Thứ Sáu, 04/10/2024 08:35 SA
Phát triển bền vững vùng nguyên liệu mía đường
Bài 2: Chính sách đồng hành cùng nông dân
Thứ Ba, 26/04/2011 07:30 SA

Kinh doanh trong lĩnh vực mía đường đầy rủi ro, nhưng qua 10 năm hoạt động tại Phú Yên, Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam (KCP VIL) không ngừng phát triển, trở thành một doanh nghiệp FDI thành công trong lĩnh vực này. Thành công đó bắt nguồn từ chính sách đồng hành cùng nông dân đầu tư phát triển vùng nguyên liệu bền vững.

 

mia110426.jpg

Nhiều giống mía cao sản được Công ty cổ phần Mía đường KCP cung cấp cho nông dân để phát triển vùng nguyên liệu ổn định, tăng thu nhập cho người trồng mía. - Ảnh: N.TRƯỜNG

 

QUAN TÂM ÐẾN LỢI ÍCH CỦA NGƯỜI TRỒNG MÍA

 

Nhân khai trương vụ ép 2010-2011, KCP VIL đã tổng kết 10 năm, kể từ khi di dời nhà máy từ Thừa Thiên - Huế vào Phú Yên. Điều bất ngờ và lý thú tại buổi lễ là có 10 tập thể và 111 cá nhân được nhận những phần thưởng có giá trị như xe máy Wave RS, ti vi Samsung 32 inch, tủ lạnh Panasonic 153 lít do công ty trao tặng với tổng giá trị lên đến trên 1 tỉ đồng. Ông Đoàn Xuân Hiền ở xã An Xuân (huyện Tuy An) được nhận một chiếc tủ lạnh phấn khởi bảo: “Lần đầu tiên tôi thấy một doanh nghiệp “thưởng ra thưởng” có giá trị như KCP. Phần thưởng đó đã động viên nông dân chúng tôi gắn bó hơn với nhà máy”. Còn ông Tổng giám đốc R. Subbaiah giãi bày: “Khi đến Phú Yên, công ty như một nông dân trắng tay, nhưng được sự giúp đỡ của chính quyền các cấp và đồng cam cộng khổ của bà con nông dân mà công ty tồn tại và phát triển. Việc tặng thưởng đó là thể hiện sự tri ân của chúng tôi đối với bà con nông dân đã gắn bó, đồng hành cùng công ty trong 10 năm qua. Tập đoàn KCP chúng tôi có hơn 60 năm làm việc trong ngành công nghiệp mía đường nên hiểu rằng: không có người nông dân trồng mía thì không có nhà máy và công nghiệp mía đường. Củng cố quan hệ bền chặt với người trồng mía, vì lợi ích song phương, cả nhà máy và bà con trồng mía là mục tiêu của chúng tôi”.

 

Đứng chân trên vùng mía rộng lớn của huyện Sơn Hòa, cơ bản đủ nguyên liệu cho nhà máy có công suất 2.500 tấn/ngày hoạt động nhưng không vì thế mà công ty không quan tâm đầu tư xây dựng phát triển vùng nguyên liệu. Vượt qua những năm đầu khó khăn, đến niên vụ 2003-2004, công ty bắt đầu đầu tư trực tiếp cho nông dân và tăng dần từng năm. Tính ra, đến nay, công ty đã đầu tư 335 tỉ đồng cho nông dân phát triển cây mía. Nguồn vốn đó, một phần được công ty hỗ trợ địa phương nâng cấp hệ thống giao thông, thủy lợi, cải tạo đồng ruộng; phần còn lại công ty nhập các giống mía mới năng suất cao từ Thái Lan cung cấp cho nông dân thay thế các giống mía đã thoái hóa, đầu tư phân bón, trang bị máy móc, công chăm sóc để người trồng mía thực hiện các biện pháp thâm canh, tăng năng suất. Ông Lê Ngọc Dung ở thị trấn La Hai (huyện Đồng Xuân) có hơn 30ha mía, vụ này, ký hợp đồng bán cho KCP VIL 1.400 tấn mía, lãi không dưới 500 triệu đồng. Ông Dung cho biết: “Trước năm 2003, gia đình tôi chỉ trồng được 4ha mía, phần lớn diện tích còn lại trồng sắn; nhưng nhờ KCP ứng vốn mà gia đình tôi dần dần mở rộng diện tích trồng mía được nhiều như vậy”.

 

Nhờ tăng cường đầu tư, vùng nguyên liệu của công ty ngày càng ổn định và phát triển, tạo điều kiện cho công ty nâng cấp Nhà máy Đường Sơn Hòa lên 5.000 tấn/ngày và Nhà máy Đường Đồng Xuân lên 1.000 tấn/ngày. Riêng trong niên vụ 2009-2010, công ty đã đầu tư 130 tỉ đồng cho hơn 7.500 hộ trồng mía. Nhờ đó vùng nguyên liệu mía của công ty mở rộng thêm hơn 1.000ha lên 14.120ha; đồng thời năng suất mía trong vùng cũng tăng khoảng 20%, bảo đảm nguyên liệu cho 2 nhà máy có tổng công suất 6.000 tấn/ngày hoạt động có hiệu quả. Đến thời điểm này của vụ ép 2010 - 2011, công ty đã thu mua đưa vào chế biến 460.000 tấn sản xuất được hơn 36.000 tấn đường và dự kiến kết thúc vụ ép này vào cuối tháng 5, công ty sẽ chế biến 700.000 tấn mía nguyên liệu, tăng 190.000 tấn so với niên vụ vừa qua.

 

LUÔN CẢI TIẾN CHÍNH SÁCH ÐẦU TƯ

 

Vùng nguyên liệu mía của KCP VIL chiếm hơn 70% diện tích mía của tỉnh, nhưng năng suất giữa nhiều khu vực lại có sự chênh lệch khá xa. Theo thống kê của công ty, trong vùng có 1.385ha đạt năng suất trên 100 tấn/ha và có 2.925ha có năng suất từ 80-100 tấn/ha nhưng còn hơn 50% diện tích chưa đến 50 tấn/ha. Những diện tích có năng suất cao thuộc những nơi có nước tưới, được bà con thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật thâm canh. Để nâng cao độ đồng đều về năng suất trong vùng nguyên liệu, từ năm 2008, công ty còn có những chính sách khuyến khích như hỗ trợ không hoàn lại 1,5 triệu đồng/ha cho bà con nông dân chuyển đất lúa bấp bênh sang trồng mía, hỗ trợ 2 triệu đồng/ha trồng mía rải vụ vào tháng 5 và tháng 6, hỗ trợ 500.000 đồng/ha thay giống mía địa phương năng suất thấp bằng giống mía cao sản…

 

Mia-duong110426.jpg

Ảnh: M.NGUYỆT

 

Gần đây, trên cơ sở phân diện tích trồng mía theo 4 nhóm có năng suất khác nhau là dưới 50 tấn/ha, từ 50-80 tấn/ha, từ trên 80-100 tấn/ha và trên 100 tấn/ha, mà công ty ký hợp đồng kinh tế có chính sách đầu tư khác nhau, nhằm hướng đến mục tiêu đưa năng suất mía trong vùng nguyên liệu của công ty đạt bình quân 70 tấn/ha trong vài năm đến. Đối với những hộ trồng mía có năng suất cao và nhập mía liên tục trong suốt 4-5 năm qua và không vi phạm hợp đồng, công ty sẽ đơn giản hóa thủ tục đầu tư, hợp đồng được ký ổn định 3 năm. Đối với những diện tích mà năng suất mía còn thấp, công ty khuyến khích phá bỏ mía gốc, hỗ trợ thay giống mía mới, chú ý đầu tư thêm phân bón, thuốc diệt cỏ, diệt nấm và nếu nhập mía về nhà máy trên 45 tấn/ha thì công ty không tính lãi suất. Mức đầu tư 15-25 triệu đồng/ha đối với trồng mới và 7-16 triệu đồng/ha đối với mía lưu gốc. Tổng giám đốc R. Subbaiah cho biết, tổng vốn đầu tư cho nông dân phát triển cây mía vụ này là 180 tỉ đồng, tăng 50 tỉ so với vụ trước và đến thời điểm này đã đưa đến cho nông dân 36 tỉ đồng.

 

Mặt khác, nhằm giảm chi phí cho người trồng mía do tiền công lao động ngày càng tăng, từ vụ này, công ty còn có chính sách đầu tư không tính lãi cho nông dân mua máy móc thực hiện áp dụng cơ giới vào đồng ruộng. Đó là các loại máy bơm nước, cày chảo, dàn xới, dụng cụ đánh luống, trồng mía, phương tiện vận chuyển mía... Tùy theo loại phương tiện, nông dân nhận đầu tư sẽ trả dần trong 2-3 năm.

 

Tuy nhiên, điều làm công ty phân vân là trong vùng nguyên liệu được UBND tỉnh giao cho KCP VIL còn có nhà máy Rượu Vạn Phát, có một số nông dân vừa nhận đầu tư của KCP VIL lại nhận đầu tư của Rượu Vạn Phát nên có thể sẽ xảy ra tranh chấp nguyên liệu giữa 2 doanh nghiệp…

 

Theo Ban điều hành Chương trình mía đường tỉnh Phú Yên với sự đầu tư của các doanh nghiệp mía đường, trong 3 năm qua diện tích mía của tỉnh đã tăng từ 18.028ha lên 19.640ha, dự ước sản lượng mía niên vụ 2010-2011 của tỉnh khoảng 927.000 tấn. Điều này sẽ bảo đảm kế hoạch cho 2 doanh nghiệp mía đường chế biến công nghiệp ít nhất 810.000 tấn mía, sản xuất 74.900 tấn đường, tăng 7% so với niên vụ 2009-2010.

 

NGUYÊN TRƯỜNG - AN BANG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek