Chủ Nhật, 06/10/2024 05:44 SA
Vân Hòa chuyển mình
Thứ Sáu, 01/04/2011 14:00 CH

Cao nguyên Vân Hòa (huyện Sơn Hòa) có diện tích 286,89km2, là vùng đất giàu tiềm năng với các loại khoáng sản như bôxít trữ lượng 4,8 triệu tấn, diatomite gần 65 triệu tấn, các mỏ đá ốp lát xuất khẩu… Vùng đất này đang được đánh thức để trở thành một trung tâm hành chính mới sầm uất, nhộn nhịp.


Sa nhân tím phát triển tốt ở cao nguyên Vân Hòa. - Ảnh: M.NGUYỆT

“ÐỊA CHỈ ÐỎ” THỜI CHỐNG MỸ

Cao nguyên Vân Hòa là vùng căn cứ địa của tỉnh Phú Yên trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Chính vùng đất này có một vị trí “đắc địa” nên vào năm 1962, Tỉnh ủy Phú Yên quyết định chọn làm nơi đặt “đại bản doanh” của tỉnh. Tại vùng căn cứ này, mặc dù trong điều kiện vô cùng khó khăn, gian khổ bởi sự đánh phá ác liệt của Mỹ, ngụy và quân chư hầu Nam Triều Tiên nhưng lực lượng cách mạng của tỉnh vẫn kiên cường bám trụ và xây dựng, phát triển khu căn cứ ngày càng vững mạnh. Nơi đây, ngày 9/9/1969, Tỉnh ủy Phú Yên lập đền thờ Bác Hồ ở Sơn Định để tổ chức lễ truy điệu Người ở chiến khu xanh Phú Yên.

Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, mặc dù bà con vùng cao nguyên Vân Hòa phải sống trong cảnh bom rơi, đạn nổ, kinh tế tự cung tự cấp… nhưng tinh thần của người dân Sơn Xuân, Sơn Long, Sơn Định rất trung kiên, một lòng theo Đảng, theo cách mạng. Họ không quản ngại khó khăn, sẵn sàng che chở và xả thân vì cách mạng. Hàng trăm người con ưu tú của núi rừng nơi đây đã đứng lên cầm súng chống lại kẻ thù xâm lược và có nhiều người đã vĩnh viễn nằm lại trên các cánh rừng.

 Với những thành tích xuất sắc trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, Đảng và Nhà nước đã phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các xã  Sơn Long, Sơn Xuân, Sơn Định. Năm 2009, Khu di tích lịch sử Đền thờ Bác Hồ và quần thể di tích Khu căn cứ kháng chiến trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước của tỉnh Phú Yên (như Hội trường Mùa Xuân, cơ quan Tỉnh ủy, cơ quan UBND cách mạng, Nhà Giao tế, cơ quan UBMTDT Giải phóng, cơ quan Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy, Trường Đảng, cơ quan Tỉnh đội, Xưởng Quân giới 200, cơ quan Ban an ninh, Bệnh xá Trúc Bạch và Trường Y tế) tại thôn Hòa Bình, xã Sơn Định được công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia.

DIỆN MẠO MỚI

Về Vân Hòa hôm nay, chúng tôi thấy một cuộc sống mới đang khởi sắc trên chiến khu xưa. Đã có đường ô tô đến được các trung tâm 3 xã Sơn Xuân, Sơn Long, Sơn Định và các thôn, buôn. Trục đường miền Tây, một dự án giao thông trọng điểm nối ba tỉnh Bình Định, Phú Yên, Đắk Lắk đã được thông tuyến, nối vùng cao Vân Hòa gần với các trung tâm khác thông qua các tuyến ĐT643 từ Hòa Đa đi lên và ĐT648 từ Ngân Điền (xã Sơn Hà) qua. Tuyến giao thông huyết mạch này đã góp phần vực dậy tiềm năng kinh tế, làm thay đổi đời sống bà con nơi đây. Diện mạo vùng cao miền núi ngày càng sầm uất với các công trình: trường học, trạm y tế, nhà công sở, đường giao thông... được xây dựng khang trang; những ngôi nhà mới kiên cố mọc lên, các thị tứ hình thành.

Vùng chiến khu xưa đang trải rộng một màu xanh ngút ngàn với những cánh đồng mía, bắp, mì và các loại cây công nghiệp phù hợp với loại đất đỏ ba-zan màu mỡ, khí hậu mát mẻ. Được sự đầu tư của Nhà nước, nhiều hộ gia đình nơi đây đã trồng một số loại cây có giá trị cao như tiêu, chè, cà phê, cao su, sa nhân tím… Trung tâm Ứng dụng và Chuyển giao công nghệ Phú Yên đang triển khai mô hình trồng cây sa nhân tím tại các xã Sơn Long, Sơn Định và Sơn Xuân trên 10ha, do Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp duyên hải Nam Trung Bộ chuyển giao kỹ thuật. Việc trồng thử nghiệm cây sa nhân tím dưới tán rừng tự nhiên và tán rừng trồng tại cao nguyên Vân Hòa đã cho kết quả ngoài mong đợi. Thạc sĩ Nguyễn Thanh Phương, Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Duyên hải Nam Trung Bộ cho biết: “Cây sa nhân tím trồng ở Vân Hòa có thời gian ra hoa đậu quả rất ngắn, năng suất 50-70kg/ha, mở ra cho Phú Yên hướng thực hiện dự án với quy mô lớn hơn. Việc phát triển dự án trồng sa nhân tím ở cao nguyên Vân Hòa góp phần giải quyết lao động nông nhàn và nâng cao thu nhập cho người dân”. Ngoài phát triển cây lâm nghiệp, công nghiệp, bà con vùng cao nguyên Vân Hòa còn áp dụng khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng cây đặc sản như mít, chuối… theo quy mô trang trại, đáp ứng nhu cầu về thực phẩm cho người dân trong vùng và cung cấp cho các vùng lân cận.

Nói về hướng phát triển ở cao nguyên Vân Hòa, đồng chí Cao Minh Hòa, Chủ tịch UBND huyện Sơn Hòa cho biết, Đảng bộ và chính quyền huyện Sơn Hòa đang tích cực chỉ đạo triển khai các dự án phát triển cây lâm nghiệp, cây công nghiệp, đưa các loại giống mới vào trồng thí điểm phù hợp theo điều kiện thổ nhưỡng, tập trung phát triển trang trại và chăn nuôi bò…từ đó nhân rộng mô hình ra các địa phương khác trong toàn huyện. Với điều kiện tự nhiên sẵn có và khí hậu ưu đãi, khu di tích cách mạng của tỉnh được bảo tồn và tôn tạo sẽ là điểm đến hấp dẫn của du khách. Vùng cao nguyên này sẽ là khu nghỉ dưỡng cao cấp và là điểm du lịch sinh thái lý tưởng trong tương lai. Đồng thời, cao nguyên Vân Hòa đang được quy hoạch, xây dựng và hình thành một thị trấn vào năm 2015 theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Phú Yên lần thứ XV đề ra.

Trong tương lai không xa, Vân Hòa trở thành trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, nối liền vùng căn cứ địa cách mạng với những tên đất, tên làng tạo một sự liên kết vùng trong phát triển kinh tế - xã hội và tạo một điểm nhấn mới trên trục dọc miền Tây Phú Yên.

ANH KIỆT

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
“Ðất Phú trời Yên” thời hội nhập
Thứ Sáu, 01/04/2011 15:00 CH
Hướng mở đầy triển vọng
Thứ Sáu, 01/04/2011 10:00 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek