Những cơn mưa rào đầu mùa ở huyện miền núi Sông Hinh trong những ngày qua đã giúp hàng ngàn hécta cây trồng được “giải khát”. Nông dân Sông Hinh phấn khởi, hy vọng mùa màng bội thu.
Nông dân xã Sơn Giang (huyện Sông Hinh) tranh thủ bón phân cho mía sau những cơn mưa rào. - Ảnh: V.THÙY
Hơn hai tháng qua, thời tiết ở huyện miền núi Sông Hinh nắng nóng kéo dài, tình trạng khô hạn xảy ra gay gắt. Ông Nguyễn Văn Quân ở thị trấn Hai Riêng trồng hơn 1ha mía nhưng cả một thời gian dài không có mưa nên cây phát triển rất chậm. Lo ngại hạn hán kéo dài như năm trước, ông Quân thuê máy bơm, mua dầu… để chuẩn bị bơm nước tưới cho rẫy mía nhà mình. Những cơn mưa đầu mùa đã đến sớm, giúp ông Quân giảm được một khoản chi phí không nhỏ. Ông nói: “Bây giờ xăng dầu đắt đỏ, mỗi lần tưới nước cũng phải mất vài triệu đồng, chưa kể công cán. Trong khi đó, giữa lúc nắng hạn mà gặp mưa, thời tiết mát mẻ, cây trồng phát triển mạnh không thua gì một lần bón phân. Nếu tính giá trị một lần bón phân và tiền mua dầu chạy máy thì phải tốn khoảng 4 triệu đồng”. Không riêng cây mía, người trồng sắn cũng vui mừng không kém. Ông Đỗ Văn Thành ở khu phố 6, thị trấn Hai Riêng trồng hơn 2ha sắn được 2 tháng tại khu vực buôn Chung, xã Ea Bar cũng trong tình trạng khô hạn. Ông Thành cho hay: “Chuẩn bị hơn 5 tạ phân vô cơ để bón thúc từ nhiều ngày trước, nhưng đợi mãi không có mưa nên tôi rất sốt ruột, lo ngại quá thời điểm bón phân, cây sắn sẽ chậm phát triển. Đợt mưa này giúp tôi bón phân cho cây thuận lợi”.
Tổng diện tích gieo trồng toàn huyện Sông Hinh niên vụ 2010-2011 là 9.800ha, tăng 21,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, lúa 1.244ha, sắn 5.108ha, mía 2.743ha, mè 206ha, dưa lấy hạt 97ha… Theo thống kê sơ bộ, toàn huyện đã thu hoạch hơn 5.000ha sắn, hơn 1.000ha mía, với giá mua từ 2.000-2.500 đồng/kg sắn tươi, trừ hết chi phí người nông dân có lãi trung bình từ 18-20 triệu đồng/ha.
Những cơn mưa đầu mùa ở huyện Sông Hinh trong tuần qua đã làm cho hàng trăm hécta sắn, mía phát triển tốt, nhiều nông dân tiếp tục xuống giống để kịp thời vụ. Theo ông Nguyễn Văn Tân ở khu phố 4, thị trấn Hai Riêng, những cơn mưa rào liên tiếp, kéo dài cả tuần, nước đã ngấm sâu vào lòng đất, tạo độ ẩm tối đa cho cây trồng phát triển. Gia đình ông Tân có gần 10ha đất phơi nắng cả tháng trời, trong khi sắn giống để ở nhà khô héo, không xuống giống được. Ông lên phương án sẽ không thu hoạch khoảng 2ha sắn đã hơn 12 tháng, để giữ giống nếu sắn giống ở nhà bị khô. Ông Tân phấn khởi: “Gặp mưa lớn, 2ha sắn còn lại vừa dễ nhổ, vừa có giống tươi để trồng ngay, thuận lợi cả đôi đường…”. Đối với những người trồng cây công nghiệp dài ngày và rừng trồng, đây có thể coi là cơn mưa vàng “giải khát” cho tình trạng hạn hán đang diễn ra trên diện rộng, hạn chế tình trạng cháy rừng có thể xảy ra. Mưa trong nhiều ngày qua đã “tắm mát” cho hơn 500ha cà phê, hơn 2.000ha cao su, gần 10ha tiêu, ca cao… Ông Lê Văn Vinh, Trưởng thôn Chư Blôi, xã Ea Bar, cho biết: “Bà con trồng cà phê rất phấn khởi, coi đây là cơn mưa vàng. Nếu không có đợt mưa này thì chúng tôi phải chi phí 2-3 triệu đồng để bơm nước tưới cho mỗi hécta cà phê”.
Ông Nguyễn Khắc Sự, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Sông Hinh, cho hay: “Trong niên vụ vừa qua, hai loại cây trồng chủ lực là sắn và mía đã mang lại lợi nhuận cao cho bà con. Giá mua mía nguyên liệu khoảng 900.000 đồng/tấn, người trồng mía có lãi trung bình 22 triệu đồng/ha. Đây là mức lợi nhuận cao nhất từ trước đến nay nên đa số diện tích sản xuất được trồng lại ngay sau khi thu hoạch, nông dân càng phấn khởi hơn khi xuất hiện những cơn mưa đầu vụ. Thời tiết thuận lợi, các loại cây trồng đang sinh trưởng, phát triển tốt, hứa hẹn một mùa bội thu cho nông dân huyện Sông Hinh”.
Gặp mưa lớn trong khi đang hạn, bà con nông dân huyện Sông Hinh rất phấn khởi, tập trung ra đồng chăm sóc các loại cây trồng. Mưa đầu mùa thường kèm theo những cơn dông, mưa kéo dài vài tiếng đồng hồ, liên tiếp trong nhiều ngày và thường vào buổi chiều nên từ lâu người nông dân ở đây gọi là “mưa chín chiều”. Mưa chín chiều năm nay đến sớm hơn mọi năm đã đáp ứng được nước tưới và nước sinh hoạt đang thiếu vì nắng hạn ở một số xã vùng cao. Ông Trần Thanh Định, Phó Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh nói: “Đợt mưa vừa qua đã mang lại giá trị lớn về mặt kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi cho các loại cây trồng phát triển sau một thời gian dài bị hạn hán. Tuy nhiên, mưa đầu mùa thường kèm lốc xoáy, sấm sét nên bà con nông dân khi làm đồng cần chủ động để phòng tránh tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra”.
VĂN THÙY