Chủ Nhật, 06/10/2024 00:41 SA
Chuyện ở vùng đất hứa Ea Ly
Thứ Hai, 04/04/2011 18:00 CH

Xã Ea Ly, huyện miền núi Sông Hinh, giáp với tỉnh Ðắk Lắk có hơn 5.000 dân, trong đó 49% là đồng bào dân tộc thiểu số. Cách đây chừng 10 năm, Ea Ly là một xã nghèo, thì nay đã thay da đổi thịt và đang trở thành một xã phát triển vững chắc, tiêu biểu của huyện Sông Hinh.

bap110404.jpg
Nông dân xã Ea Ly được mùa bắp. - Ảnh: N.CƯỜNG

ÐẦU TƯ ÐÚNG HƯỚNG

Hầu hết người dân nơi đây sống bằng nông nghiệp và buôn bán, kinh doanh nhỏ. Ngoài chăn nuôi bò đàn, hai năm trở lại đây, bà con đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tập trung mở rộng diện tích cây mía từ gần 500ha lên trên 800ha, chiếm trên 10% diện tích tự nhiên. Năng suất mía đạt từ 60-70 tấn/ha. Theo người dân địa phương, với giá cả như hiện nay, bình quân 1ha mía cho thu nhập từ 25-35 triệu đồng.

Bên cạnh cây mía, hiện xã Ea Ly có trên 300ha cao su, nhiều diện tích đang trong thời kỳ cho mủ, đem lại thu nhập cao cho nông dân. Ông Hoàng Đức Tong, người dân tộc Tày, quê ở Lạng Sơn vào vùng đất này lập nghiệp từ cuối thập niên 1990, là người phụ trách nhóm hộ được Nhà nước hỗ trợ dụng cụ sản xuất, phấn khởi cho biết: “Từ khi được Nhà nước giao máy cày và rơ-moóc, bà con luân phiên sử dụng, tự cày và vận chuyển nông sản, nhờ vậy mà giảm chi phí, nâng cao năng suất lao động rất nhiều. Cảm ơn Nhà nước nhiều lắm”.

Về các thôn Tân Lập, Tân Sơn, Tân Bình màu xanh bạt ngàn cà phê và cao su, xen lẫn những ngôi nhà mái ngói, tường xây. Ngược lên buôn Zô và thôn 2 Tháng 4 là những cánh đồng mía chín đang kỳ thu hoạch. Tất cả như nói lên cuộc sống no đủ của người dân nơi đây. Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Ea Ly, Đinh Ngọc Dạn cho hay: “Nhờ đầu tư, chuyển đổi cây trồng đúng hướng nên số hộ nghèo của xã giảm rất nhanh, số hộ được công nhận sản xuất kinh doanh giỏi ngày càng tăng. Toàn xã hiện có hơn 530 hộ sản xuất kinh doanh giỏi, chiếm khoảng 40% dân số”. Có thể nói, Ea Ly hôm nay như là một điển hình trong đầu tư phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi của tỉnh. “Nếu như chương trình 134,135 giai đoạn 1 tập trung vào cơ sở hạ tầng thiết yếu, thì giai đoạn 2 đã và đang thúc đẩy phát triển đồng bộ về mọi mặt tại các vùng đặc biệt khó khăn”. Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Phan Hữu Đại khẳng định như vậy.

ÐOÀN KẾT ÐỂ PHÁT TRIỂN

Xã Ea Ly có đến 12 dân tộc anh em cùng chung sống. Sự đoàn kết các dân tộc đã tạo cho Ea Ly một thế mạnh riêng. Sự giao thoa văn hóa, học hỏi lẫn nhau giữa các dân tộc đã giúp cho Ea Ly mau chóng vươn lên trong phát triển kinh tế. Hiện trên địa bàn xã có 11 doanh nghiệp tư nhân hoạt động hiệu quả, nhiều hộ gia đình mua được xe khách, xe tải, máy xay xát, máy tuốt lúa để phục vụ sản xuất và kinh doanh. Mô hình kinh tế trang trại, nông lâm kết hợp phát triển khá tốt. Trên địa bàn xã có hơn 500 hộ có kinh tế khá giả, thu nhập bình quân hàng năm từ 50-100 triệu đồng. Cơ sở hạ tầng tiếp tục được đầu tư xây dựng, thông tin liên lạc thông suốt, đường bê tông nông thôn đến hầu hết các thôn buôn, các công trình công cộng được xây dựng kiên cố… Việc triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế, xã hội đã góp phần giảm tỉ lệ hộ nghèo từ 46% năm 2005, xuống còn dưới 20% vào năm 2010.

Chương trình 134,135 lồng ghép với nhiều chương trình, dự án khác đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhiều mặt, cơ sở hạ tầng thiết yếu các vùng đặc biệt khó khăn tiếp tục được đầu tư phù hợp, đúng hướng. Đời sống, kiến thức về xóa đói, giảm nghèo và nhận thức về pháp luật của đồng bào các dân tộc thiểu số được cải thiện. Ngoài phát triển kinh tế - xã hội, Ea Ly còn là địa phương miền núi đi đầu trong thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” của tỉnh và được Chính phủ khen tặng về công tác dân tộc và miền núi.

Thông qua dự án hỗ trợ sản xuất, hầu hết các hộ nghèo ở huyện Sông Hinh được hướng dẫn cách làm ăn và được Nhà nước hỗ trợ 47 máy cày tay, 4 máy tuốt bắp và tuốt lúa, 2 máy xay gạo và tập huấn phương pháp quản lý, vận hành các thiết bị, công cụ sản xuất, bà con đứng ra thành lập nhóm hộ sử dụng máy móc có hiệu quả. Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Phan Hữu Đại cho biết: “Chương trình 135 giai đoạn 2 đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhiều mặt; cơ sở hạ tầng thiết yếu ở nông thôn miền núi được đầu tư phù hợp với quy hoạch phát triển của kinh tế - xã hội; đời sống của đồng bào các dân tộc ở các xã, thôn buôn đặc biệt khó khăn được cải thiện; bình quân hàng năm tỉ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm từ 3,2-3,5%. Chương trình còn giúp nâng cao kiến thức về xóa đói, giảm nghèo, nhận thức về pháp luật của cán bộ và nhân dân… góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số, từng bước làm thay đổi diện mạo vùng nông thôn miền núi”.

PHƯƠNG NAM - NGỌC CƯỜNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek