Thứ Sáu, 04/10/2024 04:31 SA
Doanh nghiệp sản xuất gặp khó khăn
Thứ Bảy, 11/06/2011 07:30 SA

Lạm phát tăng, lãi suất tín dụng cao đang thách thức sự tồn tại, phát triển không ít doanh nghiệp sản xuất. Ðể vượt qua khó khăn, doanh nghiệp cần có sự hỗ trợ kịp thời, cụ thể hơn nữa của Nhà nước.

 

go-TT110611.gif

Công ty cổ phần Công nghiệp gỗ Trường Thành duy trì sản xuất, bảo đảm việc làm cho người lao động, vượt qua khó khăn trước mắt - Ảnh: T.TRƯỜNG

 

LÃI SUẤT CAO, DOANH NGHIỆP THÊM KHÓ

 

Công ty TNHH Bá Hải là doanh nghiệp chuyên chế biến hàng thủy sản xuất khẩu lớn của tỉnh, doanh thu hàng năm 12-15 triệu USD. Trước đây, công ty sản xuất nhiều mặt hàng nhưng từ đầu tháng 5/2011 trở lại đây chỉ còn tập trung vào 3 sản phẩm là ghẹ lột, tôm và cá file. Phó Giám đốc Lê Hải Đăng cho biết: “Lạm phát trong nước gia tăng, làm giá nguyên nhiên liệu đầu vào tăng cao, nhiều mặt hàng sản xuất không có lãi buộc công ty phải tính toán hiệu quả kinh tế của từng mặt hàng. Vì vậy, công ty chỉ tập trung sản xuất những sản phẩm có lợi thế cạnh tranh để có khối lượng lớn xuất khẩu, thu hồi vốn nhanh. Lợi nhuận của công ty trong những tháng đầu năm nay giảm gần một nửa so với năm trước, chỉ còn khoảng 2-3% doanh thu. Do trực tiếp xuất khẩu thu ngoại tệ nên công ty được vay USD với lãi suất 5-7%/năm, nhờ đó mà sản xuất kinh doanh còn có lãi, nếu vay VND với lãi suất 18-20% thì công ty khó huề vốn thậm chí còn bị lỗ”.

 

Công ty cổ phần Công nghiệp gỗ Trường Thành sản xuất hàng gỗ xuất khẩu cũng đang trong tình cảnh khó khăn do áp lực lãi suất tín dụng ngân hàng quá cao. Tổng Giám đốc Lê Đình Thự giải thích: Đặc điểm của ngành gỗ có chu kỳ từ khi sản xuất đến khi bán hàng ra nước ngoài thu hồi được vốn phải mất 5-6 tháng nên đòi hỏi vốn lưu động rất lớn, thường gấp 4 lần so với vốn đầu tư nhà máy. Mặt khác, nguồn gỗ nguyên liệu trong nước chỉ có vào mùa khai thác tập trung 4-5 tháng mùa nắng, muốn đủ nguyên liệu sản xuất cả năm, doanh nghiệp không cách nào khác phải vay vốn để mua dự trữ. Một nhà máy có công suất sản xuất 25 container thì mỗi năm cần 10.000m3 gỗ trị giá 50 tỉ đồng, nếu vay vốn ngân hàng thì phải trả lãi vay 1 tỉ đồng/tháng. Lợi nhuận của doanh nghiệp sản xuất gỗ xuất khẩu thông thường 3-5% doanh thu; nếu doanh nghiệp dựa vào vốn vay, thì lợi nhuận làm ra chỉ đủ trả lãi vay ngân hàng. Ông Thự cho biết thêm: “Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vay vốn từ các ngân hàng nước ngoài chỉ với lãi suất 2%/năm, còn doanh nghiệp nước ta vay vốn đã khó khăn lại chịu lãi suất gấp 10 lần thì làm sao cạnh tranh được, nếu tình trạng này kéo dài thì sẽ có nguy cơ phá sản. Thực tế ở Bình Định đã có nhiều doanh nghiệp gỗ ngừng hoạt động, kêu bán nhà máy”.

 

Lãi suất cao và khó tiếp cận nguồn vốn đã, đang là rào cản đối với doanh nghiệp. Không chỉ khó khăn về vốn, các doanh nghiệp còn phải lo “ứng phó” với lạm phát. Theo các doanh nghiệp sản xuất, do tăng giá điện, xăng dầu, lương cơ bản mà các sản phẩm sản xuất trong thời gian này phải gánh chi phí “đầu vào” thêm khoảng 20% nhưng giá bán tăng không tương xứng mà tiêu thụ cũng không dễ dàng do người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu trong bối cảnh lạm phát cao. Thực trạng này đã làm cho không ít doanh nghiệp thu hẹp sản xuất. Giám đốc một doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng cho biết: Trong tình cảnh khó khăn như hiện nay, hoạt động của công ty chủ yếu duy trì sản xuất để tạo việc làm cho người lao động, chờ khi kinh tế phục hồi mới tính đến việc vay vốn đầu tư mở rộng sản xuất.

 

CẦN THÊM SỰ HỖ TRỢ CỦA NHÀ NƯỚC

 

Thực tế hiện nay, do thực hiện chủ trương thắt chặt tín dụng dưới 20%, buộc các ngân hàng phải lựa chọn những doanh nghiệp có thể đáp ứng được điều kiện vay vốn. Ðể xoay xở trong hạn mức tín dụng như vậy, các ngân hàng phải đưa lãi suất lên cao hơn gây khó khăn cho khả năng tiếp cận của doanh nghiệp. Trong khi đó, theo cơ cấu nguồn vốn của hầu hết doanh nghiệp, vốn vay chiếm gần 60% tổng nguồn vốn. Mặt khác, với độ trễ của chính sách tiền tệ thường từ 4-5 tháng nên hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng nhiều hơn nữa trong những tháng tới mà lãi suất quá cao là vấn đề nan giải, nhất là đối với doanh nghiệp sản xuất kinh doanh phụ thuộc lớn vào nguồn vốn vay. Vì vậy, lãi suất quá cao khiến khả năng sinh lợi của các doanh nghiệp suy giảm, lợi nhuận không đủ bù đắp lãi vay, thậm chí thua lỗ có thể dẫn đến nguy cơ phá sản.

 

Trong khi chờ Nhà nước có những chính sách hỗ trợ để họ “trụ” được, bản thân các doanh nghiệp phải tìm cách tự cứu lấy mình để tồn tại. Tăng cường áp dụng các biện pháp quản lý, điều hành tiên tiến, điều chỉnh kế hoạch sản xuất, kinh doanh, rà soát lại các định mức lao động, kinh tế - kỹ thuật, vật tư, nhân công, tiết giảm tối đa chi phí, nhất là khu vực hành chính là giải pháp đang được các doanh nghiệp quan tâm thực hiện. Liên kết theo hướng cùng gánh vác trách nhiệm cũng được các doanh nghiệp cùng ngành ngân hàng thực hiện để vượt qua khó khăn.

 

Chia sẻ khó khăn cùng doanh nghiệp, từ nhiều tháng qua Chính phủ, các bộ, ngành trung ương đã có những chủ trương, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa như giãn thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp một năm; hỗ trợ đào tạo nghề, xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu, đưa hàng về nông thôn… Tuy nhiên, đối với các doanh nghiệp sản xuất khó khăn vẫn còn ở phía trước nên cần có sự hỗ trợ cụ thể, thiết thực hơn, nhất là đối với những doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu, sản phẩm có giá trị gia tăng từ nguyên liệu trong nước hoặc sử dụng nhiều lao động, đang góp phần thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội.

 

Còn nhớ thời kỳ khủng hoảng kinh tế thế giới những năm 2008-2009, lãi suất ngân hàng cũng ở mức cao, Chính phủ đã có chính sách hỗ trợ lãi suất vay giúp nhiều doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Vì vậy, các doanh nghiệp đều mong nuốn Nhà nước nên thực hiện chính sách đó trong tình hình hiện nay.

 

NGUYÊN TRƯỜNG

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Tuy An: Hơn 23ha dưa leo bị mất trắng
Thứ Sáu, 10/06/2011 13:00 CH
Sông Cầu: Xuất hiện sâu bệnh hại lúa
Thứ Sáu, 10/06/2011 11:00 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek