Những ngày này, nông dân huyện Tuy An hối hả thu hoạch bông vải. Năm nay, giá bông trên thị trường tăng gấp đôi so với năm ngoái nên người dân rất phấn khởi.
Nông dân tập kết bông đến địa điểm thu mua - Ảnh: L.HẢO
Vụ bông năm nay, toàn huyện Tuy An có 189ha bông vải, tăng 22ha so với cùng kỳ, tập trung ở 3 xã An Hòa, An Hiệp, An Mỹ. Ông Lê Hoàng, Trưởng Trạm Bông Phú Yên (Công ty cổ phần Bông Việt Nam - Chi nhánh Nha Trang), cho biết: “Vào đầu vụ, trạm đã đầu tư hơn 800 triệu đồng hỗ trợ tiền giống, phân bón nhằm giúp bà con yên tâm sản xuất. Đồng thời, chúng tôi còn trả lương cho cộng tác viên, cán bộ khuyến nông địa phương để tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật canh tác cho nông dân… Tuy nhiên, từ đầu năm 2011 đến nay, thời tiết diễn biến không thuận lợi đã ảnh hưởng đến sự phát triển của cây bông”. Bà Nguyễn Thị Anh ở thôn Phong Phú (xã An Hiệp) nói: “Năm nay, bông ra hoa nhiều nhưng gặp mưa lớn nên đậu trái rất ít, chủ yếu tập trung ở những cành dưới, nhưng bù lại trái bông to, thu hoạch dễ dàng”.
Ông Cao Văn Tiên, chuyên viên Phòng NN-PTNT huyện Tuy An: Hằng năm, Việt
Hiện Trạm Bông Phú Yên đang mua bông vải hạt vụ khô của nông dân với giá 20.500 đồng/kg. Ông Lê Hoàng nói: “Tuy sản lượng bông năm nay thấp, nhưng do nhu cầu tơ sợi cho ngành dệt vẫn tiếp tục ở mức cao nên vẫn “hút hàng”, đẩy giá bông tăng gấp đôi so với năm ngoái. Chúng tôi cũng đã nâng giá mua thêm 4.500 đồng/kg so với mức giá đã ký trong hợp đồng bao tiêu sản phẩm từ đầu vụ để cạnh tranh với thương lái”. Với mức giá như hiện nay, nông dân trồng bông lãi 25-30 triệu đồng/ha. Ông Nguyễn Tấn Chương ở thôn Phong Phú (xã An Hiệp) hồ hởi khoe: “Năm ngoái, nhà tôi trồng 6 sào bông (3.000m2), dự kiến thu được trên 600kg, trừ chi phí đầu tư còn lời khoảng 9 triệu đồng. Năm nay, năng suất có giảm hơn vụ trước nhưng nhờ giá tăng gấp đôi nên chúng tôi rất phấn khởi. Trong tất cả các loại cây trồng mà tôi từng canh tác như lúa, bắp, đậu xanh…, cây bông vải mang lại lợi ích kinh tế cao nhất”. Theo ông Chương, mặc dù thương lái mua với giá nhỉnh hơn, nhưng người dân vẫn muốn bán cho công ty bông vì công ty hỗ trợ giống, phân bón, thuốc trừ sâu, lại mua ổn định. Việc bán sản phẩm cho bên ngoài còn bấp bênh nên người dân ngại.
Phó Chủ tịch UBND xã An Hòa Huỳnh Văn Phúc cho biết: “Năm nay, nông dân xã An Hòa trồng khoảng 120ha bông, tăng 20% so với năm 2010. Nhận thấy đây là loại cây trồng thích hợp với tình hình canh tác tại địa phương nên chúng tôi khuyến khích bà con mở rộng diện tích sản xuất, xác định cây bông là cây trồng chủ lực”. Bên cạnh đó, địa phương đã kết hợp với Công ty TNHH một thành viên Thủy nông Đồng Cam tiến hành đầu tư, nạo vét kênh Phú Quang và mở rộng hệ thống kênh mương nội vùng để điều tiết thủy lợi, góp phần giúp bà con chủ động nước tưới trong những vụ mùa sắp tới.
Ông Nguyễn Vũ Hành, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Tuy An, cho hay: “Sắp tới, huyện sẽ tập trung mở rộng diện tích trồng và nâng cao năng suất thu hoạch bông ở những địa phương canh tác lúa không hiệu quả; đồng thời liên kết với Trạm Bông Phú Yên tiếp tục mở các lớp tập huấn kỹ thuật trồng bông cho bà con nông dân. Về vấn đề thương lái cạnh tranh mua bông không lành mạnh, chúng tôi đã gửi văn bản chỉ đạo đến các xã vận động bà con làm đúng nghĩa vụ ký trong hợp đồng kinh tế”.
VIỆT AN