Chủ Nhật, 06/10/2024 07:40 SA
Người gắn với những công trình thủy điện
Thứ Sáu, 01/04/2011 13:00 CH

Là một trong những tiến sĩ công trình thủy đầu tiên của Việt Nam, ông có nhiều đóng góp trong việc xây dựng các công trình thủy điện lớn của đất nước, đặc biệt là “công trình thế kỷ” thủy điện Hòa Bình. Rất giỏi, nhưng lại rất khiêm nhường; từng giữ những cương vị cao và hiện là phái viên của Thủ tướng Chính phủ nhưng vẫn rất giản dị, gần gũi. Ðó là tiến sĩ Thái Phụng Nê, Anh hùng Lao động, một người con ưu tú của Phú Yên.

Tiến sĩ Thái Phụng Nê (bên trái) trò chuyện với một đồng nghiệp trẻ. - Ảnh: N.PHƯƠNG

Tôi bước vào ngôi nhà trầm mặc ở ngõ 171 phố Cự Lộc, phường Thượng Đình, quận Thanh Xuân (Hà Nội) với chút hồi hộp của cô học trò nhỏ trước một nhà khoa học và một nhân cách. Nhưng sự cởi mở và những lời hỏi han thân tình của chủ nhân ngôi nhà, người trưởng ban quản lý dự án công trình thủy điện Hòa Bình năm nào, đã ngay lập tức giúp tôi cảm thấy thoải mái. Và cuộc trò chuyện của một già một trẻ diễn ra thật tự nhiên với những tiếng cười.

NGHỀ CHỌN NGƯỜI

* Được biết, ông là một trong những tiến sĩ công trình thủy đầu tiên của Việt Nam. Vì sao ông lại chọn ngành này?

- Thế hệ chúng tôi không phải như bây giờ, không chọn mà được cử đi học. Năm 1954, khi hòa bình lập lại ở miền Bắc, Đảng, Bác Hồ đã nghĩ đến vấn đề đào tạo cán bộ cho phát triển kinh tế xã hội. Một số học sinh ở miền Nam được chọn để đưa ra Bắc học. Chúng tôi học tại hai trường phổ thông danh tiếng ở phía Bắc là Trường Huỳnh Thúc Kháng ở Đô Lương, Nghệ An và Trường Phan Đình Phùng ở Hà Tĩnh. Sau khi học xong và thi tốt nghiệp phổ thông, chúng tôi được đưa ra Hà Nội để thi vào các trường đại học, ra đến đây thì có người đến bảo làm hồ sơ, lý lịch để đi học ở nước ngoài. Chúng tôi sung sướng lắm. Lúc đó nhiều người đi học khắp nơi chứ không riêng gì chúng tôi đâu. Lớp cũ của tôi được đưa đi học trên 10 người.

Tại Trường Đại học Xây dựng ở Mạc Tư Khoa, tôi được phân công học khoa Thủy công, tức xây dựng các công trình trên nước như cảng, đập, thủy điện… Sau 5 năm, tốt nghiệp đại học, tôi muốn về phục vụ đất nước. Nhưng bất ngờ đại sứ gọi một số người ở lại nghiên cứu để học lên cao hơn, khoa của tôi có ba người cơ. Hai đồng chí kia sau này rất thành đạt, đáng tiếc là đều đã mất.

* Thủy điện nào là công trình đầu tiên của ông?

- Sau khi cùng hai đồng chí học cùng trường về nước, tôi được phân công về Viện Nghiên cứu khoa học thủy lợi. Người ta bảo hãy đi thực tế rồi sau đó mới nghiên cứu khoa học. Lúc đó có ba nơi để thực tế, một là Viện Thiết kế thủy lợi, hai là Viện Quy hoạch thủy lợi, ba là thủy điện Thác Bà. Tôi may mắn về trước. Và tôi chọn Thác Bà. Công trình đầu tiên tôi xây dựng là Thủy điện Thác Bà.

Tôi gắn bó với Thác Bà từ năm 1964 cho đến năm 1971. Khi công trình cơ bản xong thì bộ rút về để nghiên cứu, tham gia quy hoạch hệ sông Hồng, chủ yếu là tập trung xác định công trình nối tiếp thủy điện Thác Bà. Đó chính là thủy điện Hòa Bình, một công trình lớn. Tôi đã gắn bó với hệ sông Hồng, với dự án thủy điện Hòa Bình suốt 17 năm, từ những ngày đầu chuẩn bị thi công cho đến năm 1989.

NIỀM TỰ HÀO VÀ TRĂN TRỞ

Tiến sĩ Thái Phụng Nê nói vui mà thật, đời ông gắn với con số 10. Tháng 10/1964: làm công trình thủy điện Thác Bà. Tháng 10/1992: làm bộ trưởng Bộ Năng lượng, tháng 10/1998: làm thứ trưởng Bộ Công nghiệp, tháng 10/1999: làm Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên. Từng giữ những cương vị cao song ở ông vẫn vẹn nguyên cốt cách của một trí thức, một nhà khoa học chứ không phải của một nhà chính trị. Nghe tôi nói về cảm nhận của mình, Anh hùng Lao động quê ở xã Hòa Thắng cười xòa.

* Thưa tiến sĩ, người ta nói rằng, tác phẩm của một nhà chính trị có khi tuổi thọ không dài còn công trình của một nhà khoa học thì lâu bền hơn. Theo ông thì sao?

- Có những nhà chính trị đưa đất nước từ chỗ đen tối đến nơi rực rỡ như Bác Hồ thì điều đó mãi mãi lâu bền.

Với riêng tôi, làm gì thì làm cho tròn trách nhiệm của mình, để lại cho thế hệ mai sau cái gì, đấy là điều quan trọng. Mà những công trình, đặc biệt là những công trình lớn, mang tầm quốc gia mang tầm khu vực thì sẽ để lại được. Điều tự hào nhất là những công trình mình làm, gắn bó với mình để lại cho mai sau.

 * Với ông, Thác Bà và Hòa Bình, niềm tự hào nào lớn hơn?

- Suốt cuộc đời tôi làm rất nhiều thủy điện: Thác Bà, Hòa Bình rồi khởi xướng YaLy và nhiều thủy điện khác, công trình nào cũng có tham gia ở mức độ nào đó, nhưng công trình gắn bó lâu nhất, học hỏi nhiều nhất là Hòa Bình. Vì sao? Học ở trường là một chuyện, nhưng ra thực tế thì muôn màu muôn vẻ. Và trong giai đoạn hết sức khó khăn, ăn không đủ no, áo mặc không đủ, nhưng chúng ta đã làm một công trình như thế, nhờ có sự hỗ trợ kỹ thuật của Liên Xô. Nước bạn đã viện trợ cho chúng ta thiết bị, xe máy. Và lúc đó có một cuộc vận động rất lớn, thanh niên xung phong làm công trình thủy điện, cho nên công trình thủy điện Hòa Bình có tên là Công trình Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh. Có 3 vạn rưỡi người tham gia xây dựng công trình thủy điện này, lúc cao điểm có 750 chuyên gia và công nhân Liên Xô. Chúng ta vừa làm vừa học tập, vừa đào tạo nên đội ngũ bây giờ. Sau khi làm công trình xong, đội ngũ cán bộ, công nhân đều trưởng thành.

Trong điều kiện khó khăn mà xây dựng thành công một công trình như vậy thì đáng tự hào. Đấy là một công trình rất hoành tráng, về tầm cỡ cũng như về kiến trúc của nó.

* Sau đợt lũ lụt hồi cuối năm 2010, nhiều ý kiến rộ lên về chuyện “lợi bất cập hại” của các công trình thủy điện ở miền Trung, nhất là những thủy điện vừa và nhỏ. Tiến sĩ nghĩ như thế nào về điều này?

- Điều đó tôi cũng nghe rất nhiều. Thủy điện có làm thay đổi nước ở hạ lưu không? Có. Trước kia, lũ tự nhiên nó lên từ từ, người ta thấy và người ta tránh. Khi có công trình thủy điện và thủy điện xả lũ thì tăng một lượng nước rất lớn và chúng đổ xuống hạ lưu rất nhanh. Cho nên việc điều hành thủy điện phải hết sức tuân thủ quy trình. Nếu trên dòng sông có nhiều công trình thủy điện thì phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình vận hành liên hồ chứa. Nếu tuân thủ đúng quy trình thì sẽ không có vấn đề lớn xảy ra. Có thể một số nơi người ta chưa có kinh nghiệm và làm chưa đúng. Còn ví dụ như hệ sông Hồng, từ khi có thủy điện Thác Bà, Hòa Bình, Tuyên Quang, bây giờ có thủy điện Sơn La nữa thì lũ lụt ở đồng bằng Bắc Bộ như thế nào? Đấy là hình ảnh rõ ràng về việc tuân thủ quy trình vận hành liên hồ chứa.

* Xin cảm ơn tiến sĩ!

PHƯƠNG TRÀ (thực hiện)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek