Xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ mới quan trọng nhằm tạo sự chuyển biến trong sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn, góp phần giữ vững ổn định chính trị - xã hội. Ở huyện miền núi Sơn Hòa, nơi tỉ lệ hộ nghèo chiếm gần 24%, việc xây dựng nông thôn mới đang được các ngành chức năng của huyện triển khai tích cực.
Nông dân xã Sơn Định (huyện Sơn Hòa) thu hoạch mủ cao su - Ảnh: H.NAM |
Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn huyện Sơn Hòa, toàn huyện có 1.501ha lúa nước, năng suất lúa năm 2010 đạt 57,6 tạ/ha; diện tích mía 8.511ha, sản lượng thu hoạch là 443.466 tấn. Sơn Hòa có 62 trang trại, tập trung ở các xã Sơn Định, Ea Chà Rang, Sơn Hà, Suối Bạc, Sơn Hội. Các trang trại này kết hợp trồng trọt với chăn nuôi, từng bước chuyển từ chăn nuôi phân tán sang chăn nuôi công nghiệp và bán công nghiệp, đồng thời từng bước thể hiện tính chuyên môn hóa sản xuất để nâng cao khả năng kinh doanh. Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp còn phụ thuộc vào thiên nhiên, nhất là cây mía còn phụ thuộc vào thời tiết, chưa chủ động lịch thời vụ nên khi mía chín thì chín đồng loạt, nông dân gặp khó khăn trong khâu thu hoạch và tiêu thụ. Bên cạnh đó, việc sản xuất lúa nước còn khó khăn trong khâu giống, nông dân thường dùng lúa thịt để gieo sạ ảnh hưởng đến năng suất, sâu bệnh thường hay xảy ra dẫn đến chi phí thuốc bảo vệ thực vật cao.
Đối với các trang trại, việc đầu tư phát triển nhằm khai thác, sử dụng có hiệu quả đất đai, vốn, kỹ thuật, kinh nghiệm quản lý góp phần phát triển nông nghiệp còn gặp nhiều khó khăn do cơ sở hạ tầng thiếu thốn. Với 17 trang trại, Sơn Định là xã dẫn đầu về số lượng trang trại trong toàn huyện, tuy nhiên vẫn chưa phát triển bền vững. Anh Trần Văn Lực ở xã Sơn Định cho biết: “ Hiện nay, người trồng cao su ở đây đang phấn khởi vì thu nhập cao. Với giá mủ cao su nước 35.000 đồng/kg, trung bình mỗi héc ta cho thu nhập một triệu đồng trong một ngày đêm, vì thế diện tích cây cao su phát triển mạnh. Ngược lại, cây cà phê teo tóp dần vì không có nước tưới”. Tại xã Sơn Định, các công trình thủy lợi chưa được đầu tư đúng mức, nông dân chỉ tận dụng nguồn nước mạch, nước ngầm để sản xuất cây trồng, vì thế sản xuất nông nghiệp không hiệu quả nếu gặp năm nắng hạn không đủ nước tưới cuối vụ. Trong thời gian đến, nếu được chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới đầu tư, trong đó có các công trình thủy lợi, thì các chủ trang trại ở đây sẽ đa dạng hóa cây trồng.
Huyện Sơn Hòa lựa chọn hai xã Sơn Hà và Sơn Nguyên xây dựng nông thôn mới. Đầu năm 2011, hai xã trên đều thành lập Ban chỉ đạo xây dựng thí điểm nông thôn mới. Ông Phạm Đình Phụng, Chủ tịch UBND xã Sơn Hà, cho hay: “Việc lập đề án xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã theo kế hoạch của UBND huyện, trước hết là tập trung vào các nội dung như: quy hoạch vùng sản xuất, vùng dân cư, quy hoạch phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng hiện đại, tạo điều kiện thuận lợi trong sinh hoạt, phát triển văn hóa, giữ gìn môi trường và phát triển các làng nghề ở địa phương. Trước mắt, các khu dân cư ở các điểm nông thôn mới được quy hoạch lại cho phù hợp quy hoạch phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng kinh tế - kỹ thuật, đồng thời xây dựng nông thôn mới gắn với nâng cao dân chủ cơ sở, phát huy tính sáng tạo của người dân nông thôn.
Chủ tịch UBND huyện Sơn Hòa Cao Minh Hòa cho biết: “Huyện có 13 xã, một thị trấn, gồm có 70 thôn, buôn và 4 khu phố. Trên địa bàn huyện chưa có xã nào đạt đủ 19 tiêu chí nông thôn mới so với bộ tiêu chí quốc gia. Do vậy trong thời gian đến, song song với việc ưu tiên đầu tư phát triển kinh tế, hạ tầng, huyện chú trọng đẩy mạnh phát triển y tế, giáo dục, xây dựng các thiết chế văn hóa ở nông thôn gắn với nâng cao dân chủ cơ sở, đồng thời tích cực thực hiện xóa đói, giảm nghèo, giải quyết các vấn đề xã hội nhằm không ngừng nâng cao đời sống nhân dân”.
MẠNH HOÀI