Quy Nhơn, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội và các bộ ngành liên quan tổ chức lớp tập huấn về cơ chế quản lý Chương trình 135 giai đoạn II (2006-2010) cho các tỉnh trong khu vực miền Trung và Tây Nguyên với nhiều điểm mới cả về nội dung đầu tư lẫn cách tổ chức thực hiện. Sau khi tham dự lớp tập huấn, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Phú Yên Trần Văn Sơn cho biết:
Phòng khám khu vực EaTrol được xây dựng từ Chương trình 135 - Ảnh: N.T
Mục tiêu tổng quát của Chương trình phát triển kinh tế xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2006- 2010 (còn gọi là Chương trình 135 giai đoạn II) nhằm tạo sự chuyển biến nhanh về sản xuất, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất gắn với thị trường; cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các dân tộc ở các xã, thôn, buôn đặc biệt khó khăn một cách bền vững… giảm khoảng cách phát triển giữa các dân tộc và các vùng miền trong cả nước. Phấn đấu đến năm 2010, trên địa bàn cơ bản không còn hộ đói, giảm hộ nghèo xuống dưới 30% theo tiêu chuẩn mới. Từ mục tiêu đó cho thấy, giai đoạn II sẽ không còn đặt nặng vào lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng như giai đoạn I, mà ưu tiên vào nhiệm vụ phát triển sản xuất và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao trình độ sản xuất của đồng bào các dân tộc, gồm các nội dung: Hỗ trợ các hoạt động khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, khuyến công; hỗ trợ xây dựng và phổ biến nhân rộng mô hình sản xuất; hỗ trợ giống cây trồng vật nuôi, vật tư sản xuất cho các hộ nghèo; hỗ trợ mua sắm trang thiết bị, máy móc, công cụ chế biến, bảo quản sau thu hoạch.
Bên cạnh nhiệm vụ ưu tiên nói trên, Chương trình còn có nhiệm vụ. Tiếp tục hoàn hiện cơ sở hạ tầng thiết yếu, các nhiệm vụ mới như: Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cán bộ xã, thôn, bản và cộng đồng; hỗ trợ dịch vụ cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân, trợ giúp pháp lý để nâng cao nhận thức pháp luật cho đồng bào các dân tộc thiểu số. Có thể nói những nhiệm vụ đặt ra trong giai đoạn II nhằm khắc phục những tồn tại của giai đoạn I, cụ thể là tập trung hỗ trợ cho bà con dân tộc thiểu số phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo một cách bền vững, xây dựng cuộc sống mới ấm no hạnh phúc.
* Còn về cách tổ chức thực hiện, thưa ông?
- Theo hướng dẫn của Hội đồng Dân tộc, đối với cấp tỉnh vẫn duy trì Ban chỉ đạo Chương trình 135, trong đó Ban Dân tộc là cơ quan thường trực. Còn cấp huyện phải có Ban quản lý điều hành dự án hoạt động độc lập, thường trực Ủy ban huyện không kiêm nhiệm Trưởng BQL như giai đoạn trước. Ở giai đoạn này, Chương trình đặc biệt nhấn mạnh vai trò của cấp xã trong việc làm chủ đầu tư, giám sát, chọn lựa dự án đầu tư. Mỗi xã có BQL dự án, Ban kiểm soát, BQL dự án xã có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng, được mở tài khoản tại Kho bạc nhà nước huyện. Một điểm đáng lưu ý khác là có sự phối hợp của nhiều ngành chuyên môn và sự giám sát của nhân dân liên quan khi thực hiện Chương trình này. Ví dụ như khi lập kế hoạch đầu tư cũng như khi triển khai những dự án hỗ trợ phát triển sản xuất sẽ có sự tham gia chặt chẽ của ngành nông nghiệp. Hoặc khi thực hiện dự án đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cán bộ xã, thôn và cộng đồng thì có sự tham gia của cơ quan chuyên môn…
* Phú Yên triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia này như thế nào?
- Giai đoạn II đặt ra yêu cầu rất cao, được phân làm 2 giai đoạn: Đến cuối năm 2008 có từ 50- 60% xã đạt các tiêu chí của Trung ương ra khỏi Chương trình 135 và đến năm 2010, tất cả các xã còn lại đều phải đạt mục tiêu đề ra. Xuất phát từ yêu cầu này, chúng tôi đang hướng dẫn cho huyện, xã lập kế hoạch xây dựng lộ trình cụ thể từng năm. Trên cơ sở đó, tỉnh tổng hợp thông qua Ban chỉ đạo chương trình 135 của tỉnh, trình Trung ương phân bổ vốn đầu tư, bắt đầu thực hiện từ năm 2007. Được biết, vốn đầu tư cho mỗi xã cũng được nâng lên 700 triệu đồng/năm, tăng 200 triệu đồng/năm so với giai đoạn trước. Trước mắt, đầu tháng 10 này, chúng tôi sẽ có lớp tập huấn dành cho cán bộ chủ chốt xã, thôn, buôn thuộc diện đầu tư Chương trình 135 giai đoạn II nhằm giúp các xã nắm bắt được những nội dung cơ bản về cơ chế quản lý của dự án để từng xã làm tốt nhiệm vụ của mình.
* Xin cảm ơn ông!
NGUYÊN TRƯỜNG (thực hiện)