Việc Bộ Tài chính đề xuất các giải pháp hỗ trợ đối tượng nộp thuế được giới chuyên gia đánh giá cao vì sẽ giúp người dân, nhà đầu tư, doanh nghiệp vượt qua khó khăn hiện nay. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, việc miễn, giảm là hợp lý nhưng phải chọn lọc.
NĂM 2011: MIỄN, GIẢM THUẾ 6.500 TỈ ĐỒNG
Trong văn bản chính thức trình Thủ tướng để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 1 Quốc hội khóa XIII, Bộ Tài chính cho biết, cần mở rộng diện gia hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) trong 1 năm đối với số TNDN phải nộp năm 2011 tính trên phần thu nhập từ các hoạt động sản xuất, gia công, chế biến nông, lâm, thủy hải sản, dệt may, da giày, linh kiện điện tử, xây dựng các công trình hạ tầng kinh tế xã hội… và một số ngành nghề sản xuất kinh doanh quan trọng theo quy định của Thủ tướng với các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động (từ trên 300 lao động). Bộ Tài chính cũng kiến nghị giảm 30% số thuế TNDN phải nộp năm 2011 đối với những doanh nghiệp thuộc đối tượng được giãn nộp thuế TNDN năm 2011.
Cũng theo đề xuất của Bộ Tài chính, cần có chính sách giảm 50% mức thuế khoán (thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân) từ quý 3 đến hết năm 2011 đối với các cá nhân, hộ kinh doanh nhà trọ, phòng trọ cho thuê đối với công nhân, sinh viên, học sinh; hộ, cá nhân chăm sóc trông giữ trẻ; hộ, cá nhân cung ứng suất ăn ca cho công nhân với điều kiện hộ, cá nhân này giữ ổn định mức giá cho thuê, giá trông giữ trẻ và giá cung ứng suất ăn ca như cuối năm 2010.
Bộ Tài chính cũng đề xuất miễn thuế từ ngày 1/8 đến hết ngày 31/12/2012 đối với cổ tức được chia (trừ cổ tức của các ngân hàng cổ phần, các quỹ đầu tư tài chính, các tổ chức tín dụng) từ hoạt động đầu tư vào thị trường chứng khoán của cá nhân; thu nhập từ hoạt động chuyển nhượng chứng khoán của cá nhân (không thu thuế 20% trên thu nhập hoặc 0,1% trên tổng giá trị chuyển nhượng).
Bên cạnh đó là miễn thuế TNCN từ ngày 1/8 đến hết ngày 31/12 đối với cá nhân có thu nhập tính thuế từ tiền lương, tiền công và từ kinh doanh đến mức phải chịu thuế thu nhập cá nhân ở bậc 1 của biểu thuế lũy tiến từng phần quy định tại Luật Thuế TNCN.
CẦN THIẾT CHO DOANH NGHIỆP
Theo bà Đỗ Thị Thìn, Tổng Thư ký Hội Tư vấn thuế (nguyên Trưởng ban Thuế TNCN, Tổng cục Thuế), các đề xuất trên của Bộ Tài chính cơ bản là hợp lý nhằm giúp doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn. Riêng vấn đề miễn thuế TNCN đối với cá nhân có thu nhập tính thuế từ tiền lương, tiền công và từ kinh doanh đến mức phải chịu thuế thu nhập cá nhân ở bậc 1 là không cần thiết, bởi những người có thu nhập phải chịu thuế sau chiết trừ gia cảnh là rất thấp và hiện đối tượng nộp thuế nhiều chủ yếu là người nước ngoài.
Trong khi đó, đối với người có thu nhập đến 10 triệu đồng/tháng và nuôi 2 người phụ thuộc thì cũng chỉ nộp thuế hơn 100.000 đồng. Trong khi đó, khi xây dựng Luật Thuế TNCN thì mục đích về nguồn thu là không lớn và cũng để người dân làm quen trong việc nộp thuế. Thực tế thời gian thực hiện vừa qua cũng cho thấy mục tiêu này phần nào đạt được.
Về vấn đề miễn, giảm thuế TNCN với nhà đầu tư, bà Thìn cho rằng cũng hợp lý bởi thực chất cổ tức là khoản chia từ lợi nhuận sau thuế, còn miễn thuế TNCN từ hoạt động chuyển nhượng chứng khoán sẽ hỗ trợ một phần cho nhà đầu tư, góp phần ổn định thị trường chứng khoán, huy động vốn cho đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh.
Ủng hộ quan điểm giãn, giảm trừ thuế TNDN cho doanh nghiệp, một lãnh đạo của Ủy ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội cho rằng điều đó sẽ giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn hiện nay đồng thời tạo công ăn việc làm cho người lao động. “Đó mới chính là việc quan trọng nhất hiện nay”.
Theo SGGP