Thứ Năm, 03/10/2024 16:19 CH
Nhiên liệu tăng giá:
Máy cày đứng bánh, nông dân ngặt nghèo
Thứ Bảy, 12/03/2011 10:30 SA

Những ngày này, trên các cánh đồng mía, sắn ở ba  huyện miền núi Sông Hinh, Sơn Hòa, Đồng Xuân vắng bóng máy cày, thay vào đó là cảnh “con trâu đi trước, cái cày theo sau”.

 

may-cay110312.jpg

Máy cày nhà chị Nguyễn Thị Thúy đứng bánh vì giá dầu tăng cao. – Ảnh: P.NAM

 

NHÀ CÀY KHỐN ĐỐN

 

Hơn nửa tháng qua, 3 chiếc máy cày đại trị giá gần 400 triệu đồng của gia đình anh Trần Văn Định ở buôn Kiến Thiết (xã Ea Chà Rang, huyện Sơn Hòa) hầu như không hoạt động. Chị Nguyễn Thị Thúy, vợ anh Định, nói trong phiền muộn: “Để phục vụ nhu cầu cày cấy của bà con, trước khi bước vào vụ sản xuất 2010-2011, gia đình tôi bỏ gần 100 triệu đồng đại tu 3 chiếc máy cày để chuẩn bị cày thuê. Nhưng giá dầu tăng đột biến, buộc tiền cày cũng phải tăng theo. Do vậy, lượng người thuê cày máy cũng giảm mạnh”. Chị Thúy cho biết thêm, tuy mấy năm gần đây nông sản được mùa, được giá, nhưng nhiều hộ nông dân vẫn không đủ tiền để trả tiền cày, có hộ nợ kéo dài 2-3 năm. Nguyên nhân là do hoàn cảnh người dân khó khăn, trong khi toàn bộ chi phí sinh hoạt trong một năm đều trông chờ vào thành quả cuối vụ.

 

Tương tự nhà anh Định, chiếc máy cày trung của gia đình anh Lê Quang Công ở buôn Kiến Thiết vừa mới được mua trong năm 2010, trị giá gần 100 triệu đồng cũng chỉ để cày ruộng mía của gia đình. Anh Công cho hay: “Với giá dầu tăng cao như hiện nay, nếu không tăng tiền cày thì lỗ là cái chắc, nhưng nếu tăng cho phù hợp thì không ai thuê”. Theo các chủ máy cày, trên diện tích 1ha, nếu là máy cày đại phải mất ít nhất 16 lít dầu, còn máy cày trung thì hết 10 lít. Giá dầu tăng, tiền cày từ 650.000 đồng/ha tăng lên 850.000 đồng/ha. Nếu cày chảo ba phá mía gốc, nông dân phải trả 1,6 triệu đồng/ha.

 

Không những các chủ máy cày tư nhân lâm vào cảnh khó khăn, mà những nhóm hộ gia đình được hỗ trợ máy móc phục vụ sản xuất từ Chương trình 135 khả năng cũng chịu ảnh hưởng. Ông Ma Ủy, Chủ tịch UBND xã Cà Lúi (huyện Sơn Hòa), cho biết: “Xã tôi được phân bổ 6 máy cày, 4 máy tuốt lúa, 1 máy gạo từ Chương trình 135. Thời gian qua, máy móc phát huy tác dụng khá tốt. Giá xăng dầu tăng cao như hiện nay, sẽ tác động không nhỏ đến đời sống sản xuất của bà con, nhưng cũng đành phải chấp nhận vì không còn cách nào khác”.

 

NHÀ NÔNG THÊM KHÓ KHĂN

 

Tiền cày máy cao, nhiều nông dân miền núi chuyển sang cày bò. Nhà nào không có bò cày phải oằn mình cuốc đất, hoặc vần đổi công chấp nhận cực khổ, chậm thời vụ và cơ hội thuận lợi của thời tiết… Vì vậy vào thời điểm này, trên khắp các cánh đồng mía và sắn mì ở các huyện miền núi, cảnh “con trâu đi trước, cái cày theo sau” xuất hiện nhiều. Anh Phạm Văn Trung ở thôn Tân An, xã Suối Bạc, huyện Sơn Hòa buồn bã nói: “Tôi trồng được 3 ha mía, mấy ngày trước bị thiêu rụi hết 7 sào mà không rõ nguyên nhân, nay tranh thủ trời mưa cày đất trồng lại, nhưng không dám thuê máy cày vì chi phí quá cao, đành phải dùng bò nuôi để cày”.

