Dịch cúm gia cầm đang bùng phát trở lại, có chiều hướng lây lan rộng trên cả nước và đang áp sát tỉnh Phú Yên. Báo Phú Yên đã có cuộc trao đổi với bà Đỗ Thị Đậu, Phó Chi cục Trưởng Chi cục Thú y tỉnh xung quanh vấn đề này.
Hàng gà ở chợ Tuy Hòa vắng khách vì người tiêu dùng lo ngại dịch cúm gia cầm. - Ảnh: T.HƯƠNG
* Nhiều địa phương trong cả nước đã và đang có dịch cúm gia cầm chưa qua 21 ngày. Trước tình hình đó, xin bà cho biết ngành Thú y tỉnh đã có những biện pháp gì để phòng chống dịch xảy ra trên địa bàn?
- Đợt tiêm vắc xin cúm gia cầm gần đây nhất vào tháng 10/2010 đã đạt kết quả tuyệt đối nên thời điểm này đàn gia cầm vẫn còn trong thời gian miễn dịch với loại bệnh này. Đây là một trong những yếu tố quyết định hàng đầu trong công tác phòng chống. Việc gìn giữ chuồng trại chăn nuôi sạch sẽ, môi trường trong lành là một trong những yếu tố quan trọng không kém, quyết định sự phát tán, sinh sôi mầm bệnh trong môi trường. Do vậy, chúng tôi tập trung vào việc tuyên truyền cho người dân về ý thức giữ gìn vệ sinh trong chăn nuôi, hướng dẫn cách và tần suất phun thuốc tiêu độc khử trùng chuồng trại, trong thời điểm có dịch nên phun với tần suất 2 lần/tuần để phòng ngừa và tiêu diệt mầm bệnh nếu có. Vừa qua, tỉnh Phú Yên được cấp 10.000 lít hóa chất khử trùng Benkocid từ nguồn dự trữ quốc gia. Vì vậy trước mắt, địa phương không thiếu thuốc sát trùng môi trường để phòng chống dịch.
Mặt khác, chúng tôi tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển, mua bán, giết mổ gia súc, gia cầm qua địa bàn. Hiện các lực lượng chức năng đang làm việc 24/24 giờ tại chốt kiểm dịch cầu Bình Phú (TX Sông Cầu) và trạm kiểm dịch Hảo Sơn (huyện Đông Hòa). Các phương tiện vận chuyển động vật về tỉnh hoặc quá giang qua địa phận tỉnh đều được kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ, phun thuốc tiêu độc sát trùng.
* Vai trò của cán bộ thú y cơ sở trong thời điểm này như thế nào, thưa bà?
- Cán bộ thú y cơ sở cần nâng cao vai trò trong việc phát hiện, báo dịch từ cơ sở đến chi cục và UBND của địa phương để sớm có cách phòng chống, dập dịch kịp thời khi có trường hợp dịch bệnh xảy ra. Đội ngũ thú y viên còn tăng cường giám sát việc mua bán, giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y tại các điểm giết mổ, các khu chợ mua bán động vật, sản phẩm động vật tập trung. Họ còn có trách nhiệm phối hợp với địa phương tổ chức tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân để phổ cập kiến thức phòng chống và không giấu dịch đến từng hộ chăn nuôi.
* Theo bà, các ngành chức năng cần phải làm những gì để công tác phòng chống, ngăn chặn dịch cúm gia cầm đạt hiệu quả cao?
- Công tác tiêm phòng vắc xin cần được triển khai đúng lịch và thường niên để nâng cao sức đề kháng của động vật. Đây là một trong những phương pháp phòng chống dịch hiệu quả nhất. Hiện lực lượng thú y viên cơ sở còn “mỏng”, kinh phí hỗ trợ cho công tác chống dịch còn hạn hẹp, nên ngành không đủ nhân lực “rải đều” trên khắp các địa bàn để phát hiện kịp thời dịch bệnh hay những hành vi cố ý tránh tuyến để trốn kiểm dịch… Vì vậy, trong thời điểm này, các địa phương cần tuyên truyền nâng cao ý thức phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm của người dân, chứ không riêng các ngành chức năng. Bởi vì, nhân dân có khả năng phát hiện sớm nhất, báo cáo kịp thời cho đơn vị có trách nhiệm để xử lý nhanh. Có như vậy, công tác phòng chống dịch bệnh sẽ đạt kết quả tốt nhất.
* Xin cảm ơn bà!
TUYẾT HƯƠNG (thực hiện)