Một số dịch vụ “ăn theo” đợt Tết Nguyên đán tăng giá rồi không chịu xuống; số khác vừa xuống giá chưa được bao lâu đã vội vã lên theo giá xăng dầu, điện nước. Trong khi đó, giá nguyên liệu vẫn khá bình thường nên bên chịu thiệt vẫn là người tiêu dùng.
Giá nhiều mặt hàng hải sản tại chợ rất thấp, nhưng khi vào quán được “thổi” lên khá cao - Ảnh: N.XUÂN
HÀNG BÌNH DÂN TĂNG GIÁ MẠNH
Hơn một tháng trở lại đây, nhiều dịch vụ ăn uống, vui chơi giải trí trên địa bàn TP Tuy Hòa liên tục tăng giá. Điều đáng nói là những điểm bán hàng càng bình dân thì sức tăng càng mạnh. Cụ thể, trước tết, bánh canh giá chỉ 6.000-7.000 đồng/tô thì hiện nay đã nâng lên 8.000-10.000 đồng/tô. Trong đợt Tết Nguyên đán, quán bún bình dân trên vỉa hè đường Nguyễn Huệ đã tăng 5.000 đồng/tô bún với lý do giá các nguyên liệu đều tăng. Nhưng điều lạ là sau tết, khi giá các mặt hàng đều đã trở lại bình thường thì quán bún trên vẫn giữ giá cũ. Một số quán ăn bình dân khác cũng tăng tiền trong dịp tết khoảng 30% và đã bán lại giá cũ, nhưng chưa được bao lâu thì tiếp tục nâng giá lên từ 10-30%. Chị Loan, chủ quán bún trước cổng Trường Đại học Phú Yên phân trần: “Hiện các mặt hàng đều tăng giá mạnh, tiền điện, nước, xăng dầu, nhà trọ cũng tăng cao nên chúng tôi buộc phải tăng giá bán để bù qua các khoản phát sinh thêm”. Cũng như chị Loan, nhiều quán ăn khác, từ những món rẻ tiền nhất như chè, sinh tố, bánh canh, bún, phở đến bắp nướng cũng đều tăng giá khá mạnh khiến nhiều người thực sự ngạc nhiên.
Tại chợ Tuy Hòa ngày 10/3, các loại thực phẩm, hải sản tươi sống bình ổn giá. Thịt bò 140.000-150.000 đồng/kg, gà ta 90.000 đồng/kg, gà công nghiệp 60.000 đồng/kg, giò heo 50.000-60.000 đồng/kg, thịt heo 70.000-80.000 đồng/kg. Các loại hải sản nguồn cung khá dồi dào nên giá cũng không tăng: Cua biển (loại nhỏ) 80.000 đồng/kg, mực tươi 90.000-120.000 đồng/kg, sò huyết 40.000-65.000 đồng/kg, sò lông 20.000 đồng/kg, ngao biển 20.000-40.000 đồng/kg, tôm đất 120.000-140.000 đồng/kg, cá thu (nguyên con): 100.000 đồng/kg.
Hiện các quán cơm bình dân cũng đã tăng giá mạnh. Một đĩa cơm bình dân từ 7.000-10.000 đồng nay đã đồng loạt tăng giá lên 12.000-15.000 đồng; một số quán chất lượng hơn thì lên đến 20.000-25.000 đồng/đĩa. Điều này ảnh hưởng lớn đến đời sống của nhiều học sinh, sinh viên và cả các công chức nhà nước vốn dĩ đồng lương rất hạn hẹp. Trước tình hình đó, nhiều người tiết kiệm chi tiêu bằng nhiều cách. Bạn Bùi Thị Mỹ Linh, sinh viên Trường Đại học Phú Yên, chia sẻ: “Hôm rồi mình cùng mấy người bạn cùng lớp đi ăn chè, sinh tố mới biết các mặt hàng này đều đã tăng giá rất cao. Có lẽ bọn mình sẽ hạn chế ăn bên ngoài để tiết kiệm chi tiêu”.
Tăng giá mạnh nhất là các dịch vụ ăn uống, hải sản ở các quán bình dân. Bạn Phạm Thị Hạnh (ở xã An Hòa, huyện Tuy An) cho biết: “Gần đây, tôi ăn hải sản ở một quán bên kè Bạch Đằng mới “tá hỏa” khi thấy giá nhiều loại hải sản tăng rất cao, tới 30-40% so với thời gian trước. Chủ quán cho rằng, hiện giá các loại hải sản tăng cao nên quán phải bán tăng giá”. Trong khi đó, một số quán khác lại dùng chiêu bài giữ nguyên giá nhưng giảm lượng của món ăn để giữ khách hàng. Anh Sơn, bán hải sản trên đường Lương Văn Chánh (TP Tuy Hòa), cho biết: “Giá nhiều mặt hàng tăng cao nhưng không thể nâng giá cao vì khách của tôi là giới bình dân, và cũng quen với giá cũ rồi. Do đó tôi phải giảm bớt thức ăn để không bị lỗ vốn”.
Không chỉ hàng thực phẩm, mà ngay những dịch vụ vui chơi giải trí, làm đẹp cũng đang nhấp nhổm tăng giá khiến người tiêu dùng thực sự lo lắng. Chị Lý Kim Phượng, chủ salon Kim Spa, cho biết: “Hiện công ty mỹ phẩm đã gửi thông báo tăng giá từ 25-30% trong tuần tới nhưng chúng tôi sẽ cố gắng hạn chế thấp nhất mức tăng để khách hàng vẫn có thể chấp nhận được”.
GIÁ NGUYÊN LIỆU KHÔNG CAO
Nhiều người bán hàng cho rằng, do sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ từ nước ngoài có mức thuế cao hay do sự chênh lệch của tỉ giá ngoại tệ… nên giá tăng. Tuy nhiên,với những sản phẩm có nguồn gốc trong nước hay trong tỉnh, người bán hàng hay đổ lỗi cho giá xăng, dầu, điện, nước và giá nguyên liệu tăng cao. Nhưng giá xăng, dầu, điện nước thì chỉ tăng có hạn, trong khi giá các dịch vụ tăng rất vô chừng, mỗi nơi một khác. Điều đáng nói, thực tế giá nguyên liệu (đặc biệt là hàng thực phẩm) không hề tăng cao như mức các cơ sở ăn uống thổi phồng lên. Chị Cẩm, một người bán hàng hải sản lâu năm tại chợ Tuy Hòa cho biết: “Hiện các mặt hàng hải sản tại chợ khá dồi dào, phong phú nhờ các đợt đánh bắt được mùa của ngư dân. Do đó, giá nhiều mặt hàng hải sản vẫn giữ nguyên, thậm chí thấp hơn giá cũ. Nếu các quán ăn tăng giá thì chỉ do giá các nguyên liệu chế biến đi kèm tăng, nhưng nếu dựa vào đó mà “thổi” giá lên quá cao là rất vô lý”.
Một số người thường xuyên đi chợ, nắm bắt giá cả đã nhanh chóng tìm cách đối phó với việc bị “móc tiền” oan. Chị Đoàn Thị Kim Oanh (phường 7, TP Tuy Hòa) chia sẻ: “Sau một lần đi ăn với các đồng nghiệp, biết bị “chặt chém” vô lý, mình rút ra kinh nghiệm: trong lúc giá cả không ổn định như hiện nay, tốt nhất là hạn chế ăn ngoài. Nếu muốn ăn hải sản thì nên mua về tự chế biến, vừa an toàn, sạch sẽ lại vừa có thể tiết kiệm được không dưới 300% số tiền phải bỏ ra khi ra ăn quán”.
XUÂN NGÔ