May công nghiệp chuyển về nông thôn đang tạo sự đồng thuận từ các địa phương, đồng thời giải quyết được một lượng lớn lao động vốn nông nhàn sau mùa vụ, góp phần làm tăng tổng thu nhập bình quân hàng năm. Yếu tố nhân lực đóng một vai trò hết sức quan trọng để tạo dựng thương hiệu của đơn vị.
Nhiều lao động nông thôn được đào tạo nghề may tại Công ty cổ phần An Hưng. - Ảnh: N.T |
Xí nghiệp may An Hưng tại xã Hòa An, huyện Phú Hòa thuộc Công ty cổ phần An Hưng), là đơn vị phối hợp thường xuyên với Trung tâm Khuyến công Phú Yên để đào tạo công nhân và đạt được những thành công nhất định. Sau tết chưa lâu, không khí làm việc tại Xí nghiệp này khá tất bật và nghiêm túc. Anh Bùi Văn Tâm, Phó Giám đốc Xí nghiệp may An Hưng tại xã Hòa An chia sẻ: “May công nghiệp là ngành đòi hỏi số lượng lao động khá lớn, nhưng lao động tại xí nghiệp phần lớn ở nông thôn nên ý thức tổ chức kỷ luật còn hạn chế. Vì vậy, để đưa họ vào “guồng máy” sinh hoạt tập thể, tác phong công nghiệp, xí nghiệp đã gặp không ít khó khăn”.
Năm 2010, ngoài phối hợp với Công ty cổ phần An Hưng, Trung tâm Khuyến công Phú Yên còn phối hợp với 3 doanh nghiệp: Công ty TNHH May xuất khẩu Cavina, DNTN Phúc Phong, HTX SX KD và DV TM Hưng Phú đào tạo nghề may công nghiệp cho 300 lao động.
Đa số công nhân là người địa phương ở các huyện Phú Hòa, Đông Hòa, Tuy An, Đồng Xuân… nhiều nhất thuộc các xã Hòa An, Hòa Quang Bắc, Hòa Quang Nam (huyện Phú Hòa), xã Hòa Thành (huyện Đông Hòa), lại trong độ tuổi 18 đến khoảng 28 nên vào những dịp mùa vụ, hay sau tết các em nghỉ việc rất đông. Trước tình hình đó, năm 2010, công ty đã được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến công mở một số lớp học nghề may công nghiệp, đã đào tạo trên 300 học viên. Sau 3 tháng học hoặc 6 tháng (tùy học viên) học nghề, các học viên hầu hết được nhận làm công nhân chính thức làm việc tại xí nghiệp. Bên cạnh đó, Công ty cổ phần An Hưng còn có các chế độ ưu đãi nhằm thu hút lao động và đảm bảo đời sống cho công nhân như đóng bảo hiểm lao động, thưởng công nhân làm việc vượt năng suất. Đối với những công nhân ở xa đi làm phải ở trọ lại sẽ được hỗ trợ tiền nhà trọ. Ngoài ra, hàng tháng người lao động còn được thưởng thành tích chuyên cần, làm việc đúng giờ giấc và chấp hành tốt các nội quy…
Ông Tâm cho biết thêm: “Thời gian tới ngoài việc nâng cấp nhà xưởng, mở rộng quy mô sản xuất, công ty sẽ phối hợp với Trung tâm Khuyến công tổ chức khai giảng tiếp một số lớp đào tạo may công nghiệp cho các học viên có nguyện vọng theo học. Đồng thời tiếp tục tuyển dụng và đào tạo công nhân nếu họ có nhu cầu làm việc lâu dài tại công ty”. Không dừng lại ở việc đào tạo nghề cho công nhân, hàng năm Công ty cổ phần An Hưng còn tổ chức mở lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho các cán bộ quản lý ngành may công nghiệp.
Sau khoảng 4 năm nâng cấp và đi vào hoạt động (từ tháng 11/2008), đến nay, Xí nghiệp may An Hưng tại xã Hòa An đã tạo việc làm ổn định cho gần 500 lao động, với mức lương trung bình 1,8 triệu đồng/người/tháng, nhiều công nhân có mức thu nhập cao đến từ 4 đến 5 triệu đồng/người/tháng. Giờ đây, hiện tượng công nhân nghỉ việc tự do không còn. Những tháng đầu năm 2011, các chuyến hàng đầu tiên đã được xuất đi TP Hồ Chí Minh và sản phẩm của công ty đang ngày càng khẳng định thương hiệu của Công ty cổ phần An Hưng trên thị trường, tạo uy tín với đối tác.
Ông Huỳnh Công Điềm, Giám đốc Trung tâm Khuyến công (Sở Công Thương Phú Yên) cho biết: “Đợt 1 năm 2011, ngoài việc đào tạo 500 công nhân ngành chế biến, trung tâm sẽ tiếp tục hỗ trợ cùng các doanh nghiệp đào tạo nghề may công nghiệp cho 1.000 lao động. Đây là nghề đang phát triển tại địa phương nên việc đào tạo nhằm giải quyết việc làm và nâng cao tay nghề cho công nhân lao động”.
AN NGUYÊN