Tiếp sau đợt tăng giá xăng dầu vào ngày 24/2 và tăng giá điện vào ngày 1/3 vừa qua là sự biến động giá cả của nhiều loại hàng hóa, dịch vụ. Điều đó đã tác động lớn đến tình hình sản xuất và đời sống xã hội. Tác động của giá cả leo thang được thể hiện rõ nhất trong bữa ăn của các gia đình. Đa số các bà nội trợ khi được hỏi đều phàn nàn rằng chi phí cho mỗi lần đi chợ tăng từ 20-30% so với trước đây. Không chỉ có giá thực phẩm tăng mà hầu như giá của tất cả các loại hàng hóa, dịch vụ đều tăng.
Tình hình tăng giá trong điều kiện thu nhập không tăng thì không còn cách nào khác là buộc mỗi người phải tự cắt giảm chi tiêu trong gia đình.
Những ngày gần đây, hai từ “tiết kiệm” được nhắc đến khá nhiều, từ chủ trương của Chính phủ đến lời kêu gọi của các cấp, ngành, đoàn thể và từng gia đình. Chính phủ đã có Nghị quyết về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội, trong đó tập trung 7 nhóm giải pháp chủ yếu mà thực chất các nhóm giải pháp trên vẫn là thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Điều dễ nhất mà ai cũng có thể thực hiện là tiết kiệm điện. Thực hiện tốt tiết kiệm điện là tiết kiệm được một phần chi phí không nhỏ trong chi tiêu. Không phải đến bây giờ vấn đề tiết kiệm điện mới được lưu ý, tuy nhiên, đối với nhiều người, đôi khi việc hao phí một vài kWh điện mỗi tháng không làm họ quan tâm, nhưng nếu dồn lại thì là con số không nhỏ. Cụ thể nhất là trong một tính toán mới đây, với chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với người nghèo khi thực hiện giá điện mới từ ngày 1/3 năm nay, để hỗ trợ tiền điện cho người nghèo trong 50kWh điện hàng tháng, thì mỗi năm ngân sách Nhà nước đã phải bỏ ra 1.220 tỉ đồng. Như vậy nếu gia đình nào cũng thực hành tiết kiệm điện thì số tiền mang lại mỗi năm có thể dùng để kiến thiết, xây dựng được khá nhiều công trình phúc lợi. Các doanh nghiệp triển khai tiết kiệm điện bằng việc tranh thủ sản xuất vào lúc thấp điểm để giảm chi phí tiền điện; thay đổi máy móc, thiết bị, dây chuyền sản xuất để bớt tiêu hao điện năng... để giảm chi phí giá thành, đảm bảo giá sản phẩm phù hợp trong cạnh tranh.
Bài học “Tiết kiệm là quốc sách” đã được đề cập từ xưa và luôn được Đảng, Nhà nước ta đặt ra trong các thời kỳ. Phong trào thực hành tiết kiệm, chống lãng phí thời gian qua đã thu được nhiều kết quả, nhưng cũng phải nói thẳng là tình trạng lãng phí vẫn chưa hết. Trong khi người dân, doanh nghiệp đang phải thắt chặt chi tiêu, cần kiệm từng đồng thì sự lãng phí vẫn còn ở nhiều cơ quan, công sở của Nhà nước. Tình trạng sử dụng điện thắp sáng, nước, chi phí văn phòng lãng phí nhiều nơi vẫn còn. Tình trạng ăn nhậu, liên hoan trong các cuộc khởi công, khánh thành… gây lãng phí tiền của và thời gian cũng chưa hết.
Phú Yên đang quyết tâm triển khai thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về “những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội” bằng các chương trình hành động cụ thể, thiết thực bám sát các nhóm giải pháp đã đề ra. UBND tỉnh Phú Yên đã yêu cầu các sở, ban ngành và địa phương thực hiện tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên trong 9 tháng cuối năm 2011, tương đương số tiền hơn 30 tỉ đồng. Đặc biệt, yêu cầu tạm dừng trang bị ô tô, máy lạnh, thiết bị văn phòng và giảm tối đa chi phí điện, điện thoại, văn phòng phẩm, xăng dầu...
Người Việt
TRÍ THANH