Thứ Hai, 07/10/2024 11:18 SA
Khốn đốn vì ruộng ngập mặn
Thứ Hai, 10/01/2011 07:10 SA

Liên tiếp nhiều ngày qua, triều cường xâm thực làm ngập úng 110ha lúa đông xuân xứ đồng Đồng Mây, Đồng Vỡ và Ba Biện ở xã An Cư, huyện Tuy An. Trong đó có gần 25ha lúa 4-5 ngày tuổi, phải sạ lại lần hai.

 

ngap-man110110.jpg

Nước mặn xâm nhập lênh láng cánh đồng Ba Biện, xã An Cư. - Ảnh: H.NAM

 

“ĐIỆP KHÚC” NGẬP MẶN

 

Vụ đông xuân năm nay, ông Nguyễn Hùng, ở thôn Phú Tân 1, xã An Cư sạ 3 sào ruộng thì cả 3 sào bị nước mặn “ngâm” nhiều ngày làm lúa thối toàn bộ. Hiện còn 1 sào giống ngâm ủ nảy mầm, 2 ngày qua ông đem phơi giống chờ nước mặn lại rút. Nhưng chiều tối nước mặn tiếp tục tràn bờ bao, ông ra ruộng bừa kéo láng sạ cầu may. “Nước mặn ngập 5 ngày rồi, lúa giống phơi héo mọng, nếu không sạ thì cũng vãi cho gà ăn”- Ông Hùng buồn bã nói. Theo kinh nghiệm của nhiều người nông dân, gió bấc (đông bắc) thổi mạnh như hiện nay, thì đợt triều cường này còn kéo dài khoảng 1 tuần nữa. 

 

Bà Nguyễn Thị Chút, có ruộng cạnh ông Hùng than vãn: “Đợt sạ vừa rồi tôi không may chút nào. Chiều đó sạ xong vừa bưng thúng về nhà thì triều cường xâm thực, nước mặn lênh láng từ đồng Cổ Cò xuống cống Gò Bùn”. Không riêng bà Chút, ông Hùng mà nhiều hộ dân có làm ruộng ở đây như bà Phạm Thị Bẻo, ông Lê Tấn Thịnh… có ruộng vừa sạ xong đang ngoi ngóp giữa cánh đồng nước mặn. Để đối phó với tình trạng này, nông dân chỉ biết sạ dày để trừ hao khi bị ngập mặn lúa chết. Tuy nhiên, có những đợt mặn nước ngập kéo dài khi nước rút, nước ngọt trong kênh “đứt” nên không kịp thời lấy nước rửa mặn, cứu lúa được. Nhiều người dân cho biết, mấy năm qua, vụ đông xuân năm nào ruộng ở đây cũng “sạ đi, sạ lại” nhiều lần vì bị nhiễm mặn. Mặc dù đã được hợp tác xã hỗ trợ giống nhưng nông dân phải bỏ tiền túi ra trả các khoản nợ khác, mỗi lần sạ chi phí gần 150.000 đồng/sào tiền cày, bừa...

 

Còn tại cánh đồng Bầu Bèo, Đồng Năng thuộc xã An Hòa,  mặc dù nông dân đào các kênh chứa nước mặn rộng và sâu nhưng do gió mùa đông bắc thổi mạnh, triều cường xâm thực nên các kênh hết sức chứa, khả năng một vài ngày đến nước mặn sẽ tràn bờ. Ông Nguyễn Kế, 40 tuổi, ở thôn Tân An, cho biết: “Có năm lúa mới 10-20 ngày tuổi, nước mặn tràn vào lúa ngã rạp. Sau khi nước rút, nông dân đồng loạt đặt máy bơm bơm nước ngọt từ các kênh vào để phóng phèn, đồng thời phun thuốc dưỡng, tuy nhiên lúa không chịu nổi độ mặn cao cứ lụn dần, phải sạ lạiï”.

 

Theo Phòng NN-PTNT huyện Tuy An, hiện huyện còn dự trữ khoảng 15 tấn  lúa giống, sẽ hỗ trợ cho nông dân bị thiệt hại xuống giống trở lại sau khi nước rút. “Với tình hình thời tiết như hiện nay khả năng đến 24/1, nông dân huyện Tuy An mới có thể sản xuất trở lại. Còn một phần diện tích khoảng 20-25ha có khả năng phải chờ sau đợt triều cường cuối tháng chạp và chắc chắn sẽ sạ sau tết, năng suất lúa có khả năng bị giảm do sạ muộn”- Ông Trần Sáu, Phó Phòng NN-PTNT huyện Tuy An cho biết như vậy.

 

KHÓ RỬA MẶN CHO RUỘNG

 

Bên cạnh các kênh mương ngăn mặn, nông dân thôn Tân An (xã An Hòa) đào các kênh chứa nước ngọt từ hồ chứa Bà Mẫu ở thôn Diêm Hội dẫn về để chủ động rửa mặn. Tuy nhiên, do phải tưới 115ha lúa ở các cánh đồng Bầu Bèo, Đồng Năng, Đầu Cầu (xã An Hòa) và 15ha lúa của nông dân xã An Hải xâm canh tại cánh đồng thôn Diêm Hội của xã An Hòa nên trong kênh không có nước thường xuyên. Ông Nguyễn Minh Công, Chủ tịch UBND xã An Hòa, cho biết: “Năm 2009, huyện Tuy An đầu tư 1 tỉ đồng để sửa chữa, nâng cấp công trình thủy lợi gồm: nâng cấp mặt đập, xử lý hệ thống chống thấm đáy hồ. Tuy nhiên do diện tích tưới rộng, các cánh đồng nằm cuối kênh nên tổ thủy nông phải lên lịch bơm nước theo ban (lô)”. Cũng chính vì vậy, công tác rửa mặn ở các cánh đồng này gặp nhiều khó khăn”.

 

Riêng vụ đông xuân năm nay, tại các cánh đồng xã An Cư tình trạng xâm nhập mặn càng lấn sâu hơn. Nguyên nhân là do tuyến bao ngăn mặn từ Đồng Cò qua Gò Bùn sau mỗi đợt lũ lụt bị bào mòn thấp dần nên nước mặn tràn bờ bao. Hơn nữa, năm nay cống cầu Long Phú đã bị mưa lũ cuối năm 2010 gây hư hỏng, không còn phát huy khả năng ngăn mặn. Trong khi đó cửa biển An Hải đã được khơi thông, nước mặn tràn lên khu vực phía thượng lưu của đầm Ô Loan và xâm thực sâu vào đất sản xuất với tốc độ nhanh.

 

Ông Trần Sáu cho biết thêm: “Về lâu dài huyện, tỉnh nên có đầu tư kiên cố đập ngăn mặn qua đầm Ô Loan và có hệ thống cống đóng mở tự động để đảm bảo thoát úng và ngăn mặn, giúp ổn định các vùng sản xuất nông nghiệp khu vực đầm Ô Loan”.

 

HOÀI NAM - NGÔ XUÂN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Gọi vốn đầu tư vào Khu du lịch Lạc Sanh
Chủ Nhật, 09/01/2011 07:30 SA
Nhấp nhổm tăng giá
Thứ Bảy, 08/01/2011 14:01 CH
Rút ngắn khoảng cách với đồng bằng
Thứ Bảy, 08/01/2011 11:02 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek