Chủ Nhật, 06/10/2024 05:43 SA
“Ðất Phú trời Yên” thời hội nhập
Thứ Sáu, 01/04/2011 15:00 CH

Ở khu vực Nam miền Trung và Tây Nguyên, có lẽ không có tỉnh, thành nào lại có cái tên thơ mộng và giàu tính biểu cảm như tên gọi Phú Yên: vừa Phú vừa Yên, nghĩa là giàu có và bình yên. Ðối với một vùng đất, còn mong ước gì hơn thế nữa? 


Có thể ngay từ thời mới hình thành với tên gọi chính thức là Phú Yên cách nay vừa đúng 400 năm, những người “mang gươm đi mở cõi” đã đặt cho vùng đất heo hút bị chia cắt giữa hai ngọn đèo cao này cái tên rất đẹp ấy với kỳ vọng nơi đây sẽ luôn bình yên và giàu có. Trải qua biết bao thăng trầm, lớp lớp thế hệ cư dân sinh ra và lớn lên ở đây đã đổ bao mồ hôi và xương máu để mong đạt được thỏa nguyện của các bậc tiền nhân đã đặt tên cho nó.

 

Câu cá ngừ đại dương trở thành nghề “ăn nên làm ra” của nhiều ngư dân Phú Yên - Ảnh: N.CHUNG


KHÔNG NGỪNG VƯƠN LÊN

Nơi khai sinh nghề câu cá ngừ đại dương ở Việt Nam

Một trong những niềm tự hào của ngư dân Phú Yên là chính họ đã khai sinh ra nghề câu cá ngừ đại dương ở Việt Nam, mở ra một hướng đi mới không chỉ về kinh tế mà còn góp phần giữ vững an ninh biển đảo cho Tổ quốc. Từ năm 1976 đến nay, ngành thủy sản Phú Yên có sự phát triển mạnh cả về khai thác và nuôi trồng. Sản lượng đánh bắt thủy sản năm 2010 đạt khoảng 34.000 tấn, tăng 4,85 lần so với năm 1976, sản lượng nuôi trồng khoảng 7.000 tấn, trong khi trước ngày tái lập tỉnh hầu như không có gì đáng kể. So với năm 1990, số tàu thuyền tăng lên gần gấp 3 lần, công suất tăng gấp 5 lần, còn sản lượng tăng hơn 150%. Trong lĩnh vực chăn nuôi, đàn trâu bò hiện nay đạt 193.000 con, tăng 2,75 lần so với năm 1976.

Cho đến trước ngày giải phóng, nếu so sánh với các tỉnh bạn trong khu vực thì tỉnh Phú Yên không được chính quyền Sài Gòn đầu tư gì đáng kể, ngoài một nhà máy nhiệt điện nhỏ với vài nhà máy nước đá, còn cơ sở hạ tầng kỹ thuật chỉ có đập Đồng Cam được xây dựng từ thời Pháp thuộc và sân bay quân sự Đông Tác được xây sau này. Sau ngày 1/4/1975, bên cạnh niềm vui lớn quê hương được giải phóng, nhân dân được sống trong hòa bình, thì Phú Yên phải đối mặt với biết bao khó khăn, thách thức.


So với 400 năm hình thành và phát triển, 36 năm kể từ ngày đất nước thống nhất là khoảng thời gian vô cùng nhỏ bé nhưng cũng đủ dài cho một vài thế hệ sinh ra, lớn lên và trưởng thành để dựng xây một xã hội mới. Trong khoảng thời gian đó, biết bao khó khăn, gian khổ đã diễn ra trên vùng đất này như để thử thách ý chí và tinh thần vượt khó của người dân Phú Yên, như thiên tai, dịch bệnh, cơ chế quan liêu bao cấp, tình trạng lạm phát, việc tách nhập tỉnh, rồi suy thoái kinh tế thế giới. Bên cạnh đó, các thế lực thù địch luôn tìm mọi cách để chống phá với nhiều hình thức thủ đoạn tinh vi, hiểm độc… Nhưng người dân của quê hương “đất Phú trời Yên” đã đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, vượt mọi trở ngại để hàn gắn vết thương chiến tranh, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, từng bước giành được những thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực, góp phần xứng đáng cùng cả nước đi lên vững chắc.


Là một tỉnh có diện tích không lớn, chỉ hơn 5.000km², dân số chưa tới 1 triệu người, với xuất phát điểm là một tỉnh nghèo, lại không được thiên nhiên ưu đãi, để đưa được Phú Yên phát triển như các tỉnh bạn trong khu vực là điều không đơn giản. Thế nhưng, từ một nền kinh tế chủ yếu là thuần nông với nông nghiệp chiếm gần 80% GDP sau ngày giải phóng, đến nay nền kinh tế của Phú Yên đã có bước phát triển khá toàn diện và vững chắc theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. GDP trong nông nghiệp chỉ còn dưới 30%, công nghiệp và dịch vụ đã tăng lên trên 70%, tốc độ tăng trưởng đạt trên 11%. Năm 2009, GDP bình quân đầu người của Phú Yên là 13 triệu đồng/năm, tăng 17 lần so với năm 1976 và cũng là năm đầu thu ngân sách vượt 1.000 tỉ đồng, giúp Phú Yên chính thức gia nhập “CLB một ngàn tỉ”.


Nếu ai đã một lần viếng thăm Tuy Hòa vào những ngày mới giải phóng, hẳn không thể quên ấn tượng về cái gió Tuy Hòa “chuyên cần và phóng túng” đã đi vào văn học trong bài thơ “Nhớ máu” của Trần Mai Ninh, với những trảng cát trắng lóa mắt chạy tít tắp từ Sông Cầu đến Tuy Hòa. Ít ai có thể nghĩ rằng những bãi cát mọc đầy hoa muống biển với những con còng gió, con dông chạy loăng quăng như một vùng đất hoang sơ thời tiền sử nay đã biến thành các khu công nghiệp tập trung, các khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng cao cấp với những con đường trải nhựa phẳng lì uốn lượn quanh các gành đá ven biển và bồng bềnh theo các trảng cát, vô cùng nên thơ và độc đáo, mở ra cho người dân nơi đây một lối đi mới trên con đường vươn đến chữ “Phú”. Vùng dải cát ven biển Sông Cầu, cách đây chưa lâu vẫn được người dân địa phương gọi đùa là “vùng sâu vùng xa” vì muốn đến được một số khu dân cư ở đây người ta phải lội bộ mỏi chân trên các trảng cát nóng, rồi đi tiếp bằng ghe thuyền. Ngày nay, du khách có thể ngồi xe hơi hoặc xe gắn máy bon bon trên đường nhựa đến tận các thôn xóm hoặc vào các cửa hàng ven đường để thưởng thức hải sản.


Khi các con đường mở ra thì cũng có nghĩa là các khu dân cư sẽ phát triển và đi cùng với nó là các hoạt động kinh tế, dịch vụ, du lịch. Đến thời điểm hiện nay, ngoài 3 khu công nghiệp tập trung Hòa Hiệp, An Phú và Đông Bắc Sông Cầu với diện tích hơn 300ha, còn có một số cụm công nghiệp ở các địa phương, với 187 dự án, tổng vốn đăng ký hơn 16.600 tỉ đồng, trong đó 34 dự án FDI của 18 quốc gia, vùng lãnh thổ. Các nhà máy thủy điện Sông Hinh, Sông Ba Hạ, Krông H’Năng với tổng công suất hơn 360MW cung cấp đáng kể nguồn điện hòa vào lưới điện quốc gia.

Giờ đây, đi trên cánh đồng Tuy Hòa, ta vẫn thấy những ruộng lúa, ruộng màu trải dài tít tắp, nhưng nhờ sản lượng được nâng cao, nên tỉ trọng ngành trồng trọt đã  giảm hẳn trong cơ cấu sản xuất, trong khi đó tỷ trọng ngành chăn nuôi, lâm nghiệp đang tăng theo xu hướng phát triển của thời hội nhập. Hiện nay mỗi năm Phú Yên đạt sản lượng lương thực ổn định 32-33 vạn tấn, tăng 19,6 vạn tấn so với năm 1976. Tính chung, giá trị sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp của Phú Yên đã tăng gấp 5,8 lần so với năm 1976 và tốc độ tăng bình quân 5 năm đạt 3,3%.


Cùng với việc đẩy mạnh phát triển kinh tế, các lĩnh vực văn hóa xã hội và đào tạo nguồn nhân lực cũng được các cấp, các ngành chăm lo phát triển. Sau ngày giải phóng năm 1975, toàn tỉnh chỉ có vài chục trường tiểu học và chưa tới 10 trường trung học cả công lập lẫn tư thục. Đến nay tất cả các xã trong tỉnh đã có trường tiểu học và THCS. Từ cuối năm 2008, tỉnh Phú Yên đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục tiểu học và phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Hiện nay trong toàn tỉnh có trên 30.000 người có trình độ đại học, cao đẳng trở lên, chiếm 3,46% dân số toàn tỉnh. Trong đó, 600 người có trình độ thạc sĩ, 21 người có trình độ tiến sĩ. Công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng, chất lượng khám, chữa bệnh ngày càng nâng cao. Toàn tỉnh có 37 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế; mức sinh giảm 0,5‰, mức giảm trẻ em suy dinh dưỡng dưới 5 tuổi từ 2-2,5%. Nói về thành tích của thể thao Phú Yên từ ngày giải phóng đến nay, không thể không nhắc đến tấm Huy chương bạc của vận động viên Taekwondo Trần Hiếu Ngân giành được tại đấu trường Olympic Sydney năm 2000. 

 

Sân bay Tuy Hòa đã nhộn nhịp với những chuyến bay nối Phú Yên với Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và đang có dự án nâng cấp mở rộng để có thể đón những máy bay lớn hơn, tần suất bay nhiều hơn   - Ảnh: K.DUY


MIỀN ÐẤT ÐỘC ÐÁO VỀ VĂN HÓA

Theo những gì mà sử sách còn ghi lại thì Phú Yên là một vùng đất có nhiều dân tộc cùng chung sống, trong đó có khoảng 30 dân tộc thiểu số. Cùng với sự phát triển của xã hội thì nơi đây cũng có nhiều tôn giáo đã tồn tại và phát triển từ hàng trăm năm trước như đạo Phật, Thiên Chúa, Tin Lành, Cao Đài, Hòa Hảo… Việc tìm thấy bộ đàn đá, kèn đá ở Tuy An với niên đại hơn 2.500 năm và hàng trăm kg tiền cổ, cùng nhiều di sản của nền văn hóa Sa Huỳnh chứng tỏ miền đất Phú Yên từ xa xưa đã có nhiều hoạt động kinh tế, văn hóa xã hội sầm uất và đặc sắc. Trong quá trình phát triển, các dân tộc và các tôn giáo đã góp phần tô điểm, làm cho bức tranh văn hóa Phú Yên có thêm nhiều sắc màu độc đáo.


Nét văn hóa độc đáo của Phú Yên trước hết được thể hiện qua các làn điệu dân ca và các trò chơi, lễ hội dân gian. Từ hát tuồng, bài chòi, hát bá trạo, các điệu hò của cư dân vùng ven biển, các bản trường ca và bộ nhạc cụ dân tộc trống đôi - cồng ba - chinh năm của người dân miền núi, đến các lễ hội đầm Ô Loan, đập Đồng Cam, lễ hội dâng hương đền thờ Lê Thành Phương, lễ hội đua thuyền, cầu ngư, đâm trâu, bỏ mả, lễ hội mùa... Và lễ hội “trẻ” nhất nhưng cũng được rất nhiều người trong và ngoài tỉnh hâm mộ - đó là Hội thơ Nguyên Tiêu trên núi Nhạn (TP Tuy Hòa) vào ngày rằm tháng Giêng âm lịch, nay đã gần một phần ba thế kỷ. Những năm qua, trong xu thế hội nhập, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao được tổ chức trên địa bàn tỉnh không còn giới hạn trong nội bộ tỉnh mà đã mở rộng
ở tầm khu vực và quốc gia. Gần đây nhất là các cuộc thi âm nhạc Sao Mai - Điểm hẹn 2009, 2010, Hoa hậu Trái đất 2010 đã được Phú Yên tổ chức thành công. Phú Yên cũng sẽ đăng cai tổ chức Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ 17 và Năm Du lịch quốc gia Duyên hải Nam Trung Bộ - Phú Yên 2011, đúng dịp kỷ niệm 400 năm Phú Yên hình thành và phát triển.


Để đưa Phú Yên vươn tới những giá trị cao đẹp của hai chữ “Phú” và “Yên” như tên gọi của nó mà các bậc tiền nhân đã kỳ vọng và gởi gắm vào hậu thế là một nhiệm vụ vô cùng nặng nề. Nhưng với truyền thống dựng nước và giữ nước kiên cường bất khuất, với truyền thống đấu tranh cách mạng trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, chúng ta có quyền hy vọng vào một tương lai tốt đẹp hơn, vẻ vang hơn, xứng đáng với tên gọi “Đất Phú trời Yên”.

 “Ðặc sản” Phú Yên

Từ xa xưa, vùng đất Phú Yên đã nổi tiếng về những đặc sản có một không hai như sò huyết đầm Ô Loan, cá mú Sông Cầu, tôm hùm Vũng Rô, cua ghẹ An Hải, nước mắm Gành Đỏ, bánh tráng Hòa Đa, rượu gạo Hòa An, Hòa Trị… Những năm gần đây lại xuất hiện thêm cà phê Tuy Hòa và cá ngừ đại dương phường 6. Với 17 di tích cấp quốc gia gắn liền với các làng nghề, du khách đến đây có thể thưởng thức đặc sản và thả hồn du ngoạn bên các điểm du lịch độc đáo có một không hai của Phú Yên như thắng cảnh Gành Đá Dĩa với những cột đá xếp chồng lên nhau; thắng cảnh Bãi Môn - Mũi Điện nơi du khách có thể đón ánh bình minh sớm nhất trên đất liền của Tổ quốc, thắng cảnh Vịnh Xuân Đài đang được đề nghị công nhận là một trong những vịnh đẹp nhất thế giới; Di tích kiến trúc nghệ thuật Tháp Nhạn - một dấu ấn vật thể về nền văn hóa phong phú của dân tộc Chăm là những cổ dân đầu tiên sinh sống trên vùng đất này; Di tích lịch sử Vũng Rô, Đồng khởi Hòa Thịnh, Di tích lịch sử - nghệ thuật Chùa Từ Quang, thắng cảnh Đầm Ô Loan…và còn nhiều điểm tham quan, du lịch hấp dẫn khác nữa. 



ĐÀO MINH HIỆP




BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek