Thứ Bảy, 30/11/2024 13:36 CH
Bước đột phá của ngành Công Thương
Thứ Hai, 04/04/2011 14:00 CH

Khi tỉnh Phú Yên được tái lập (tháng 7/1989), ngành Công nghiệp tỉnh gần như bắt đầu từ con số không, với một vài cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp nhỏ lẻ, trong đó Nhà máy đường Đồng Xuân với công suất 100 tấn mía/ngày là cơ sở sản xuất công nghiệp lớn nhất của tỉnh ngày ấy. Còn về hoạt động thương mại, mạng lưới thương nghiệp không được đầu tư gì đáng kể. Sau hơn 20 năm xây dựng và phát triển, hoạt động công thương nghiệp Phú Yên đã đạt được những thành tựu vượt bậc.

hang-hoa-110404.jpg
Hệ thống bán lẻ ở Phú Yên ngày càng phát triển, đáp ứng nhu  cầu mua sắm của người dân. -  Ảnh: P.V

Năm 2007 đánh dấu một bước ngoặt quan trọng của chặng đường công nghiệp hóa tỉnh nhà, khi lần đầu tiên tỉ trọng GDP công nghiệp - xây dựng đạt 32,2% vượt qua ngành nông - lâm - thủy sản (chiếm 32,1%). Để có sự chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp, tỉnh đã quan tâm đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật, tạo điều kiện thu hút các thành phần kinh tế đầu tư phát triển công nghiệp. Trên địa bàn tỉnh đã hình thành ba khu công nghiệp tập trung và một số cụm công nghiệp ở khu vực nông thôn thu hút cả trăm dự án đầu tư góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp tỉnh phát triển nhanh, đạt mức tăng trưởng bình quân 18%/năm. Hiện tại, Phú Yên đã hình thành được một số ngành công nghiệp quan trọng như: chế biến nông lâm hải sản, sản xuất bia và nước giải khát, dược phẩm, sản xuất điện… Năm nào ngành công nghiệp cũng cho ra thị trường nhiều sản phẩm mới, đáp ứng được nhu cầu xã hội, chủng loại sản phẩm ngày càng đa dạng cả về mẫu mã kiểu dáng và độ tinh xảo. Năng lực sản xuất toàn ngành tăng nhanh, hiện có trên 10.155 cơ sở với 47.387 lao động; quy mô doanh nghiệp có bước phát triển đáng kể, nhiều nhà máy mới với thiết bị công nghệ hiện đại đã đưa vào hoạt động. Hiệu quả sản xuất và năng lực cạnh tranh của nhiều sản phẩm và doanh nghiệp được nâng lên đáp ứng được yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế.

Với lợi thế của một tỉnh có vùng nguyên liệu nông - lâm - ngư nghiệp phong phú, Phú Yên đã thu hút nhiều dự án công nghiệp chế biến, kể cả doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài; hiện công nghiệp chế biến chiếm trên 90% giá trị sản xuất toàn ngành. Gắn với vùng nguyên liệu mía, sắn, trên địa bàn tỉnh có ba nhà máy đường với tổng công suất 7.250 TMN/ngày, hai nhà máy chế biến tinh bột sắn với tổng công suất 290 tấn sắn/ngày, nhà máy sản xuất phân bón NPK 120.000 tấn/năm, các nhà máy sản xuất cồn rượu, sản xuất bia và nước giải khát với tổng công suất 72 triệu lít/năm cùng nhiều nhà máy chế biến gỗ xuất khẩu, nhân hạt điều xuất khẩu, thủy sản xuất khẩu; các nhà máy sản xuất dược phẩm với tổng công suất 440 triệu viên và 25 triệu sản phẩm thuốc tiêm/năm… Trong khi đó, tiềm năng khoáng sản của tỉnh cũng đang được khai thác với sự có mặt của nhiều nhà máy sản xuất đá granit, gạch ngói; trong đó đáng chú ý hơn là ba nhà máy thủy điện với tổng nguồn phát điện 360MW.

Mặt khác, ngành nghề, làng nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống ở khu vực nông thôn được chú trọng phát triển. Thông qua chương trình khuyến công, hàng năm đã tạo thêm việc làm cho trên 1.000 lao động nông nhàn; có 6/17 làng nghề tiểu thủ công nghiệp được công nhận… góp phần quan trọng vào sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và chuyển dịch cơ cấu kinh tế tỉnh theo hướng tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ.

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của sản xuất công nghiệp, hoạt động thương mại cũng có sự phát triển năng động của các thành phần kinh tế. Tỉ trọng GDP thương mại trong cơ cấu kinh tế tỉnh tăng gấp nhiều lần so với năm 1990 và chiếm 9,96% vào năm 2010 với tổng mức bán lẻ hàng hóa 9.340 tỉ đồng; kim ngạch xuất khẩu đạt 120 triệu USD. Trên địa bàn tỉnh đã hình thành và phát triển các hình thức bán hàng văn minh, hiện đại, hệ thống chợ được tập trung đầu tư phát triển rộng khắp ở địa bàn nông thôn thông qua việc đầu tư mới, đầu tư mở rộng, nâng cấp và đưa vào hoạt động các công trình thương mại như: siêu thị Co.opMart Tuy Hòa, siêu thị Thuận Thanh, chợ TP Tuy Hòa, các chợ loại hai ở trung tâm các huyện, xã và 29.720 cơ sở kinh doanh bán lẻ hàng hóa. Các kênh lưu thông hàng hóa phát triển đáp ứng kịp thời nhu cầu mua sắm, tiêu dùng đa dạng và phong phú của nhân dân.

Với những kết quả trên, ngành Công Thương đã và đang góp phần nâng cao vị thế của Phú Yên, tạo ra thế và lực mới cho công cuộc phát triển tỉnh nhà trong những năm đến. Đây còn là tiền đề khá vững chắc để cùng nhân dân tỉnh Phú Yên thực hiện thắng lợi mục tiêu đưa “Phú Yên cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp vào năm 2020”.

ĐÀO TẤN CAM

Giám đốc Sở Công Thương Phú Yên

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek