Các doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu ở Phú Yên đang cần một lượng lao động lớn nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất. Tuy nhiên, việc tuyển dụng lao động có tay nghề gặp nhiều khó khăn.
Các doanh nghiệp chế biến thủy sản đang “khát” nguồn lao động lành nghề - Ảnh: AN BANG |
LAO ÐỘNG THIẾU VÀ YẾU
Phú Yên hiện có 7 doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu, riêng mặt hàng hải sản đông lạnh xuất khẩu đạt khoảng 7.000 tấn sản phẩm/năm. Tuy nhiên, đến năm 2010, các doanh nghiệp này chỉ chế biến khoảng 1.500 tấn sản phẩm, thu hút gần 2.000 lao động.
Ngành công nghiệp chế biến ở Phú Yên đang giải quyết việc làm cho nhiều lao động tại địa phương, góp phần nâng cao kim ngạch xuất khẩu. Riêng lĩnh vực chế biến thủy sản, các doanh nghiệp đang có nhiều lợi thế về một số mặt hàng chủ lực so với các địa phương khác trong khu vực, như ghẹ lột, cá ngừ đại dương, tôm… Tuy nhiên, các doanh nghiệp lại đang đối mặt với tình trạng thiếu lao động, kéo theo đó là khó khăn trong việc mở rộng quy mô sản xuất.
Theo ông Lê Văn Hồng, Chủ tịch HĐQT, kiêm Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Thủy sản Phú Yên (KCN Hòa Hiệp): “Sau khi mở rộng sản xuất, công ty gặp khó khăn trong việc tuyển dụng công nhân vào làm việc. Mặc dù công ty đã nhiều lần thông báo tuyển dụng, nhưng đến nay cũng mới tuyển được khoảng 200 công nhân, trong khi nhu cầu lên đến 1.000 người”. Ông Hồng cho biết thêm, dù tuyển được 200 công nhân, song chất lượng rất thấp. Khi vào làm việc tại công ty, số công nhân này phải học việc theo kiểu “cầm tay chỉ việc”, dẫn đến năng suất thấp. Mặt khác, hầu hết công nhân được tuyển dụng xuất phát từ nghề nông nên kỷ luật và độ chuyên nghiệp trong quá trình làm việc chưa cao, ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất.
Ông Lê Văn Thạch, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công – Xúc tiến thương mại tỉnh (Sở Công Thương Phú Yên) cho biết: Những khó khăn của Công ty TNHH một thành viên Thủy sản Phú Yên trong việc tuyển dụng lao động cũng là khó khăn chung mà các doanh nghiệp chế biến thủy sản trong tỉnh như: Công ty TNHH Nguyễn Hưng (TX Sông Cầu), Công ty TNHH Trang Thủy (TP Tuy Hòa)... đang gặp phải. Trong khi các doanh nghiệp đang rất cần lao động để đáp ứng nhu cầu sản xuất, giải quyết các đơn hàng đã ký kết với đối tác nước ngoài.
GỠ KHÓ CHO DOANH NGHIỆP
Theo đánh giá của ngành Công Thương Phú Yên, việc thiếu hụt lao động đang gây sự lãng phí lớn về thiết bị, nhà xưởng của các doanh nghiệp và các nguồn lực khác tại địa phương để chuyển dịch cơ cấu lao động công nghiệp của tỉnh. Trước những khó khăn chung của các doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu, năm 2011, từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia và sự đồng ý của lãnh đạo Sở Công Thương Phú Yên, Trung tâm Khuyến công – Xúc tiến thương mại tỉnh đã phối hợp các doanh nghiệp mở các lớp đào tạo nghề chế biến thủy sản cho khoảng 500 lao động tại huyện Đông Hòa, TX Sông Cầu và TP Tuy Hòa.
Lãnh đạo các doanh nghiệp cho biết, dù đề án không thể đáp ứng đủ nhu cầu đào tạo mà các doanh nghiệp cần, song điều này cho thấy sự quan tâm của Sở Công Thương Phú Yên đối với các doanh nghệp trong việc tạo nguồn lao động có tay nghề phục vụ việc mở rộng sản xuất. Học viên Trần Thị Sao làm việc tại tổ 6 của Công ty TNHH một thành viên Thủy sản Phú Yên bày tỏ: Lớp học này giúp tôi có được những kiến thức mới, phương pháp làm việc khoa học để nâng cao chất lượng sản phẩm. Bà Lê Thị Thu Hiếu, chuyên viên Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Đông Hòa, cho biết: “Đề án đã góp phần nâng cao tay nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, đồng thời giúp doanh nghiệp có đủ lực lượng lao động phục vụ nhu cầu sản xuất, qua đó giảm tỉ lệ lao động thất nghiệp địa phương”.
Đại diện Sở Công Thương Phú Yên cho biết, đề án Đào tạo nghề chế biến thủy sản cho lao động trên địa bàn tỉnh được gắn kết với nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp. Sau 2 tháng đào tạo, người lao động sẽ được các doanh nghiệp ký hợp đồng lao động với thu nhập ổn định. Về lâu dài, số lao động đã qua đào tạo sẽ là lực lượng nòng cốt phục vụ việc mở rộng sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp.
AN BANG