 

Ở hai huyện Sông Hinh và Đồng Xuân, người trồng sắn cũng phải tận dụng tối đa những gì có thể để giảm chi phí thu hoạch. Anh Nguyễn Ngọc Cảnh ở thôn Đồng Phú (xã Đức Bình Tây, huyện Sông Hinh) cho biết: “Trước thời điểm giá xăng dầu tăng, cước vận chuyển về nhà máy sắn Sông Hinh chỉ có 600.000 đồng/chuyến, nay tăng thêm từ 100.000-200.000 đồng/chuyến. Tôi phải tự gom sắn dồn vào bao tải, rồi bốc lên xe cho đỡ tốn công, bù vào khoản chi phí vận chuyển”. Anh Cảnh cho biết thêm, với 6,5 sào sắn đang thu hoạch, ước đạt hơn 10 tấn tươi, sau khi trừ chi phí chỉ còn lại khoảng 16 triệu đồng, thất thu gần 1 triệu đồng.

 

Giá xăng dầu tăng cao, các nhà máy trả cước vận chuyển lại chưa tương xứng. Để bù đắp, các nhà xe tự “làm giá” với nông dân. Đó là chưa nói đến việc gây khó dễ, hạch sách trong vận chuyển nguyên liệu. Xã Ea Chà Rang (huyện Sơn Hòa) có 790ha mía và khoảng 700ha sắn. Đến thời điểm này, mía mới chỉ thu hoạch được hơn 50% và sắn khoảng 70% diện tích, chậm hơn nhiều so với mùa vụ trước. Ông KPá Y KLô, Chủ tịch UBND xã Ea Chà Rang, chia sẻ: “Tiền dầu cao, tỉ lệ trừ tạp chất quá lớn, các nhà xe đòi tiền “bo” mỗi chuyến từ 400.000-500.000 đồng. Trong khi đó, xe vận chuyển lại không đáp ứng tiến độ thu hoạch mía. Thông thường, thay vì 2 ngày/chuyến, thì hiện nay kéo dài 4-5 ngày/chuyến, có khi cả tuần chẳng có chuyến nào, dẫn đến lượng mía tồn đọng quá lớn. “Trời mưa đất chịu”, nông dân gánh hết”. Xe vận chuyển chậm và rời rạc, nhiều nông dân có diện tích mía lớn đang từng ngày thấp thỏm chờ xe, tìm đủ cách để tiêu thụ hết lượng mía tồn đọng. Chị Nguyễn Thị Thúy, ở buôn Kiến Thiết (xã Ea Chà Rang, huyện Sơn Hòa) cho hay: “13ha mía của gia đình đã đến thời điểm thu hoạch, nhưng không kịp vận chuyển về nhà máy vì không đủ xe. Không còn cách nào khác, tôi đã đề nghị nhà máy cho tách ra làm hai hợp đồng để được phân bổ thêm chuyến, nhưng chưa được chấp nhận. Nếu không được đành phải bán cho các nhà máy khác”. 

 

Mía chín rộ phơi đầy đường, thậm chí cả trong vườn nhà, “nướng” ngoài đồng, trong khi đó cước vận chuyển lại quá cao, nông dân “dài cổ” chờ xe. Thời tiết nắng nóng, nhiều người bày tỏ lo ngại mía héo, dễ xảy ra cháy gây thiệt hại và làm chậm tiến độ gieo trồng vụ sau.

 

PHƯƠNG NAM

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Cơ hội tiếp cận vốn tài trợ của GCF
Thứ Bảy, 12/03/2011 10:00 SA
Nghề lột tổ yến hút lao động
Thứ Bảy, 12/03/2011 09:30 SA
Ngăn cúm gia cầm xâm nhập Phú Yên
Thứ Bảy, 12/03/2011 07:35 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek