Trong khi người gửi tiền có nhiều cơ hội lựa chọn ngân hàng để hưởng lãi suất cao, thì người vay lại “vàng mắt” khi có ngân hàng “hét” lãi suất cho vay đến 20%/năm.
Khách hàng làm thủ tục gửi tiền tiết kiệm tại một ngân hàng ở P Tuy Hòa. - Ảnh: N.QUANG
Mặc dù các ngân hàng như: Đầu tư - Phát triển (BIDV), Công thương (Vietinbank), NN - PTNT (Agribank)… đã tăng lãi suất tiết kiệm đối với VND kỳ hạn 1 đến 12 tháng đến 14%/năm, lãnh lãi cuối kỳ, nhưng nhiều khách hàng vẫn không muốn “ngó” đến, vì cho rằng mức lãi suất này không hấp dẫn lắm. Ông Nguyễn Tấn Hưng ở phường 1 (TP Tuy Hòa) cho biết, có một ngân hàng khác chấp nhận trả mức lãi suất 14%/năm và cộng thêm một khoản lãi suất thưởng nữa. Vì vậy, tôi phải rút tiền gửi ở ngân hàng này để gửi ở ngân hàng khác.
Không chỉ ông Hưng, thời gian qua có nhiều khách hàng ở Phú Yên đã phá bỏ hợp đồng gửi tiết kiệm tại một số ngân hàng để sang gửi ngân hàng khác. Đại diện Agribank tại Phú Yên cho biết, mặc dù đã áp dụng lãi suất huy động VND kịch trần 14%/năm, nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn trong huy động vốn và giữ khách hàng của mình do có nhiều khách hàng gửi tiền “hăm” rút tiền đi gửi ngân hàng khác. Nếu cứ chạy đua theo đà này thì người gửi tiền cứ rút tiền và người vay cũng không dám vay nữa vì lãi suất cứ leo thang.
Không riêng gì những khách hàng gửi tiền cá nhân, nhiều doanh nghiệp có tiền nhàn rỗi tạm thời gửi tại các ngân hàng cũng bắt đầu “trả treo”, làm giá lãi suất. Ông Lê Minh Phùng, nhà đầu tư chứng khoán ở phường 9 (TP Tuy Hòa) vừa rút gần 1 tỉ đồng từ một ngân hàng từng hỗ trợ ông khi đầu tư chứng khoán, để chuyển sang ngân hàng khác với mức lãi suất thỏa thuận lên tới 14%/năm, có thưởng lãi suất và khuyến mãi. Ông Phùng cho biết không riêng gì tôi, nhiều nhà đầu tư chứng khoán đã bán tháo cổ phiếu để tránh nợ nần và chuyển sang gửi tiền ngân hàng có lãi suất cao.
Ông Nguyễn Ngọc Khố, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tại Phú Yên cho biết, hiện tổng nguồn vốn huy động tại địa phương của các ngân hàng trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 5.200 tỉ đồng, tăng 130 tỉ đồng so với đầu năm. Nguồn vốn này chỉ đáp ứng 65% nhu cầu vay tại địa phương.
Một khi lãi suất đầu vào tăng cao, thì lãi suất đầu ra cũng “leo thang” theo, khiến cho không ít doanh nghiệp không dám “gõ cửa” vay vốn tại các ngân hàng. Trường hợp của ông Trần Ngọc Thành chủ một doanh nghiệp kinh doanh vật liệu xây dụng ở huyện Đông Hòa là một ví dụ. Ông Thành cho biết, theo hợp đồng đã ký với khoản vay 500 tỉ đồng, lãi suất 18%/năm, đã được giải ngân một nửa, vừa rồi ông đến ngân hàng để nhận tiếp số tiền còn lại như đã thỏa thuận trong hợp đồng. Tuy nhiên, nhân viên tín dụng của ngân hàng này cho biết khoản vay còn lại của ông không được giải ngân vì lãi suất trên thị trường đã tăng. Muốn được giải ngân tiếp thì phải chấp nhận lãi suất lên tới 22%/năm, thay vì 18%/năm như đã thỏa thuận. “Với mức lãi suất này thà tôi “ngồi chơi xơi nước” còn hơn”, ông Thành bức xúc nói.
Theo những người làm ngân hàng ở Phú Yên, tính thanh khoản của các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh khá tốt, không đến nỗi “đói vốn”, nhưng vẫn đồng loạt áp dụng lãi suất huy động VND ở mức 14%/năm để “hút” vốn nhàn rỗi từ các thành phần kinh tế về mình, vì ảnh hưởng từ cuộc đua lãi suất huy động toàn hệ thống của mỗi ngân hàng, buộc các chi nhánh nhỏ ở các tỉnh phải chạy theo. Hiện tỉ lệ vốn đầu tư vào các lĩnh vực phi sản xuất, nhất là bất động sản và chứng khoán của các ngân hàng trên địa bàn Phú Yên rất nhỏ so với tổng dư nợ trên 8.700 tỉ đồng, không ảnh hưởng nhiều đến kế hoạch hướng “dòng” vốn vào các lĩnh vực sản xuất. Tuy nhiên, nếu tính tổng thể nguồn vốn đầu tư trong toàn hệ thống của từng ngân hàng thì nguồn vốn đầu tư trung - dài hạn vào các lĩnh vực phi sản xuất trước đó là rất lớn và đến nay vẫn chưa đến kỳ đáo hạn, khiến một số ngân hàng “đói” vốn tạm thời. Điều này có thể lý giải vì sao ngân hàng đua nhau huy động vốn VND. Nếu Ngân hàng Nhà nước Việt
NGUYỄN QUANG