Chương trình hỗ trợ cạnh tranh toàn cầu cho doanh nghiệp Việt
Đại biểu dự hội thảo trình bày ý tưởng kinh doanh sáng tạo. - Ảnh: N.TRƯỜNG
* Ông có thể giới thiệu về chương trình hỗ trợ cạnh tranh toàn cầu cho doanh nghiệp Việt
- GCF là quỹ của Cơ quan hỗ trợ phát triển quốc tế của Chính phủ Đan Mạch nhằm cung cấp tài trợ có vốn đối ứng cho việc thực hiện các ý tưởng kinh doanh mang tính sáng tạo của doanh nghiệp tư nhân, tổ chức ngoài quốc doanh. Chương trình có mục tiêu nâng cao tính cạnh tranh của các doanh nghiệp tư nhân hoạt động trong các lĩnh vực định hướng xuất khẩu thông qua việc tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ thương mại thích hợp và đưa ra các mô hình kinh doanh mang tính sáng tạo.
Trong giai đoạn 2006-2010, GCF đã triển khai dự án tại 4 tỉnh: Hà Tây (cũ), Nghệ An, Khánh Hòa và Lâm Đồng, đã hỗ trợ 135 tỉ đồng cho 52 đơn vị, tạo việc làm cho gần 9.400 lao động, giá trị xuất khẩu tăng thêm 58 tỉ đồng. Giai đoạn 2011-2013, GEF thực hiện tại 8 tỉnh, trong đó có Phú Yên, sẽ tài trợ 216 tỉ đồng nhằm hỗ trợ cho khoảng 50-60 dự án, với mức tài trợ trung bình 3 tỉ đồng/dự án, nhưng tùy quy mô dự án có thể tài trợ lên đến 8 tỉ đồng.
* Đối tượng nào được GCF ưu tiên tài trợ vốn ?
- Sản xuất kinh doanh luôn gặp rủi ro, nhất là khi thực hiện ý tưởng mới. Do vậy, sự hỗ trợ của GCF nhằm giúp doanh nghiệp giảm thiểu rủi ro về tài chính khi sản xuất kinh doanh, ứng dụng công nghệ mới, tiếp cận thị trường xuất khẩu, thử nghiệm các mô hình kinh doanh mới. Đây là đối tượng được ưu tiên tài trợ của GCF. Các hoạt động của GCF đặt trọng tâm vào các ngành nghề và các chuỗi giá trị gia tăng có tiềm năng xuất khẩu, trên cơ sở ưu tiên phát triển của tỉnh như cá ngừ đại dương xuất khẩu của Phú Yên. Về mặt tổng thể, chúng tôi ưu tiên các ngành nông nghiệp và chế biến nông sản, ngư nghiệp, nghề thủ công mỹ nghệ và du lịch; ưu tiên các ngành nghề có chủ doanh nghiệp hoặc nhà sản xuất là nữ.
* Để tiếp cận được tài trợ của GCF, các doanh nghiệp phải đáp ứng những yêu cầu gì, thưa ông?
- GCF không tài trợ cho doanh nghiệp mà tài trợ cho những ý tưởng, sáng kiến mới của doanh nghiệp, nơi triển khai dự án chưa có trước đó. Do vậy yêu cầu cơ bản có tính quyết định là doanh nghiệp phải có ý tưởng, sáng kiến và dịch vụ mới nhằm cung cấp giải pháp, dịch vụ cho các thách thức mà các doanh nghiệp nhỏ, hộ kinh doanh và nông dân đang phải đối mặt; đặc biệt là trong chuỗi giá trị gia tăng sản phẩm nông lâm ngư nghiệp theo hướng xuất khẩu mang tính bền vững. Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải đáp ứng được các yêu cầu sau: có tầm nhìn dài hạn và sẵn sàng chịu rủi ro; có năng lực quản lý và có con người đủ trình độ thực hiện dự án; phải chứng tỏ được thành tích đã hoạt động trong ngành đã lựa chọn; có khả năng tài chính để đầu tư vào cơ sở hạ tầng theo yêu cầu và đóng góp vốn đối ứng cho dự án đề xuất…
* Còn các hỗ trợ cụ thể đối với doanh nghiệp?
- Đối với doanh nghiệp Phú Yên đang hoạt động tại địa phương sẽ được tài trợ 40%-75% vốn của dự án. Nếu dự án đầu tư có đào tạo kỹ thuật, trang bị các thiết bị và các hoạt động thể hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (như bảo vệ môi trường, an toàn sức khỏe người lao động) thì có thể tài trợ đến 75%; còn dự án chỉ cần đầu tư thiết bị sản xuất (mà chúng tôi gọi là phần cứng) thì GCF tài trợ tối đa 50%, tùy thuộc vào đánh giá lợi ích mang lại cho đối tượng tham gia chuỗi giá trị gia tăng đó.
* Theo ông, ở Phú Yên có những dự án nào có thể được GCF tài trợ vốn thực hiện?
- Phú Yên là tỉnh có sản phẩm nông lâm ngư nghiệp đa dạng để chế biến phục vụ xuất khẩu, trong khi đó hầu hết doanh nghiệp ở tỉnh này là doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động còn hạn chế do thiếu vốn, công nghệ lạc hậu, thị trường xuất khẩu hạn hẹp. Đây là cơ sở để GCF lựa chọn triển khai dự án. Tại buổi hội thảo này, chúng tôi được các doanh nghiệp trình bày nhiều ý tưởng phát triển sản xuất kinh doanh khá hấp dẫn thuộc nhiều lĩnh vực như chế biến cá ngừ đại dương xuất khẩu, nuôi tu hài thương phẩm xuất khẩu, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu, chế biến tiêu sọ xuất khẩu… Đây là những dự án phù hợp với mục tiêu của chương trình, hoàn toàn có khả năng được GCF chấp nhận. Vấn đề còn lại là các doanh nghiệp có đáp ứng được các tiêu chí mà GCF yêu cầu và thứ tự ưu tiên để tính điểm cho các đề xuất dự án.
* Xin cảm ơn ông!
NGUYÊN TRƯỜNG (thực hiện)