Thứ Năm, 03/10/2024 13:31 CH
TX Sông Cầu: Nỗ lực phát triển nghề truyền thống
Thứ Hai, 27/06/2011 11:00 SA

Thông qua chương trình khuyến công, nhiều nghề mới được du nhập vào TX Sông Cầu, tạo công ăn việc làm cho người lao động. Tuy nhiên, do những khó khăn về vốn đầu tư sản xuất, đầu ra sản phẩm… khiến việc duy trì nghề truyền thống trở thành vấn đề nan giải.

 

Dan-gio110627.jpg

Đan giỏ bằng cọng dừa ở xã Xuân Thọ 1 (TX Sông Cầu). - Ảnh: M.NGUYỆT

 

Theo ông Hồ Nam Yên, Phó trưởng Phòng Kinh tế TX Sông Cầu, mục đích của các lớp đào tạo nghề theo chương trình khuyến công hiện nay là mang lại một nghề mới cho nhân dân, trong đó, vận động người dân tự nguyện tham gia là chính; giúp sản phẩm làm ra có nơi tiêu thụ, tiến tới tìm kiếm, mở rộng thị trường, duy trì và phát triển nghề đào tạo.

 

Mỗi năm, chương trình khuyến công tại địa phương đều mở các lớp đào tạo nghề tiểu thủ công nghiệp (TTCN). Một trong những yếu tố quyết định việc mở lớp là người dân phải có nhu cầu học nghề, quyết tâm nắm bắt, chuyển đổi ngành nghề mới và phải có vốn đầu tư để duy trì hoạt động sản xuất. Trước khi mở lớp, Phòng Kinh tế TX Sông Cầu liên kết với doanh nghiệp đào tạo để giúp duy trì hoạt động của các lớp học nghề, đồng thời đảm bảo đầu ra cho sản phẩm.

 

Từ năm 2005 đến nay, TX Sông Cầu đã mở 5 lớp đào tạo nghề TTCN cho hơn 160 học viên. Các ngành nghề đào tạo tập trung phát huy thế mạnh của địa phương như đan mây, tre, lá xuất khẩu, lưới cước xơ dừa tại xã Xuân Bình và hàng thủ công mỹ nghệ mây, tre và cọng lá dừa tại các xã Xuân Phương, Xuân Thọ 1, Xuân Thọ 2, phường Xuân Đài. Ngoài ra, thị xã còn phối hợp với Sở Công Thương tổ chức nhiều lớp tập huấn nâng cao năng lực quản lý cho các cơ sở công nghiệp nông thôn, góp phần chuyển giao những kỹ thuật mới, du nhập nghề mới, sản phẩm mới… tạo điều kiện giải quyết việc làm cho lao động nông thôn và từng bước đa dạng hóa các sản phẩm TTCN.

 

Đánh giá về người lao động tham gia các lớp đào tạo, ông Hồ Nam Yên cho biết: “Học viên rất cần cù, chịu khó, khéo léo khi tiếp cận nghề mới. Tuy nhiên bà con chưa nhanh nhạy trong việc tìm kiếm, nắm bắt, phân tích thông tin thị trường, còn gặp nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Nguyên nhân là do người học chưa thực sự xem các nghề được đào tạo là nghề chính nên không chuyên tâm sản xuất. Sau khi học được nghề, bà con không đủ vốn để trực tiếp sản xuất mà chủ yếu tập trung vào gia công sản phẩm cho các cơ sở liên kết đào tạo nên thu nhập không đáng kể, chỉ từ 25.000-30.000 đồng/ngày. Thêm vào đó, nguồn nguyên liệu tại chỗ như mây, tre, cọng lá dừa… tuy có nhiều tại địa phương nhưng không được xử lý đúng tiêu chuẩn nên ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất”.

 

Trong năm 2011, Phòng Kinh tế TX Sông Cầu tổ chức một lớp dạy nghề chế biến thủy hải sản khô, tẩm sấy cho khoảng 20 học viên tại phường Xuân Đài, các học viên được hỗ trợ 100% học phí. Trong tương lai, Sông Cầu vẫn cố gắng duy trì hoạt động đào tạo nghề hiện có tại địa phương như: chế biến hải sản khô, nước mắm, các sản phẩm từ dừa… nhằm phát huy nội lực, đồng thời tiến tới đầu tư, nhân rộng, tạo công ăn việc làm ổn định cho người dân.

 

LÊ NGUYỄN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek