Thứ Tư, 02/10/2024 17:24 CH
Trồng ca cao dưới tán rừng
Thứ Ba, 17/05/2011 14:00 CH

Với đặc tính ưa râm mát, không cạnh tranh nhiều về đất với các loài cây trồng khác, cây ca cao đang mở ra triển vọng lớn cho các hộ gia đình ở huyện Sông Hinh. Mô hình trồng ca cao còn góp phần tạo công ăn việc làm, phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa.

 

ca-cao110517.jpg

Vườn ca cao hơn 2 năm tuổi của ông Phan Văn Bàn ở thôn Yên Sơn, xã Sông Hinh đã ra trái. - Ảnh: N.CƯỜNG

 

Năm 2009, ông Khổng Văn Quân ở thôn Yên Sơn (xã Sông Hinh, huyện Sông Hinh) trồng hơn 100 cây ca cao trên hai sào đất vườn gần nhà. Được chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, hơn hai năm sau, ca cao đã ra hoa, kết trái. Ông Quân phải ngắt bớt hoa, chỉ để lại một ít lấy quả vì vườn ca cao chưa đến tuổi khai thác. Ông cho biết: “Từ khi trồng đến nay, cây ca cao vườn nhà không hề mắc bệnh gì. Tuy nhiên, khâu chăm sóc rất quan trọng, phải đảm bảo độ ẩm gốc cây, trồng xen với các cây khác để giảm bớt ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp…”. Theo ông Quân, trên địa bàn xã Sông Hinh hiện có nhiều cây ca cao còn sót lại từ thời thành lập nông trường cà phê Buôn Kít. Số cây này không tốn công chăm sóc nhưng mỗi vụ cho hàng chục kilôgam quả trên một cây.

 

Từ những kết quả ban đầu, cuối năm 2010, huyện Sông Hinh đã triển khai dự án đầu tư liên doanh, liên kết trồng rừng kinh tế kết hợp trồng cây công nghiệp dài ngày (ca cao) với các hộ gia đình. Dự án này do Công ty TNHH Đại Hoàng Nguyên làm chủ đầu tư, thực hiện tại hai xã Sông Hinh và Ea Trol. Khởi đầu của dự án là việc trồng 15ha ca cao của hộ ông Ni Ê Y Nã ở thôn 3 (xã Sông Hinh). Cây ca cao được trồng xen dưới tán cây rừng thưa, luống phát theo hàng, hàng cách hàng 4m, đường kính hố trồng 60cm, cây cách cây 3m. Các dây leo, bụi rậm, cây có đường kính nhỏ dưới 10cm được chặt bỏ, chỉ để lại những cây lấy gỗ. Sau 3 tháng trồng, cây ca cao đã bám rễ, phát triển đều, đạt độ cao 40-50cm. Ông Y Nã chia sẻ: “Cây ca cao trồng xen tỉ lệ sống đạt cao, trong khi đó chi phí cho tưới nước chỉ bằng 1/6 so với trồng ngoài rẫy. Điều cần quan tâm là phải thường xuyên theo dõi, dọn dẹp sạch xung quanh gốc để tránh mối xâm nhập vì phần lớn cây ca cao chết là do mối xông gốc”.

 

Theo tính toán của dự án, năng suất dự kiến năm đầu thu bói (sau 4 năm trồng) trung bình đạt 1,5 tấn/ha, với giá bán hiện nay khoảng 50.000 đồng/kg thì phần của các hộ dân là gần 19 triệu đồng/ha. Cộng với công chăm sóc vườn cây, công thu hái sản phẩm, sơ chế sản phẩm ủ lên men, phơi khô…, tổng thu nhập của hộ gia đình tham gia dự án lên đến hơn 37 triệu đồng/ha/năm. Ông Phan Văn Bàn, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Sông Hinh, người tham gia trồng gần 2 sào ca cao đã cho thu hoạch, nói: “Cây ca cao sinh trưởng, phát triển ổn định, phù hợp với khí hậu, đất đai ở Sông Hinh. Mong muốn chung của bà con là được đầu tư mở rộng, phát triển cây ca cao, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho gia đình”. Dự án trồng ca cao nói trên có hình thức đầu tư trực tiếp liên doanh, liên kết với các hộ gia đình có đất lâm nghiệp hợp pháp để trồng ca cao thông qua hợp đồng theo quy định của pháp luật. Các hộ gia đình được đầu tư cây giống, phân bón, kỹ thuật, vốn và được thanh toán tiền công lao động nếu được nhận làm công nhân của công ty. Sau khi thu hoạch, người dân được hưởng lợi 25% tổng sản lượng trên một đơn vị diện tích. Thời gian thực hiện dự án từ khi xây dựng đến hết chu kỳ khai thác là 40 năm.

 

Cây ca cao đang mở ra triển vọng phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, đồng thời đây cũng là bước đi đúng hướng, phù hợp trong việc chuyển đổi cơ cấu, đa dạng hóa cây trồng và góp phần nâng cao hiệu quả bảo vệ rừng sinh thái tự nhiên ở địa phương. Tuy nhiên, tiến độ triển khai dự án hiện nay chậm, và đang dừng lại ở 15ha trồng vườn mẫu do còn vướng khâu tư vấn, thiết kế quy hoạch đất.

 

Ông Đặng Đình Toại, Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh, cho biết: “Đây là dự án đầu tư có hiệu quả về mọi mặt và có tính khả thi cao. Địa phương đang khẩn trương thực hiện dự án nhưng điều cần lưu ý là cần phải thận trọng, chặt chẽ vì đất thực hiện dự án là khá lớn, khoảng 1.000ha. Bên cạnh đó, đa số đất rừng nghèo đã được giao khoán và có liên quan đến nhiều đối tượng sử dụng đất, nhiều loại đất. UBND huyện đang yêu cầu các ngành liên quan xúc tiến nhanh việc khảo sát thực địa, xác định rõ hiện trạng sử dụng đất, quy hoạch sử dụng đất của từng khu vực để làm cơ sở mở rộng diện tích cho cây ca cao”.

 

NGỌC CƯỜNG - VĂN THÙY

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
“Khát” lao động có tay nghề
Thứ Hai, 16/05/2011 14:00 CH
Nỗi lo mất an toàn giao thông
Thứ Hai, 16/05/2011 13:00 CH
Sản xuất lúa lai, hiệu quả thấy rõ
Thứ Hai, 16/05/2011 11:00 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek