Chủ Nhật, 06/10/2024 05:41 SA
Internet về vùng sâu
Thứ Bảy, 02/04/2011 14:00 CH

Trước đây, việc đưa Internet về các xã vùng sâu ở miền núi là điều không tưởng do địa hình xa cách, kinh tế chưa phát triển, trình độ dân trí thấp, đời sống người dân còn nghèo. Nhưng hai năm trở lại đây, nhờ sự nỗ lực của các cấp ngành, các doanh nghiệp nên internet đã không còn là điều quá xa lạ đối với bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số…

 

Con em đồng bào dân tộc thiểu số Đồng Xuân đang lướt nét  - Ảnh: X.HUY


BƯỚC ÐẦU ÐẠT NHIỀU HIỆU QUẢ

Theo Sở TT-TT, toàn tỉnh hiện có 9.377 hộ gia đình nối mạng internet (chiếm 4,3%). Trong đó, TP Tuy Hòa cao nhất (14,5%) và thấp nhất là huyện Đồng Xuân (1,4%). Riêng nhóm hộ chính sách, hộ nghèo, tỉ lệ này là 0,8%. Tỉ lệ cao nhất là TP Tuy Hòa (5,4%) và thấp nhất là huyện Đồng Xuân (0,04%). 
Chúng tôi đến nhà anh Ma Y Ớt (xã suối Bạc, huyện Sơn Hòa) vào một ngày mưa tầm tã, được chủ nhà mời xem dàn máy vi tính mới mua của mình. Đó là bộ máy IBM giá 5,5 triệu đồng, tuy đã qua sử dụng nhưng vỏ ngoài còn mới. Vừa giới thiệu, anh vừa nhấp chuột thực hiện thao tác mở, lướt màn hình rồi tắt máy một cách khá thuần thục. Gắn vào máy sợi dây nối mạng internet, tín hiệu kết nối xuất hiện, anh nhanh chóng mở trang Web nhacso.net, mở vài ca khúc viết về núi rừng để “tạo không khí”. Ma Y Ớt tâm sự: “Lúc trước, tôi không biết gì về máy tính nên cứ ngỡ nó rất cao siêu. Sau đó, nhờ mấy anh cán bộ xã về chỉ cho vài thao tác cơ bản, giờ tôi cũng đã biết sử dụng. Do mê nó quá, tôi bàn với bà xã mua máy về sử dụng cho đã”. Theo Ma Y Ớt, từ khi có mạng internet, anh như mở mang trí óc, giúp tích lũy được nhiều kiến thức vào phát triển chăn nuôi, trồng trọt. Vừa nói, anh vừa  mở  trang web google đánh vào đó từ khóa “chăm sóc cây mía hiệu quả” và tỉ mẩn sàng lọc những thông tin hay về kỹ thuật canh tác cây mía. Cũng từ khi có máy, Ma Y Ớt thường xuyên hướng dẫn cho bà con xa gần cách sử dụng cũng như chia sẻ thông tin nhằm giúp mọi người “nâng cao kỹ thuật canh tác và năng suất cây trồng, vật nuôi.

Tại huyện Đồng Xuân, chúng tôi ghé lại một tiệm Internet ven ĐT 641. Dù đã hơn 12g trưa nhưng tiệm net trên vẫn khá đông người ra, kẻ vào. Trong căn phòng rộng chưa đầy 30m2, 8 chiếc máy tính sờn cũ được kê thành hai hàng dọc thẳng tắp. Mỗi máy có từ 2-3 người ngồi, mắt dán chặt vào màn hình vi tính, tay lia lịa nhấp chuột. Lâu lâu, có giọng ai đó kêu lên: “Tao tìm được tài liệu về cách phòng ngừa bệnh trên gia súc rồi bây ơi”. Những ánh mắt vội nhìn lại, theo sau những tiếng trầm trồ tán thưởng ra vẻ khoái chí. Thì ra Nay Y Bê (buôn Suối Mây, xã Xuân Phước, huyện Đồng Xuân) đã tìm được phương thức mới ngăn ngừa bệnh lở mồm long móng trên đàn gia súc mà lâu nay buôn anh chưa từng áp dụng. Tại một góc phòng, Nay Y Ơ đang hướng dẫn cho mẹ anh cách chat (trò chuyện qua internet). Nay Y Ơ  (xã Xuân Lãnh) cho biết: “Em trai tôi học ở dưới tỉnh. Mỗi lần nó viết thư gửi về, mất cả tuần mọi người mới đọc được. Một lần về nhà, nó đã chỉ tôi cách vào mạng chat. Từ đấy, vào cuối tuần, tôi và mẹ tranh thủ lên mạng tâm sự với em”.

CỘNG ÐỒNG CẦN CHUNG TAY GÓP SỨC

Việc đưa internet về nông thôn, nhất là các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào thiểu số là một cách làm hay, đầy ý nghĩa. Điều này không chỉ giúp người dân phổ cập tin học, tích lũy kiến thức mà còn gắn kết mọi người với nhau, xóa dần cách trở địa lý và nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân. Theo Sở Thông tin - Truyền thông việc triển khai chương trình đưa Internet về nông thôn, vùng sâu, vùng xa cho đến nay đạt được nhiều kết quả khả quan, nhất là sau khi các doanh nghiệp triển khai ứng dụng công nghệ 2G, 3G, Internet cáp quang.

Cũng theo Sở (TT-TT) tỉnh, từ nhiều năm trước, các điểm bưu điện văn hóa xã, nhất là các điểm ở các xã vùng sâu ba huyện miền núi Sơn Hòa, Sông Hinh và Đồng Xuân đã mở ra dịch vụ Internet để phục vụ người dân. Tại các điểm trên, ngoài những giờ truy cập Internet miễn phí theo quy định, tiền phí sử dụng dịch vụ mà khách phải trả cũng khá mềm: khoảng 1.500-2.000 đồng/giờ nên thu hút khá người dân tới truy cập. Về sau, sự cạnh tranh của các mạng viễn thông nên internet càng thâm nhập sâu hơn vào đời sống người dân. Mặt khác, Sở TT-TT tỉnh cũng đã có nhiều nỗ lực trong việc xây dựng đề án đưa Internet về nông thôn, vùng sâu, vùng xa; tổ chức đào tạo, tập huấn kiến thức cơ bản về máy tính, Internet cho người dân. Bên cạnh đó, thông qua Bộ TT-TT các tổ chức trong và ngoài tỉnh, sở cũng đã trao tặng, phân phối hàng trăm bộ máy tính kết nối mạng cho cán bộ, chính quyền và người dân các xã vùng sâu. Người dân cũng đã cố gắng trong việc tiếp thu, học hỏi, ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất - kinh doanh.

Ông Phan Văn Phượng, Phó Trưởng phòng phụ trách Bưu chính - Viễn thông (Sở TT-TT) cho biết: “Việc triển khai chương trình đưa internet về vùng sâu, vùng xa hiện đang gặp khó khăn do thiếu vốn, nguồn nhân lực. Trong khi đó, Nhà nước vẫn chưa có nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, phát triển internet tại vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc ít người. Hiện sở đang xây dựng đề án trình UBND tỉnh nhằm đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin ở vùng nông thôn, vùng miền núi khó khăn. Tuy nhiên, để chương trình trên đạt nhiều hiệu quả hơn nữa, cần có sự chung tay góp sức của cộng đồng”.

XUÂN HUY

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Tạo thương hiệu cho rượu Quán Ðế
Thứ Bảy, 02/04/2011 15:00 CH
Lòng dân phấn khởi
Thứ Bảy, 02/04/2011 11:00 SA
Doanh nghiệp lữ hành Phú Yên mở city tour
Thứ Bảy, 02/04/2011 11:00 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek