Thứ Sáu, 04/10/2024 06:29 SA
Ngăn chặn việc tăng giá bất hợp lý
Thứ Hai, 07/03/2011 07:20 SA

Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2 tăng 2,09% so với tháng trước, là mức tăng cao nhất của CPI trong 30 tháng gần đây. CPI tháng 2 tăng cao là điều dễ hiểu. Vì đây là thời điểm Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu dùng xã hội tăng cao. Giá tăng, ngoài yếu tố quy luật tiêu dùng hằng năm, còn chịu tác động mạnh của việc tăng giá hàng hóa trên thị trường thế giới làm tăng giá đầu vào của nhiều ngành sản xuất, biến động giá ngoại tệ và vàng; thiên tai dịch bệnh, sự bất cập của hệ thống phân phối cả bán buôn và bán lẻ, nhất là yếu tố đầu cơ trục lợi, tăng giá kiểu “ăn theo” ở khâu bán lẻ tại các chợ dân sinh, chợ tự phát, hộ kinh doanh tại chợ, đường phố - là những nơi hầu như nằm ngoài sự kiểm soát giá của cơ quan quản lý Nhà nước.

 

Ngày 24/2, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối thực hiện tăng giá bán (đã bao gồm thuế giá trị gia tăng): Giá xăng tăng 2.900 đồng/lít, lên 19.300 đồng/lít. Giá dầu diezel tăng 3.550 đồng/lít, lên 18.300 đồng/lít. Và từ ngày 1/3, giá điện cũng tăng xấp xỉ 160 đồng/kWh, bình quân gần 1.220 đồng/kWh. Nhiều chuyên gia cho rằng việc điều chỉnh giá xăng dầu, điện là điều tất yếu của cơ chế thị trường. Tuy nhiên, xăng dầu, điện là nhiên liệu đầu vào quan trọng của tất cả các ngành kinh tế nên việc tăng giá sẽ khó tránh khỏi ảnh hưởng đến sản xuất. Thực tế cho thấy, trên thị trường, nhiều mặt hàng đã “chủ động” tăng giá theo kiểu “đón đầu”. Một số doanh nghiệp sản xuất cũng rục rịch tăng giá hàng hóa, dịch vụ, thông báo giá mới đến các nhà phân phối, đại lý. Điều này sẽ dẫn đến việc thiết lập một mặt bằng giá mới và dân nghèo là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nhất. Như vậy sẽ tác động tiêu cực đến an sinh xã hội.

 

Do vậy, đây là lúc đòi hỏi công tác quản lý giá cả cần được kiểm soát chặt chẽ, không để xảy ra tình trạng tăng giá “ăn theo” giá điện, xăng dầu. Ngày 24/2, tại hội nghị giao ban trực tuyến với các tỉnh thành, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã giao UBND các địa phương chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành chức năng làm tốt công tác quản lý giá, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, lợi dụng nâng giá, găm hàng trục lợi. Trong đó, đưa các mặt hàng thiết yếu như lương thực, xăng, dầu, thuốc chữa bệnh, sữa vào diện kiểm soát giá chặt chẽ.

 

Đối với các cơ quan quản lý Nhà nước, cần đặc biệt tăng cường công tác quản lý thị trường, có các biện pháp cụ thể (hành chính, kinh tế) để không xảy ra hiện tượng lợi dụng việc điều chỉnh tỉ giá, giá điện, xăng, dầu để tăng giá các sản phẩm một cách tràn lan, bất hợp lý. Các cơ quan tài chính địa phương cần xem xét kỹ các mức tăng giá mà doanh nghiệp đăng ký để bảo đảm thông qua các mức giá hợp lý, người tiêu dùng chấp nhận được. Cơ quan quản lý thị trường cần tăng cường kiểm tra việc niêm yết giá, bán theo giá niêm yết, xử lý kiên quyết đối với những trường hợp vi phạm.

 

Về phía các doanh nghiệp, cần thấy rằng việc tăng giá sản phẩm hàng hóa, dịch vụ là “con dao hai lưỡi”, vì tăng giá sẽ hạn chế lượng người tiêu dùng, sẽ ảnh hưởng xấu đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Do vậy không để tăng giá bất hợp lý cần thực hiện triệt để việc tiết kiệm chi phí điện, xăng, dầu trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; có biện pháp quyết liệt cải tiến công nghệ, đổi mới quản lý, tiết kiệm, chống lãng phí, tăng năng suất, hạ giá thành để góp phần kiềm chế việc tăng giá hàng hóa, dịch vụ.

 

NGUYÊN TRƯỜNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek