Cơn mưa chiều 18/4 đã làm cho hàng ngàn héc ta lúa đông xuân đang vào vụ thu hoạch ở các huyện Ðông Hòa, Tây Hòa, Phú Hòa và TP Tuy Hòa đổ ngã. Lúa chín rũ nhưng máy gặt đập liên hợp đành nằm bờ, trong khi nông dân lại thiếu nhân công gặt.
Lúa đổ ngã, đường nội đồng nhão nhoẹt, dùng xe đạp thồ chuyển lúa - Ảnh: H.NAM
THU HOẠCH CHẬM, THẤT THOÁT CAO
Mấy ngày qua, cánh đồng Rọc Đăng, Soài Rạp, Bờ Bạn ở phường Phú Đông, Phú Lâm (TP Tuy Hòa) nước vẫn chưa rút hết, nhiều thửa ruộng lúa chín chưa kịp thu hoạch ngã rạp, nước ngập trên lúa. Bà Võ Thị Hưng ở phường Phú Đông, than vãn: “Cơn mưa lớn vừa qua làm ngã rạp hoàn toàn 6 sào ruộng của tôi. Nếu như trước đây thuê công gặt trong ngày là xong thì nay kéo dài 4 ngày vì phải gặt tay, lại còn phải gánh đi xa mới đến nơi máy tuốt”. Lúa ngã ngập trong nước nên ai cũng tranh thủ gặt vì sợ lúa nảy mầm. Những ruộng lúa gần bờ vùng, đường nội đồng, nông dân đổ xô gặt khi gánh đến tận nơi lại còn xếp hàng chờ máy tuốt. “Mấy năm trước, sau khi gặt và tuốt lúa, chúng tôi dùng xe máy chở lúa bao về. Mùa này đường nội đồng lầy lội nên buộc tôi phải dùng xe đạp đẩy, bà Thìn than vãn.
Cách đây vài năm, HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Hòa Vinh (huyện Đông Hòa) đầu tư 182 triệu đồng mua máy gặt đập liên hợp nhằm đẩy nhanh tiến độ thu hoạch và giải quyết tình trạng khan hiếm lao động. Thế nhưng ở vụ này, máy gặt nằm bờ do lúa ngã, ruộng lại sình lầy. Số ít thửa ruộng lúa đứng thì nằm ở khu vực giữa đồng, trong khi xung quanh nhiều thửa ruộng lúa ngã rạp đang chờ nhân công gặt nên máy không thể nào xuống ruộng.
Không chỉ máy gặt đập liên hợp mà máy gặt đơn cũng “bó tay” vì lúa ngã trải dài. Ông Phan Đời, Chủ nhiệm HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Hòa Kiến 3 (TP Tuy Hòa), cho biết: “HTX có 192 ha, trong đó lúa bị ngã rạp chiếm 40%, đến nay chỉ mới thu hoạch 5 ha. Phải mất hơn 1 tuần nữa người dân mới thu hoạch dứt điểm lúa đông xuân. So với năm ngoái, tiến độ gặt năm nay chậm hơn nhiều”.
Mấy ngày qua tại các xã Hòa Bình 1, Hòa Bình 2, Hòa Đồng (huyện Tây Hòa) và Hòa Quang Nam, Hòa Quang Bắc (huyện Phú Hòa), đồng lúa chín rộng lớn cũng chỉ trông chờ vào sức người gặt. Theo bà con nông dân, do thời tiết thất thường, lúa vừa chín, một số diện tích còn xanh thì gặp mưa to gió lớn nên bị ngã và sớm nảy mầm, nhiều diện tích lúa phải gặt non. Ông Phạm Tấn Thơ, cán bộ Phòng NN-PTNT huyện Phú Hòa cho biết: “Ở một số khu vực ruộng trũng, lúa bị ngâm nước, lúa rụng nhiều, khi gặt thủ công tỉ lệ hao hụt khá cao. Nếu lúa đứng, gặt thủ công thất thoát chừng 10% thì khi lúa bị gió đập ngã rụng, một phần lại ngâm nước thì thất thoát sau thu hoạch cao hơn”.
TIỀN CÔNG GẶT LÚA TĂNG VỌT
Khan hiếm nhân công khiến ngày công lao động tăng cao. Đầu vụ, tại phường Phú Đông, mỗi công gặt lúa 70.000 đồng nay tăng lên 100.000 đồng. Công gánh lúa 70.000 đồng/buổi nay tăng lên 80.000 đồng/buổi. Lúa bị ngã, ướt tiền khoán gọn gặt lúa tăng. “Trước đây, công gặt có giá 300.000 đồng/sào thì hiện tại tăng đến 350.000 đồng/sào”, ông Nguyễn Phất ở phường Phú Đông cho biết. Theo nhiều nông dân, khi lúa trổ gặp thời tiết âm u kéo dài, hạt lúa nám đen, năng suất thấp. Nay tiền công thu hoạch tăng, giá vật tư nông nghiệp, xăng dầu đều tăng nên dù lúa có giá vẫn chẳng có lãi là bao”.
Thiếu công thu hoạch đang là thực trạng chung của nhiều địa phương. Theo Phòng NN-PTNT huyện Phú Hòa, hằng năm, theo lịch gieo sạ, các xã Hòa An, Hòa Thắng sạ muộn nên thu hoạch cũng muộn hơn. Vì vậy máy móc và các nông cụ phục vụ thu hoạch lúa theo kiểu cuốn chiếu, còn nay mạnh ai nấy gặt. Một số diện tích vùng trũng mấy năm trước nông dân ở huyện Tây Hòa thường sang huyện Phú Hòa gặt thuê. Năm nay lúa các nơi bị đổ ngã, không chỉ tiến độ thu hoạch chậm mà còn dẫn đến “sốt” công lao động.
MẠNH HOÀI