Sau 10 năm (2001- 2010) thực hiện chương trình mía đường, đến niên vụ 2010-2011, ngành công nghiệp mía đường của Phú Yên đã khẳng định vị thế vững chắc. Diện tích, năng suất, sản lượng mía tăng, lại được giá nên người trồng mía có thu nhập cao; nhà máy có đủ nguyên liệu hoạt động. Kết quả đó, bắt nguồn từ việc tăng cường đầu tư trực tiếp cho người trồng mía của các doanh nghiệp mía đường trong tỉnh.
Sau 3 năm thực hiện chính sách đầu tư mới, Công ty cổ phần Mía đường Tuy Hòa đã phát triển diện tích mía từ 2.187ha lên 4.196ha và dự kiến sẽ đạt trên 5.000ha trong năm nay. Vùng nguyên liệu được khôi phục là điều kiện cần thiết để công ty nâng công suất chế biến của nhà máy lên 1.700-2.000 tấn/ngày trong niên vụ đến.
Nông dân Phú Yên có thu nhập cao từ cây mía - Ảnh: N.TRƯỜNG
VỰC DẬY VÙNG NGUYÊN LIỆU
Thời điểm này năm trước, sản xuất mía đường bước vào thời kỳ cuối vụ, nhưng năm nay trên vùng nguyên liệu của Công ty cổ phần Mía đường Tuy Hòa vẫn còn gần 1.700ha, tương đương với 72.300 tấn mía chờ thu hoạch. Từ đầu vụ đến nay, nhà máy của công ty với công suất thiết kế 1.250 tấn/ngày phải “chạy” 1.300-1.400 tấn/ngày, nhưng vẫn chưa theo kịp tiến độ thu hoạch mía của nông dân trong thời điểm mía chín rộ. Tính đến thời điểm này, nhà máy đã thu mua và đưa vào chế biến 136.250 tấn mía cây, tăng hơn 26.000 tấn so với cả niên vụ 2009-2010. Giám đốc Công ty cổ phần Mía đường Tuy Hòa Nguyễn Xuân Tiên cho biết, do lượng mía trên đồng còn lớn, vụ này nhà máy sẽ kéo dài thời gian hoạt động thêm một tháng so với vụ trước, dự kiến đến tháng 6 mới kết thúc vụ ép 2010-2011.
Công ty cổ phần Mía đường Tuy Hòa được UBND tỉnh phê duyệt vùng nguyên liệu mía 4.500ha, song năm 2008, chỉ còn 2.187ha mía, nên niên vụ 2008- 2009, nhà máy chỉ thu mua, chế biến được 104.026 tấn mía cây, bằng 69,4% so với vụ trước đó. Nguyên nhân là vào thời kỳ đó, cây sắn được giá, dễ trồng, vốn đầu tư ít, trong khi đó công ty gặp khó khăn về vốn, chưa thể đầu tư đúng mức cho vùng nguyên liệu nên nông dân phá bỏ cây mía để trồng sắn. Trước thực trạng này, Công ty cổ phần Mía đường Tuy Hòa đã xây dựng chiến lược khôi phục lại vùng nguyên liệu với nhiều chính sách đầu tư mới, trong đó có chủ trương tăng suất đầu tư nhằm đảm bảo cho người dân có đủ vốn làm đất, mua mía giống, trồng, chăm sóc cho cây mía cả vụ, với 15 triệu đồng/ha. Tuy nhiên, trong niên vụ đó do nguồn vốn đầu tư của công ty còn hạn chế (khoảng 13,2 tỉ đồng) nên diện tích mía phát triển chỉ tăng hơn 700ha. Đến niên vụ 2009-2010, công tác đầu tư càng được công ty chú trọng, phối hợp với các huyện Tây Hòa, Sông Hinh thành lập ban điều hành chương trình mía đường tại các xã. Qua đó, các vướng mắc về thủ tục đầu tư được công ty giải quyết nhanh chóng ngay tại xã, tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân tiếp cận vốn để đầu tư phát triển diện tích mía. Kết quả, trong niên vụ vừa qua, lượng vốn đưa đến cho nông dân của công ty lên đến 37 tỉ đồng, nhờ đó diện tích mía trong vùng nguyên liệu của công ty tăng lên gần 4.200ha, tăng xấp xỉ 1.200ha so với vụ trước. Tiêu biểu như xã Ea Ly, trước năm 2008 chỉ có gần 100ha mía, nhưng trong năm qua đã trồng mới trên 700ha, đưa diện tích mía toàn xã lên 798ha, trở thành vùng mía chủ lực của công ty.
Ngoài điều chỉnh về chính sách thu mua, Công ty cổ phần Mía đường Tuy Hòa cũng đã chú trọng đến việc nhập các giống mía mới có năng suất cao của Thái Lan phù hợp với vùng sinh thái thổ nhưỡng của Phú Yên như: MI5514, R579, R570, K88-65, K88-92, K 88-200… để thay thế các giống mía cũ đã thoái hóa, nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế cho nông dân. Đây là các giống mía có tiềm năng năng suất rất cao, nếu đầu tư thâm canh đúng mức có thể đạt từ 120-150 tấn/ha. Công ty cũng đã hướng dẫn bà con kỹ thuật trồng mía để tăng hiệu quả kinh tế của cây mía, tăng định mức đầu tư cho nông dân trồng mía mới và chăm sóc mía gốc với mức từ 10 triệu đồng/ha đối với mía lưu gốc và đến 22 triệu đồng/ha đối với mía trồng mới.
NÔNG DÂN VÀ NHÀ MÁY CÙNG CÓ LỢI
Nhờ chính sách đầu tư “trọn gói” từ cung cấp mía giống mới, cung ứng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, hướng dẫn kỹ thuật trồng mía… cùng với việc mua mía giá cao, Công ty cổ phần Mía đường Tuy Hòa đã “kéo” nông dân trở lại trồng mía. Vừa qua, có nhiều hộ thu hoạch mía đạt năng suất cao như hộ ông Nguyễn Đình Quốc ở xã Đức Bình Đông (huyện Sông Hinh) trồng trên 3,9ha, đạt năng suất 150 tấn/ha; hộ ông Nguyễn Ngọc Mỹ ở xã Ea Ly, trồng hơn 20ha, năng suất đạt trên 100 tấn/ha… Theo Công ty cổ phần Mía đường Tuy Hòa, ước tính năng suất mía trong vùng đạt bình quân 54,4 tấn/ha, tăng gần 10 tấn/ha so với năm trước. Nhờ diện tích mía tăng 45% và năng suất mía tăng 22,3% nên vụ này, sản lượng mía của công ty dự kiến đạt 228.000 tấn, gần gấp đôi so với niên vụ trước. Nhờ vậy mà trong thời điểm mía chín rộ, nhà máy hoạt động hết công suất mà vẫn không đáp ứng yêu cầu thu hoạch mía của nông dân.
Ông Lê Tấn Đàm, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Mía đường Tuy Hòa cho biết: “Giá đường đang hạ (có hiện tượng đường bị nhũng) khó tiêu thụ. Tuy nhiên công ty vẫn thu mua mía với giá ổn định như từ đầu vụ cho bà con, bình quân từ 900.000- 970.000/tấn mía, tại ruộng (giá tại bàn cân đã gần 1,2 triệu/tấn đối với mía 10 chữ đường), nhờ vậy mà nông dân có thu nhập cao. Hiện công ty đang tập trung thu mua hết số diện tích mía còn lại để nông dân yên tâm phát triển vùng nguyên liệu cho vụ đến”.
Cộng với việc giá mía cao, nhiều hộ nông dân phấn khởi tìm cách chuyển đổi cây trồng phát triển thêm vùng mía mới. Đến thời điểm hiện nay, nông dân trong vùng nguyên liệu của công ty thuộc các huyện: Sông Hinh, Tây Hòa, Tuy An đã đăng ký trồng mới 1.020ha trong năm nay. Như vậy trong niên vụ 2011-2012, vùng nguyên liệu mía của công ty có khả năng vượt 5.000ha. Đây là cơ sở để công ty nâng công suất nhà máy lên 1.700-2.000 tấn/ngày trong niên vụ tới. Riêng từ đầu năm đến nay, công ty đã đầu tư 12 tỉ đồng giúp nông dân trồng thêm 120ha mía (trên diện tích mới) và phá bỏ mía lưu gốc lâu năm để trồng lại 70ha, dự kiến vốn đầu tư cho vùng nguyên liệu đến cuối năm đạt khoảng 80 tỉ đồng.
BÀI 2: Chính sách đồng hành cùng nông dân.
Phó Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh Trần Thanh Ðịnh: Hai năm nay, Công ty cổ phần Mía đường Tuy Hòa đã có sự phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, thành lập ban điều hành chương trình mía đường ở các cấp. Nhờ đó, nhiều vùng đồng bào dân tộc thiểu số của huyện Sông Hinh đã tiếp cận được vốn đầu tư của công ty để phát triển vùng nguyên liệu mía đến tất cả 11 xã, thị trấn. Với giá mía như hiện nay, người dân có thể yên tâm gắn bó với cây mía mà cải thiện cuộc sống.
NGUYÊN TRƯỜNG - AN BANG