Thứ Hai, 07/10/2024 13:26 CH
Phát triển kinh tế miền núi:
Rút ngắn khoảng cách với đồng bằng
Thứ Bảy, 08/01/2011 11:02 SA

Khoảng 10 năm trở lại đây, tỉnh Phú Yên đã đầu tư hàng nghìn tỉ đồng tập trung phát triển kinh tế miền núi, trong đó phải kể đến hiệu quả mang tính đột phá của các chương trình mục tiêu quốc gia của Chính phủ. Nếu như chương trình 134-135 giai đoạn 1 tạo nền tảng vững chắc phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu, thì chương trình 135 giai đoạn 2 thúc đẩy phát triển đồng bộ về dân sinh.

 

nuoc-sach110108.jpg

Đồng bào dân tộc thiểu số huyện Sông Hinh sử dụng nước sạch từ Chương trình 135  - Ảnh: P.NAM

 

ĐẦU TƯ ĐỒNG BỘ, PHÙ HỢP

 

Nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm đến việc phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi. Cùng với các dự án, chương trình 134 đã tạo tiền đề xây dựng, bố trí, sắp xếp lại nơi ở ổn định, giải quyết đất canh tác, hỗ trợ phát triển sản xuất, xây dựng nhà ở mới khang trang cho đồng bào dân tộc thiểu số, hình thành những cụm dân cư tập trung với đầy đủ cơ sở hạ tầng phục vụ dân sinh. Chương trình 135 giai đoạn 1 (1999-2005) cũng đã làm thay đổi bộ mặt các xã đặc biệt khó khăn, tỉ lệ hộ nghèo giảm mạnh, trình độ dân trí được nâng lên. Với khởi điểm 24 xã đặc biệt khó khăn, kết thúc dự án, toàn tỉnh chỉ còn 12 xã.

 

Từ hiệu quả tích cực của chương trình 135 giai đoạn 1, tỉnh Phú Yên tiếp tục triển khai chương trình 135 giai đoạn 2, đầu tư trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải… đã làm đổi thay đáng kể diện mạo nông thôn miền núi. Theo Ban Dân tộc tỉnh, tổng vốn đầu tư chương trình giai đoạn 2006-2010 hơn 127 tỉ đồng, trong đó ngân sách trung ương gần 95 tỉ đồng, đầu tư các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, phát triển cơ sở hạ tầng, đào tạo nâng cao năng lực cán bộ cơ sở và cộng đồng; chính sách hỗ trợ các dịch vụ, cải thiện nâng cao đời sống nhân dân, trợ giúp pháp lý để nâng cao nhận thức pháp luật và lồng ghép các chương trình, dự án chính sách khác như chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo; chính sách, dự án đầu tư ngoài chương trình mục tiêu quốc gia; các dự án quốc tế… Qua 5 năm triển khai thực hiện, từ 12 xã đặc biệt khó khăn, toàn tỉnh chỉ còn 10 xã và 31 thôn buôn thuộc xã khu vực II được đầu tư và hưởng các chính sách; có 14.300 lượt hộ được thụ hưởng dự án; nhiều máy móc, thiết bị hỗ trợ phát triển sản xuất được hỗ trợ cho người dân; hàng trăm công trình giao thông, thủy lợi, điện, nước sinh hoạt, trường học, nhà sinh hoạt cộng đồng, trạm y tế được đầu tư xây dựng; các chương trình hỗ trợ học sinh là con hộ nghèo; cải thiện vệ sinh môi trường; chương trình giảm nghèo và việc làm; chương trình quốc gia về giáo dục và đào tạo, văn hóa-xã hội được triển khai thực hiện có hiệu quả và đồng bộ. Hơn 90% số hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, khó khăn được hỗ trợ xây dựng nhà ở; giải quyết gần 36.000m2 đất ở cho hơn 100 hộ nghèo có nhu cầu; hơn 800 hộ được giải quyết đất sản xuất, với tổng diện tích gần 230 ha. Xây dựng hơn 200 công trình nước sinh hoạt, giếng nước tập trung và phân tán, đáp ứng nhu cầu về nước cho hơn 3.300 hộ đồng bào dân tộc thiểu số; giải quyết cho gần 11.900 hộ vay vốn phát triển sản xuất.

 

ĐỜI SỐNG NHÂN DÂN THAY ĐỔI

 

Cơ sở hạ tầng được xây dựng và phát huy hiệu quả, các chính sách hỗ trợ được triển khai đúng đối tượng, đến từng hộ dân, phù hợp với tình hình thực tế… Nhờ vậy mà phong trào sản xuất nông nghiệp, thi đua sản xuất kinh doanh giỏi phát triển rộng khắp. Đồng bào dân tộc thiểu số mạnh dạn chuyển đổi tập quán canh tác, cây trồng vật nuôi và hình thành nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung với mía, sắn, cà phê, cao su và phát triển, lai tạo đàn bò. Qua nhiều năm chí thú làm ăn, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số biết phát triển kinh tế trang trại, mua sắm máy móc hiện đại phục vụ sản xuất, thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm, như hộ Ma Tre, Ma Đuông, Ma Bay, Ma Nhứt (huyện Sông Hinh), Ma Buôn, Ma Lía, Ma Thưng, Y Cảnh (huyện Sơn Hòa), Ma Yểm, La Văn Lung (huyện Đồng Xuân)… Ma Ủy, Chủ tịch UBND xã Cà Lúi, huyện Sơn Hòa, cho biết: “Bà con vô cùng phấn khởi vì hiệu quả mà chương trình mang lại. Trong đó đáng mừng nhất là chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất và định canh, định cư, đã góp phần tích cực trong xóa đói, giảm nghèo. Ở Cà Lúi hôm nay, cơ sở hạ tầng như điện, đường, trường, trạm khá đầy đủ và khang trang, đường bê tông nông thôn đã về đến các bản làng, bà con chỉ còn việc chăm lo phát triển kinh tế, nuôi dạy con cái học hành”.

 

Ngoài các chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế, chương trình 135 giai đoạn 2 còn góp phần tích cực nâng cao dân trí, dân sinh. Theo Ban Dân tộc tỉnh, từ năm 2006-2010 hơn 13,8 tỉ đồng được đầu tư để triển khai thực hiện dự án giáo dục tiểu học cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn ở 8 xã và 12 thôn buôn đặc biệt khó khăn tại các huyện miền núi. Bà Trần Thị Chuyện, Phó Văn phòng UBND, phụ trách công tác dân tộc huyện Tây Hòa, phấn khởi cho hay: “Toàn huyện có hai thôn Lạc Đạo và Đá Mài ở xã Sơn Thành Tây được hưởng chương trình 135 giai đoạn 2. Ngoài các công trình công cộng được xây dựng, mới đây, các em học sinh nghèo có hoàn cảnh khó khăn được Nhà nước hỗ trợ học tập, các trường hợp đặc biệt khó khăn được cấp thẻ bảo hiểm y tế. Nhờ vậy mà gần như không còn tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng, tỉ lệ trẻ em đúng độ tuổi ra lớp cao, nhân dân có điều kiện hơn trong khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe”. 

 

Ông Phan Hữu Đại, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Phú Yên, cho biết: “Chương trình 135 giai đoạn 2 đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhiều mặt; cơ sở hạ tầng thiết yếu ở nông thôn, miền núi được đầu tư phát triển nhanh và phù hợp với quy hoạch phát triển của kinh tế-xã hội chung. Đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc ở các xã, thôn buôn đặc biệt khó khăn được cải thiện và ngày càng nâng cao; tỉ lệ hộ nghèo giảm bình quân hàng năm từ 3,2-3,5%. Ngoài ra, chương trình còn giúp nâng cao kiến thức về chuyên môn, nghiệp vụ xóa đói, giảm nghèo và nhận thức về pháp luật của cán bộ và nhân dân, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số, từng bước làm thay đổi diện mạo nông thôn, miền núi và ngày càng rút ngắn khoảng cách với đồng bằng”.

 

PHƯƠNG NAM

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek