Thứ Tư, 02/10/2024 15:15 CH
Xã Xuân Lãnh (huyện Đồng Xuân)
Nhiều người bỏ mía đi tìm trầm
Thứ Bảy, 04/06/2011 18:00 CH

Hơn hai tháng nay, người trồng mía ở xã Xuân Lãnh (huyện Ðồng Xuân) phải chạy đôn chạy đáo khắp nơi nhưng vẫn khó tìm công thu hoạch mía do rất nhiều người rủ nhau đi tìm trầm. Ở nhiều diện tích, mía vẫn còn đứng trên ruộng, trong khi nhà máy đã gửi thông báo chuẩn bị ngừng thu.

 

mia-dx1110604.gif

Mía được thu hoạch xong ở xã Xuân Lãnh, chờ bốc lên xe đưa về nhà máy  - Ảnh: T.HưƠNG

 

RẦM RỘ ÐI TÌM TRẦM

 

Mấy tháng nay, thông tin người dân liên tục trúng trầm bạc tỉ đã thôi thúc nhiều người ở xã Xuân Lãnh “cơm dỡ cơm nắm” lên rừng cuốc đất tìm trầm mong đổi đời. Ông Phan Lê Sơn, một người dân ở thôn Lãnh Vân, cho biết: “Nghề đi trầm đã có từ lâu ở thôn chúng tôi nhưng chưa bao giờ rộ lên như lúc này. Trước đây, cả thôn chỉ có một nhóm thanh niên khoảng 9 người chuyên đi tìm trầm ở khu vực núi Đất. Từ ngày có người dân ở đây trúng trầm, cầm bạc triệu thì hầu hết lao động của xóm đều đi cuốc đất tìm trầm”. Phần đông lao động ở xã vùng núi này là lao động phổ thông, không có nghề nghiệp ổn định, chủ yếu làm nông và làm thuê. Anh Phan Văn Minh ở thôn Lãnh Cao nói: “Hai vợ chồng tôi không có đất đai, vốn liếng để làm ăn, thu nhập chủ yếu của cả nhà chỉ trông chờ vào đồng công ít ỏi từ nghề chặt mía thuê hay trồng rừng mướn. Khi thấy nhiều người trong thôn trúng trầm, tôi cũng theo họ lên rừng để tìm vận may, biết đâu…”

 

Hiện nghề đi tìm trầm không những có sức hút đối với dân lao động mà còn hấp dẫn nhiều đối tượng khác. Ông Trần Thanh Hậu, một phu trầm có thâm niên ở thôn Lãnh Cao, cho biết: “Năm nay có rất nhiều người tìm trầm mới tập tễnh vào nghề, trong số đó cũng có nhiều người là công nhân viên, học sinh tranh thủ thời gian nghỉ lễ, hè tham gia đi đào cùng chúng tôi để tìm cơ hội đổi đời”. Em N.V.L, học sinh Trường phổ thông cấp 2-3 Chu Văn An (xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân), cho biết: “Tranh thủ thời gian nghỉ hè, em theo các anh, các chú ở cùng xóm lên rừng để tìm trầm”. Việc đào trầm không phụ thuộc vào kinh nghiệm, học thức hay tuổi tác mà chủ yếu là nhờ may rủi và sự chịu khó nên ngày càng có nhiều người ôm mộng làm giàu, trong phút chốc đã quyết định đi “cuốc rừng cầu may”.

 

MÍA ÐỨNG RUỘNG

 

Xã Xuân Lãnh là một trong những vùng nguyên liệu mía do Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam đầu tư. Niên vụ 2010-2011, năng suất khoảng 45.000 tấn mía. Theo UBND xã Xuân Lãnh, đến thời điểm này, nhà máy đã mua mía của địa phương gần 38.000 tấn, hiện tại vẫn còn gần 7.000 tấn mía chưa được thu hoạch, chưa kể nhiều diện tích mía của bà con tự trồng mà không nhận đầu tư từ nhà máy.

 

Ông Huỳnh Thanh Son ở thôn Lãnh Vân cho biết: “Vụ này gia đình tôi ước có khoảng 6.000 tấn mía, nhưng hiện nay chỉ mới thu hoạch được hơn 3.000 tấn, còn gần nửa diện tích mía trên đồng. Nguyên nhân chủ yếu là hai tháng nay, những người trước đây chuyên chặt mía và bốc lên xe ồ ạt rủ nhau lên núi cuốc trầm bì”. Để giải quyết nhu cầu lao động, các hộ dân còn mía nhờ lao động từ những hộ đã thu hoạch xong sang trợ giúp. Nhưng từ lúc có những cơn mưa tiểu mãn, các gia đình phải trở về gieo trồng vụ mía mới nên tình trạng thiếu hụt lao động trở nên trầm trọng hơn.

 

Để níu chân số nhân công đi đào trầm, hiện nhiều nông dân đã tăng giá lao động từ 40.000-50.000 đồng/tấn mía cây, tương đương với 200.000 đồng/ngày công. Việc tăng giá tuy có chuyển biến trong việc tìm người nhưng số người ở lại làm mía không nhiều, nông dân vẫn vất vả tìm công thu hoạch mía cho kịp lịch mua của nhà máy. Ông Lê Duy Bích ở Xuân Lãnh than vãn: “Không chỉ mía đứng trên ruộng phải chịu phơi khô mà khi đã được đốn rồi, nếu không tìm đủ công để bốc lên xe, mía cũng sẽ phải tiếp tục nằm phơi trên đường, lượng hao hụt rất đáng kể”.

 

Ngoài khó khăn về việc thiếu nhân công trong vụ thu hoạch, nông dân còn sợ trễ lịch nhập từ phía Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam. Khi nhiều diện tích mía của người dân không biết tìm đâu ra đủ công lao động để thu hoạch thì nhà máy đã có văn bản thông báo lịch ngừng thu, dừng máy ép… Ông Võ Trọng Nam, Chủ tịch UBND xã Xuân Lãnh, thừa nhận: “Địa phương đang có tình trạng dân đổ xô đi tìm trầm nhưng chưa có con số thống kê cụ thể. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc thiếu lao động của vụ thu hoạch mía năm nay. Chúng tôi sẽ căn cứ tình hình thực tế và nhu cầu hợp lý, chính đáng của người dân để làm việc với nhà máy đường, yêu cầu họ giãn thời gian nhập mía, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân thu hoạch hết sản lượng còn lại để tránh thất thoát, giúp nông dân an tâm trồng vụ mía mới”.

 

 

HƯƠNG HIẾU

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek